Chủ nhật, 17/11/2024, 15:02[GMT+7]

Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững Kỳ 2: Hệ lụy từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ

Thứ 4, 16/10/2024 | 08:50:31
3,997 lượt xem
Chăn nuôi nhỏ lẻ ở các gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, tạo thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương chăn nuôi lợn đã gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi lợn tại xã Bách Thuận (Vũ Thư).

Khổ vì ô nhiễm do chăn nuôi lợn

Khi tiếp xúc với phóng viên về tìm hiểu tình trạng chăn nuôi lợn tại địa phương gây ô nhiễm môi trường, ông P.V.Ư, thôn Bách Tính, xã Bách Thuận (Vũ Thư) rất bức xúc vì tình trạng các hộ chăn nuôi lợn tại địa phương để xảy ra ô nhiễm môi trường không khí, nước. Ông chia sẻ: Mùi hôi từ chuồng trại phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người. Mỗi lần các hộ dọn chuồng, xả nước đều khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Ông N.H.K, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận cho biết: Các hộ chăn nuôi lợn trong khu dân cư có mật độ chuồng trại nhiều càng khiến không khí thêm ngột ngạt. Mỗi lần người dân phản ánh lên chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi đều cam kết giảm đàn và xử lý môi trường để không gây ô nhiễm. Thế nhưng, nhiều năm qua, tình trạng mùi hôi do phân lợn vẫn tái diễn. Đặc biệt, vào mùa hè và mỗi lần có mưa hoặc hộ chăn nuôi dọn rửa chuồng chúng tôi phải đóng chặt cửa nhà để tránh mùi phân lợn bay vào. Không khí bị ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhất là những người lớn tuổi. Du khách tham quan làng vườn thường đi vội vì không chịu nổi mùi hôi thối.

Tương tự, người dân xã Duyên Hải (Hưng Hà) cũng phải sống, sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm từ chuồng trại chăn nuôi lợn. 

Bà N.T.H cho biết: Mấy năm gần đây, người dân xã Duyên Hải đã nhiều lượt phản ánh, bày tỏ bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn nhưng không có thay đổi tích cực. Người dân trong xã hàng ngày vẫn phải hít thở bầu không khí có mùi hôi thối và chứng kiến những kênh mương ô nhiễm chứa chất thải của lợn. Đề nghị chính quyền xã có chủ trương, giải pháp và định hướng quy hoạch cho các hộ chăn nuôi, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nước, bảo đảm bầu không khí trong lành cho người dân.

“Nhắm mắt làm liều”

Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi do hậu quả của việc phát triển chăn nuôi không có quy hoạch là câu chuyện đã quá cũ, tuy nhiên vẫn là vấn đề “nóng” hiện nay. Bởi trên thực tế, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phần đông đều có tâm lý “nhắm mắt làm liều” do xuất phát của chăn nuôi đi lên từ nhỏ lẻ. Với doanh nghiệp, do chi phí đầu tư xử lý chất thải trong chăn nuôi tốn kém, doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt cho hành vi vi phạm của mình. 

Gia đình ông L.V.T ở thôn Bách Tính, xã Bách Thuận là một ví dụ; quy mô chăn nuôi luôn duy trì từ 800 - 1.000 con lợn thịt nhưng chuồng trại chỉ cách các hộ dân bên cạnh 40m, trong khi đó theo quy định khoảng cách tối thiểu là 200m. Riêng trường học và khu công cộng phải cách tối thiểu là 500m. Với số lượng nuôi quá nhiều như vậy ngay trong khu dân cư thì ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí là điều không thể tránh khỏi.

Không chỉ có ông L.V.T nuôi lợn nhiều ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư, tại xã Bách Thuận, hiện nay có tới 323 hộ chuyên chăn nuôi lợn với tổng đàn 12.000 con, trong đó có 33 hộ chăn nuôi quy mô từ 300 con trở lên, 4 - 5 trang trại có quy mô hơn 1.000 con. Điều đáng nói là ở xã Bách Thuận hiện nay đa phần người dân làm chuồng trại chăn nuôi lợn trong khu dân cư tương đối lớn, vì thế không thể tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những người xung quanh. Được biết, tháng 3/2023, xã Bách Thuận tổ chức hội nghị định hướng quy hoạch và lộ trình xây dựng làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng vườn sinh thái gắn với định hướng du lịch sinh thái thân thiện với môi trường phục vụ du khách đến tham quan, du lịch. 

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nhỏ lẻ đang là rào cản lớn nhất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ông Hưng cho biết: Khi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, UBND xã đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra các hộ chăn nuôi lợn. Trong đó, đã thực hiện 2 đợt kiểm tra trong tháng 8/2024, phát hiện 23 hộ vi phạm các lỗi như: không bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa nhà với chuồng chăn nuôi; xây dựng trang trại trên đất vườn... Tuy nhiên, do giới hạn về thẩm quyền xử lý vi phạm, các biện pháp xử lý của UBND xã chưa đủ sức răn đe các hộ chăn nuôi. Việc người dân vẫn duy trì chuồng trại nuôi lợn tại khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đồng nghĩa với việc xã Bách Thuận không thể xây dựng mô hình làng vườn sinh thái phục vụ du lịch tại địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, không chỉ có xã Bách Thuận có tổng đàn lợn lớn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua mà các địa phương như Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), Duyên Hải (Hưng Hà)... cũng có tình trạng chăn nuôi tương tự. Trên thực tế, hiện nay có 19.000 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong toàn tỉnh mới dừng lại ở việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng kỹ thuật biogas, nước thải ra chưa đạt quy chuẩn; thu gom chất thải của lợn vào hố phân để làm phân bón cho vườn cây gia đình. Các hộ chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư, tận dụng diện tích trong khu vực nhà ở để xây dựng chuồng trại, quy mô sản xuất nhỏ và vốn đầu tư hạn chế nên chưa chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, gây tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Vệ sinh môi trường trong chăn nuôi không bảo đảm sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe con người.

Một trại lợn thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư) nằm sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

(còn nữa)

Minh Nguyệt - Mạnh Thắng