Thứ 4, 13/11/2024, 06:51[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công thương

Thứ 7, 28/12/2019 | 08:37:02
882 lượt xem
Ngày 27-12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống cấp C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu D điện tử của Bộ Công thương. Ảnh: Trần Hải

Theo báo cáo tại hội nghị, ngành Công thương đã hoàn thành tốt và toàn diện nhiệm vụ được giao của năm 2019, nhất là trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến động phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới toàn diện trên nhiều mặt, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp; đồng thời, đã tổ chức được nhiều hội nghị quan trọng như các hội nghị toàn quốc về thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí và các hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến các quy định, cam kết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như các FTA khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước;… góp phần tạo động lực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong bối cảnh toàn cầu tụt dốc, những thành quả đất nước đạt được trong năm 2019, nhất là tăng trưởng kinh tế hơn 7%, có sự đóng góp trực tiếp và to lớn của toàn ngành Công thương. Trong đó, ngành công nghiệp và nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng hơn 10%; các ngành công nghiệp nền tảng khác như điện lực, hóa chất, dầu khí đều phát triển tốt,... tạo ra sự đóng góp rất lớn. Riêng về thương mại, năm nay Việt Nam đạt tổng giá trị xuất nhập khẩu kỷ lục chưa từng có (517 tỷ USD), xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu gấp bốn lần bình quân thế giới. Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam chủ động tham gia thời gian qua cũng cho thấy sự đúng đắn khi xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả hơn.

Về phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2020 tới và các năm tiếp theo, Thủ tướng nêu rõ năm vấn đề ngành cần lưu ý:

Thứ nhất, ngành Công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường. Quy hoạch, phát triển tạo đà cất cánh cho Việt Nam nói chung và những ngành công nghiệp mũi nhọn nói riêng. Ðể làm những việc này, ngành Công thương cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương để tạo nên bước phát triển đúng hướng.

Thứ hai, phải nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; phát triển công nghiệp theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của tài nguyên, thay vào đó chuyển sang tập trung vào công nghiệp chế biến, dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học - công nghệ làm động lực và cạnh tranh.

Thứ ba, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành; tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp theo hướng tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, nhu cầu nội địa lớn, do đó, Bộ Công thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ.

Thứ năm, tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu. Nêu các định hướng cho ngành Công thương trong năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là “mọi mặt phải tốt hơn năm 2019”; tiếp tục phương châm “hành động, bứt phá, hiệu quả” để về đích vượt so với kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Bảo đảm, ba mục tiêu quan trọng năm 2020 đối với ngành Công thương lần lượt là: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%. Với mục tiêu đó, Bộ Công thương cần bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu; triển khai đồng bộ các FTA, chú trọng các thị trường tiềm năng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư; tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành. Bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh. Ngoài ra, Bộ Công thương phải đi đầu giải quyết vấn đề quy hoạch, không vì quy hoạch mà gây ách tắc cho phát triển. Có chủ trương, biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ.

★ Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cùng thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày