Chủ nhật, 24/11/2024, 08:09[GMT+7]

Đảm nhiệm vai trò kép là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020

Thứ 2, 27/01/2020 | 09:49:43
1,051 lượt xem
Chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước; không thể quên nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ đối tác, quan hệ với những đối tác quan trọng, với các nước, với láng giềng, nhiệm vụ đó không thể quên...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

PV: Trong năm 2020, khi đảm nhận vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn, có những thuận lợi gì?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đương nhiên, nếu không đảm nhiệm hai vai trò này thì chắc chắn chúng ta sẽ nhàn hơn rất nhiều. Nhưng đây là chủ trương của chúng ta.

Với trách nhiệm mới là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của Việt Nam; đồng thời cũng nâng vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề lớn trên thế giới, vấn đề toàn cầu. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2008-2009, Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã có đóng góp cho các vấn đề của thế giới, vấn đề toàn cầu, vấn đề hòa bình, an ninh. Nhưng lần này chúng ta vào HĐBA LHQ với trọng trách hết sức nặng nề; bởi vì tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tình hình tại Liên hợp quốc, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an, vấn đề lợi ích khác biệt trong Hội đồng Bảo an là rất lớn, có rất nhiều vấn đề.

Chúng ta gia nhập vào một thời điểm hết sức  khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội cho Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm,  đóng góp vào những vấn đề chúng ta có thể đóng góp. Như các bạn thấy, ngay tháng đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ trong một vài ngày đầu Việt Nam đã được đánh giá cao, thể hiện khả năng, trách nhiệm của chúng ta.

Vừa qua, tôi vừa chủ trì phiên Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một điều rất đáng mừng và không ít ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất đã được các nước tham gia với một số lượng cao kỷ lục, không chỉ thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tại phiên Thảo luận mở các nước thành viên của Liên hợp quốc đều có thể tham gia. Có thể nói là sự tham dự cao kỷ lục vì tôi cũng đã xem lại tất cả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, số lượng cũng chưa bao giờ đạt mức như tại cuộc họp mở của chúng ta, là 110 nước tham gia. Điều đó cho thấy chủ đề chúng ta đặt ra, đề xuất của Việt Nam là rất phù hợp và đúng thời điểm. Các nước thấy rằng hơn bao giờ hết càng phải nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này không có nghĩa là trước đây không có các cuộc thảo luận. Năm 2015, 2016, 2018,  Hội đồng Bảo an cũng đã từng có các cuộc thảo luận về các khía cạnh liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc; nhưng lần này, cuộc thảo luận diễn ra đúng vào thời điểm các nước thấy rằng Hiến chương  hiện nay đang bị một số nước có thể là không tôn trọng; việc chúng ta nêu quan điểm là các nước, đặc biệt là các ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải là những nước đi đầu tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này đáp ứng suy nghĩ chung của các nước thành viên khác. Các nước tham gia phát biểu rất tích cực. Điều này cũng cho thấy Việt Nam đã đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước, tạo được sự quan tâm của các nước đối với chủ đề của chúng ta.

Chúng ta thường nói là vạn sự khởi đầu nan, mong rằng Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực. Đồng thời, chúng ta cũng có một vai trò hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta cũng rất mong muốn chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng” của chúng ta đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay là cần tăng cường đoàn kết trong nội khối, tăng cường kết nối để có thể thích ứng, hay chủ động thích ứng với những biến đổi của tình hình thế giới; đặc biệt trong sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, những vấn đề kinh tế, thương mại đặt ra.

Chúng ta may mắn, khi cùng lúc vừa là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1 và bắt đầu Chủ tịch của ASEAN. Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến là tổ chức thông tin về ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức thông tin về ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ của ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam, Chủ tịch của ASEAN 2020, nêu đề xuất vấn đề này. Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an có cuộc trao đổi  như vậy, cùng một lúc nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN tại Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh 

PV: Bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò kép ngoại giao đa phương, các  trọng tâm đối ngoại khác của Việt Nam trong năm 2020?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, việc đảm nhiệm vai trò kép là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020.  Đồng thời chúng ta cũng phải tiếp tục chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước; không thể quên nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ đối tác, quan hệ với những đối tác quan trọng, với các nước, với láng giềng, nhiệm vụ đó không thể quên. Việc đảm nhận nhiệm vụ kép cũng có tác dụng cho chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an hay trong ASEAN, đóng góp vào việc tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước khác trên những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm lợi ích, điều đó không triệt tiêu nhau. Chúng ta cùng đồng thời làm tất cả trong triển khai chính sách của Việt Nam.

PV: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng có đánh giá thế nào về quan hệ Việt-Mỹ và quan hệ Việt-Trung?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ của Việt Nam với Mỹ là trong  khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ của Việt Nam với các nước này đã có khuôn khổ rồi và trong năm 2019 cũng diễn ra như vậy. Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì quan hệ của Việt Nam với các nước này thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp. Cơ bản Việt Nam duy trì quan hệ ổn định; về kinh tế thương mại thì đây là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam; như tôi đã nói  đều là tăng trưởng thương mại trong năm 2019 so với 2018,  đều là tăng nhiều phần trăm so với năm 2018. Những con số đó nói lên quan hệ của chúng ta  vẫn tiếp tục được duy trì.

PV: Trong bối cảnh Biển Đông có diễn biến phức tạp, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào để duy trì hòa bình?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Liên quan đến Biển Đông, Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước. Biển Đông là đường biển hết sức là quan trọng về thông thương hàng hóa liên quan đến tất cả các nước, không phải chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam thì vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam; cũng như tất cả các nước cũng đều có nhiệm vụ như thế.

Vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Đây là điều quan trọng nhất, cũng là việc chúng ta phát huy vai trò. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ở Biển Đông cũng vậy. Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ đảm bảo được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhằm đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc như vậy.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày