Thứ 4, 20/11/2024, 09:33[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường

Thứ 4, 24/08/2016 | 14:44:19
986 lượt xem
Sáng 24/8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố dự hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng trầm trọng. Đã xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Nhiều điểm nóng môi trường xảy ra, gây lo lắng trong nhân dân, gây hậu quả trầm trọng. Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường, không đánh đổi cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung thảo luận, phải nói rõ sự thật, thẳng thắn về thực trạng môi trường hiện nay trong các lĩnh vực để nhận định rõ hơn  những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về môi trường và trách nhiệm của các ngành liên quan, nhất là những yếu kém trong hệ thống, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương. Đất nước đang phát triển, áp lực về môi trường rất lớn nên chúng ta phải làm rõ quan điểm, giải pháp cả trước mắt và lâu dài về xử lý vấn đề môi trường. Tinh thần là tuân thủ đúng luật bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Trên cơ sở đó đóng góp cho Chính phủ, cơ quan quản lý các giải pháp cụ thể, thiết thực, những chỉ số cần thiết về khung pháp lý, chế tài xử lý nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trên cả nước hiện có trên 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhiều cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Rác thải sinh hoạt, hóa chất bảo vệ thực vật, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện và biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta. Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và các vấn đề môi trường. Thiếu cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường. Thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường. Năng lực quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về môi trường, các sự cố môi trường còn nhiều hạn chế… Đó là các nguyên nhân dẫn đến hệ quả vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp. Đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển ở miền Trung vừa qua; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng xả thải, đổ thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương. Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý. Rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt gây ô nhiễm môi trường. Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10 - 11%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định. Nguồn nước mặt, nước dưới đất trong các khu đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến, giải pháp mà các đại biểu đã đóng góp, hoàn thiện chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường để Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhưng không được chồng chéo, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường. 

   Minh Nguyệt 
 
 

  • Từ khóa