Thứ 7, 23/11/2024, 17:45[GMT+7]

Vùng đất 18 thôn vườn trầu bứt phá hoàn thành nông thôn mới

Thứ 2, 03/02/2020 | 16:57:32
1,577 lượt xem
Là nơi vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ trú đóng để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước trong thời kỳ 1930 - 1940. Nên ngay từ tháng 5/1930, khi chi bộ Đảng được thành lập, Bà Điểm là nơi nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn…, về sinh sống và hoạt động.

Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bị thực dân Pháp xử tử tại Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

Mảnh đất cách mạng

Trải qua 90 năm kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xã Bà Điểm (được tách ra từ xã Tân Thới Nhứt - nay là phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh - một trong 18 Thôn vườn trầu Hóc Môn), không những bất khuất trong kháng chiến chống thực dân Pháp để giành độc lập dân tộc, anh dũng trong cuộc đấu tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam. Trong thời bình, Đảng bộ và Nhân dân xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) còn hết lòng hết sức chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương. 

Những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, có dịp quay trở lại xã Bà Điểm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tốc độ phát triển đô thị hóa của địa phương này. Thay vào những khu vườn trầu, ruộng lúa và những con đường đất sình lầy trong những ngõ hẹp là nhà cửa san sát, những khu nhà cao tầng, những con đường nhựa thẳng tắp, cảnh chợ búa vô cùng nhộn nhịp.

Gần một thế kỷ trước, vào những năm 1928 - 1929, sau khi Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ra đời (năm 1925), Bà Điểm được các đồng chí tiền bối cách mạng chọn làm cơ sở để hoạt động. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì đến tháng 5/1930, chi bộ Cộng sản tại Bà Điểm được thành lập. Cũng kể từ đó, vùng đất này đã trở thành nơi nuôi giấu, nơi sinh sống và nơi hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, như: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch UBND xã Bà Điểm cho biết, trước kia Bà Điểm là xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của đại bộ phận người dân được nâng cao, bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt trên 73,7 triệu đồng/người/năm, 100% trẻ đến trường và 100% tốt nghiệp THCS, 100% hộ dân có điện cũng như sử dụng nước sạch. Các loại hình kinh tế - dịch vụ… rất phát triển.

Do địa bàn xã giáp với các quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh…, là những địa phương có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã cũng lập công tác quy hoạch, đến nay trên địa bàn hiện có 6 đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 đã phủ kín. Đối với đường giao thông, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%, đường trục ấp và liên ấp được cứng hóa đảm bảo các phương tiện ôtô đi lại thuận tiện.

Dân hiến đất trị giá nhiều tỷ để mở đường

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bà Điểm Trương Hùng Cường, toàn xã có 18 chi bộ với 648 đảng viên. Năm 2019, Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, đến cuối năm 2019, xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và đã làm báo cáo đề xuất thành phố xét duyệt trong năm 2020.

“Để đạt được thành quả trên, Đảng ủy - UBND xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị của xã cùng thực hiện, thể hiện qua công tác vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhất là trong việc hiến đất mở đường, góp kinh phí để bê tông hóa, thoát nước các tuyến hẻm…, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một xã thuần nông trước đây. Qua đó, đã thể hiện được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân đối với chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước”, ông Cường hào hứng nói.

Ông Quan Trí Minh trên con đường số 7 - nơi có diện tích hơn 300m2 đất của gia đình hiến để Nhà nước mở đường nối ra Quốc lộ 22. 

Đưa tay chỉ con đường số 7 đã được trải nhựa, nối từ những ngõ hẻm của ấp Hưng Lân ra tận Quốc lộ 22. Ông Quan Trí Minh (SN 1957, ngụ ấp Hưng Lân) cho biết, trước kia không có con đường số 7, việc đi lại của bà con trong xóm rất khó khăn. Vào năm 2016, để kết nối giao thông giữa các ấp và các xã, Nhà nước vận động bà con trong ấp hiến đất làm đường.

“Lúc đó, trong gia tộc tôi có rất nhiều ý kiến trái chiều, nên các anh em trong gia đình phải họp bàn nhiều lần vì đất lúc đó có giá từ 40 - 50 triệu đồng/m2. Sau khi phân tích những cái lợi của việc hiến đất. Cuối cùng tôi quyết định thay mặt gia tộc hiến hơn 300m2, để Nhà nước mở đường. Việc mở đường không những gia đình mình đi lại trên đó, mà bà con hàng xóm cũng đi lại, trong xã lại có đường liên thông, giải tỏa được ách tắc giao thông trong khu vực”, ông Minh, kể lại.

Tương tự việc hiến đất để mở đường là trường hợp gia đình ông Lê Văn Thiệt (SN 1958, ngụ ấp Trung Lân). Bên hông nhà ông Thiệt có mương thoát nước hôi thối, lâu dần người địa phương lấp mương làm đường mòn đi tắt ra đường Nguyễn Ảnh Thủ để tránh đi đường trong chợ. Do đường mòn quá nhỏ, chỉ cần 1 xe đạp của người dân đi qua đầu này thì đầu kia phải nhường đường và đã xảy ra nhiều vụ té ngã xuống mương.

Gia đình ông Lê Văn Thiệt hiến gần 70m2 đất để mở rộng đường mòn, hiện nay việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. 

“Khi UBND xã Bà Điểm cử cán bộ đến vận động hiến đất, chồng tôi đã đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Sau nhiều lần họp bàn trong các anh em, phân tích cái lợi cái hại, nhận thấy nếu hiến đất để địa phương mở đường sẽ giúp được bà con trong xóm thuận tiện hơn trong việc đi lại, rút ngắn được thời gian ra đường lớn, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực chợ và giải quyết được ô nhiễm dưới mương. Vì vậy đầu năm 2019, vợ chồng tôi quyết định hiến gần 65m2 (dài 43m x 1,5m ngang) để mở rộng đường cho người dân. Hiện con đường đã được trải đá, trong năm 2020 UBND xã sẽ trải bê tông”, bà Nguyễn Thị Thọ, vợ ông Thiệt cho biết. 

Theo kinhtedothi.vn