Thứ 5, 14/11/2024, 11:08[GMT+7]

Người Dao làm nông thôn mới

Thứ 2, 06/01/2020 | 09:50:24
993 lượt xem
Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết: Người Dao Hạ Sơn không trồng lúa, làm nương như những nơi khác. Người dân nơi đây đã biết chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nuôi dê, làm nghề thuốc nam gia truyền để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây cũng là bản duy nhất của xã có 100% nhà, công trình phụ kiên cố”.

Một góc bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát hôm nay. Ảnh: H.T

Dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng với bà con nhân dân, bản nghèo Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát đã cán đích nông thôn mới (NTM).

Từ hành trình... “xuống núi”

Chúng tôi trở về Hạ Sơn khi đồng bào nơi đây vẫn còn hân hoan trong niềm vui đón bản NTM. Bên những ngôi nhà khang trang, cờ đỏ sao vàng, những vườn cây ăn quả xanh mướt... ít ai biết rằng bà con nghèo vùng cao nơi đây đã từng vất vả như thế nào trong những ngày đầu lập nghiệp.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên “xuống núi”, ông Phan Văn Cấu, trưởng bản Hạ Sơn kể lại câu chuyện di dân cách đây hơn 20 năm cho chúng tôi nghe. Trước đây, trên đỉnh núi Pù Quăn cao ngất, là nơi sinh sống của 72 hộ gia đình với 378 nhân khẩu của đồng bào dân tộc Dao. Dù cách trung tâm xã không xa lắm, nhưng để đến được Pù Quăn cũng phải đi bộ gần một ngày trời vượt qua nhiều núi cao, vực sâu. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, thiếu đất canh tác (chỉ gần 10 ha diện tích canh tác) cùng với những hủ tục lạc hậu, khiến cho cuộc sống của bà con nơi đây luôn quẩn quanh với cái đói, cái nghèo. Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con ở Pù Quăn chuyển xuống sinh sống ở khu vực hai bên tỉnh lộ (nay là Quốc lộ 15C), nằm giữa trung tâm xã Pù Nhi và thị trấn huyện Mường Lát, lấy tên bản là Hạ Sơn.

Ông Cấu bảo: “Bà con vốn đã quen sống trên các vùng núi cao, những tập tục, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức nên “xuống núi” không phải là chuyện một sớm một chiều. Sau một thời gian đấu tranh, đến đầu năm 1997, gia đình tôi cùng 4 hộ khác (tổng có 23 nhân khẩu) quyết tâm rời bản đến vùng đất mới. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành bà con chúng tôi đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ở đây, chúng tôi có đường để đi, có điện sáng để dùng, có trạm y tế và đặc biệt trẻ con lại được đến trường, đồng thời có điều kiện giao lưu mua bán sản phẩm mình làm ra... Vì vậy, bà con dần dần tình nguyện “xuống núi”. Năm 2002, bản Hạ Sơn chính thức thành lập với 17 hộ, 86 nhân khẩu. Đến nay, toàn bản có 52 hộ với 228 nhân khẩu, tổng diện tích 180,8 ha và đã cán đích NTM cuối năm 2019”, ông Cấu hồ hởi khoe.

Đến cán đích... nông thôn mới

Trò chuyện với chúng tôi, anh Triệu Vương Xiết, bản Hạ Sơn chia sẻ: “Khi ở Pù Quăn cuộc sống của bà con chúng tôi bữa đói, bữa no bởi mọi thứ đều không có. Nhưng khi được về bản Hạ Sơn, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cuộc sống chúng tôi dần dần khởi sắc, nhất là từ ngày xây dựng NTM. Nếu như trước kia, chúng tôi chỉ biết trồng ngô, trồng sắn thì giờ đây những mảnh đất ấy đã được thay thế bằng những loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như gia đình tôi, toàn bộ diện tích trồng lúa, trồng xoan trước kia đã chuyển sang trồng cam, vải thiều, xoài, mít Thái. Không chỉ gia đình tôi mà hầu như bà con trong bản đều có của ăn, của để cả rồi!”.

Những mảnh đất cằn khi xưa đã được người dân Hạ Sơn thay thế bằng những loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhắc đến câu chuyện làm NTM, ông Phan Văn Cấu nói: Để có được thành quả như ngày hôm nay tất cả phải nhắc đến 2 chữ “đồng lòng”, nếu không chúng tôi vẫn mãi nghèo như thế. Hiện, bản có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cộng đồng của người dân. Từ một bản nghèo, quanh năm chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây sắn, đến nay lực lượng trong độ tuổi lao động cơ bản được đào tạo nghề (trong tổng số 145 lao động, 22 người có bằng đại học, 8 người có bằng cao đẳng, 12 người có bằng trung cấp, 19 người có chứng chỉ nghề...); năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,77%; những con đường lầy lội, trơn trượt giờ đây không còn, thay vào đó là những con đường bê tông bằng phẳng, sạch sẽ; không còn tình trạng trẻ con bỏ học giữa chừng...

Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết: Người Dao Hạ Sơn không trồng lúa, làm nương như những nơi khác. Người dân nơi đây đã biết chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nuôi dê, làm nghề thuốc nam gia truyền để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây cũng là bản duy nhất của xã có 100% nhà, công trình phụ kiên cố”.

Theo ông Nhân, mặc dù đã đạt chuẩn NTM, nhưng để giữ được thành quả không phải dễ. Bởi hàng năm, xã Pù Nhi nói chung và Hạ Sơn nói riêng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai. Bão lụt, sạt lở đất làm thất thoát, hư hỏng tài sản của nhân dân; các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, khó khôi phục đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, địa hình đồi núi dốc, diện tích canh tác thiếu nước, chủ yếu là đất trồng cây lâm nghiệp, thời gian thu hoạch lâu năm.

“Để phát huy được những kết quả đã đạt được, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nhiều khâu trong quá trình sản xuất, nhân rộng mô hình vườn cây ăn quả, vườn rau sạch, liên kết với cơ sở kinh doanh để tiêu thụ sản phẩm, mang thương hiệu riêng của vùng. Khi đời sống nhân dân được nâng lên, việc làm NTM cũng trở nên dễ dàng”, ông Nhân nói.

Một mùa xuân mới lại về, mùa xuân của sự ấm no, hạnh phúc, người dân Hạ Sơn đang chuẩn bị đón một năm mới với bao niềm vui mới!

Theo baothanhhoa.vn