Thứ 7, 09/11/2024, 22:25[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 4, 02/01/2019 | 16:08:37
2,357 lượt xem
Sáng ngày 2/1, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về đề án quy hoạch mạng lưới điểm xử lý (không chôn lấp) chất thải rắn thông thường tập trung tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị và các huyện, thành phố.

Đề án quy hoạch mạng lưới điểm xử lý (không chôn lấp) chất thải rắn thông thường tập trung tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được Sở Xây dựng tham mưu xây dựng nhằm mục tiêu 100% các đô thị trong tỉnh có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị trong tỉnh được thu gom xử lý, trong đó có 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế; 100% bùn bể phốt của thành phố và 50% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường; 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường. Theo đề án, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 13 điểm xử lý chất thải rắn tập trung và đến năm 2035, mỗi huyện sẽ có 1 điểm xử lý tập trung. 

Tại cuộc họp, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về bố cục, nội dung đề án và những khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải khi triển khai thực hiện đề án.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, biện pháp xử lý rác thải, từ đó cơ bản giải quyết được những bức xúc trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên các điểm xử lý rác thải hiện nay chưa triệt để, chưa phát huy được hết tác dụng vì còn gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu lại tình hình thực tế, trên cơ sở đó tham mưu phương án trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cho phù hợp. 

Về nội dung quy hoạch, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải đánh giá đúng thực trạng về tình hình thu gom, xử lý rác thải và thực trạng các lò đốt rác hiện nay; về định hướng đến năm 2035, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất toàn tỉnh chỉ có 3 điểm xử lý rác thải tập trung lớn, ngoài ra phải có các điểm dự trữ khác, mỗi huyện phải có từ 1 - 2 điểm tập kết rác tập trung và phải có điểm trung chuyển rác. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất phương thức đầu tư nhà máy xử lý rác được thực hiện theo hình thức xã hội hóa; đồng thời thống nhất quan điểm các điểm xử lý rác thải tập trung phải được sử dụng công nghệ hiện đại, đốt rác phát điện chứ không dùng lò đốt thông thường.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng nghe lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo phương án xử lý đối với việc sử dụng đất tại dự án khu phố 3, 4 - Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) và lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải 300 tấn/ngày và phát điện 5MW tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thái Bình. 

Dự án đầu tư xây dựng khu phố 3, 4 - Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình được UBND tỉnh cấp phép đầu tư từ năm 2004 cho HUD với tổng diện tích đất 87.105m2 và các nội dung đầu tư gồm: hạ tầng kỹ thuật (san nền, mạng lưới giao thông toàn khu, đường nội bộ) và xây dựng nhà ở để kinh doanh (nhà ở thấp tầng, nhà ở chung cư cao cấp và công trình công cộng). 

Về dự án nhà máy xử lý rác thải 300 tấn/ngày và phát điện 5MW tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thái Bình, ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư đã tích cực triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, đồng thời hợp tác với Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Feida Triết Giang và Công ty TNHH Công nghệ môi trường Shenshuo Thượng Hải cùng đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm khoảng 4 năm so với giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh về việc điều chỉnh quyết định giao đất cho HUD trong dự án đầu tư xây dựng khu phố 3, 4 - Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. Về khu đất giáo dục, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương HUD bàn giao lại cho UBND thành phố Thái Bình và không được bồi hoàn chi phí đầu tư hạ tầng. Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải 300 tấn/ngày và phát điện 5MW tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thái Bình, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của Công ty trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đồng thời thống nhất với đề xuất của Công ty đó là gia hạn chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở văn bản cam kết của Công ty về thời gian thực hiện dự án làm cơ sở để cơ quan đăng ký đầu tư theo dõi, giám sát.

Minh Hương