Thứ 7, 23/11/2024, 21:53[GMT+7]

Ý Đảng – lòng dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 04/02/2020 | 09:04:32
2,035 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là công việc của nhân dân, lấy sức dân để lo cho dân. Tinh thần ấy đã được Trung ương cũng như tỉnh Thanh Hóa định hướng ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Đảng, chính quyền các cấp định hướng cách làm phù hợp nhất để các tầng lớp nhân dân đồng hành. Nhờ đó, những kết quả to lớn đã được tạo ra nhờ sự đồng lòng, chung tay, góp sức...

Hạ tầng giao thông vừa được xây dựng tại huyện NTM Thọ Xuân. Ảnh: Lê Đồng

Những ngày đầu năm Canh Tý 2020, khi không khí đón xuân mới đang rộn ràng khắp nơi, niềm vui của người dân xã Nga Tân (Nga Sơn) lại được nhân đôi. Bởi lẽ, chỉ cách đây ít ngày, xã vùng biển này được Chủ tịch UBND tỉnh ký và trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Gần 6.600 nhân khẩu trong xã đã trở thành công dân của xã NTM, với sự phát triển nhanh về điều kiện kinh tế lẫn đời sống tinh thần. Chương trình XDNTM cũng góp phần quan trọng trong đổi mới diện mạo những làng quê nơi đây. Trong niềm vui rạng ngời, ông Nguyễn Văn Ty, người dân thôn 8 của xã Nga Tân, hồ hởi: “Theo lời kêu gọi của chính quyền huyện và tỉnh, những năm 60 của thế kỷ trước, tôi là một trong những người đầu tiên đến vùng triều để khai hoang phục hóa, xây dựng kinh tế mới để hình thành nên xã Nga Tân. Chứng kiến những gian khổ thiếu thốn trong những ngày đầu, mới thấy sự đổi thay khó tưởng tượng của ngày hôm nay. Đặc biệt, những thành quả trong XDNTM gần 10 năm qua của xã đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng cũng như đời sống người dân”.

Cũng theo ông Ty, khi đảng ủy và chính quyền xã phát động XDNTM, nhân dân địa phương đã đoàn kết một lòng. “Nhận thấy đây là chương trình đúng đắn, vì sự phát triển của chính người dân nên chúng tôi đã chủ động xây dựng các tiêu chí, không trông chờ ỷ lại chính quyền. Nhìn hệ thống hạ tầng, đời sống kinh tế và những đổi thay hiện tại, trước đây tôi nghĩ chỉ có trong mơ. Thành quả này chính là sự kết hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Những người dân như chúng tôi xin được cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã có chương trình thiết thực, vì sự phát triển của nhân dân và các vùng quê. Người dân chúng tôi sẽ phấn đấu cùng đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục xây dựng các tiêu chí của xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu trong những năm tới.

Nói thêm về sự đồng hành của người dân với đảng ủy và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Tiến Liên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nga Tân, cho rằng: Xã nghèo Nga Tân đạt chuẩn NTM phải kể đến sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Để có điều này, từ những ngày đầu, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của chương trình, có những cơ chế hỗ trợ và phát triển sản xuất cho nhân dân. Xác định lấy sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy đảng lãnh đạo là then chốt và chính quyền xã đã chỉ đạo quyết liệt, xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể cho thực hiện các tiêu chí. Phong trào “Chung sức XDNTM” được nhân dân ủng hộ, nên xã đã huy động được nhiều nguồn lực và ngày công của nhân dân. Hàng chục hộ dân đồng tình, sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông và các công trình hạ tầng theo tiêu chí XDNTM. Đổi lại, xã cũng chú trọng phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, công trình văn hóa... để phục vụ nhân dân.

Trên bình diện toàn tỉnh, kết quả to lớn sau 10 năm triển khai XDNTM cũng phần nào nói lên sự đồng tâm góp sức của nhân dân và các cấp chính quyền trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Thống kê từ Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5 huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Quảng Xương, Đông Sơn, Vĩnh Lộc được Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện NTM và TP Thanh Hóa hoàn thành XDNTM. Cùng với đó, đã có 367 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn lực huy động XDNTM lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; trong đó, phần lớn là do các tầng lớp nhân dân đóng góp, hiến đất, hiến ngày công lao động. Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn trong tỉnh đã có sự đổi thay căn bản, ngày càng hoàn thiện. Gần 1.800 mô hình sản xuất và ngành nghề nông thôn được gây dựng, phát triển theo chương trình XDNTM đã góp phần quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho cư dân nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 chiếm 26,96%, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 3,7%; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng gần 10 lần trong 10 năm qua. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Còn nhớ những ngày đầu khi bắt tay XDNTM, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai đồng bộ chương trình XDNTM từ tỉnh, huyện, xã đến thôn, bản. Sáng tạo của tỉnh Thanh Hóa là, đồng chí bí thư cấp ủy các cấp làm trưởng ban, thay vì chủ tịch các cấp và trưởng thôn, bản làm trưởng ban như các tỉnh, thành phố khác trong nước. Theo đó, mọi chủ trương, định hướng được quy về một mối là người đứng đầu cơ quan Đảng các cấp, nên đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Khi sáng kiến của tỉnh Thanh Hóa phát huy hiệu quả, Trung ương mới đánh giá rồi cho phổ biến nhân rộng ra cả nước. Trong suốt quá trình XDNTM, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết, 1 chỉ thị, 7 quyết định... liên quan đến thúc đẩy thực hiện chương trình. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã đưa “Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM” là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm để quan tâm thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc lại câu ca dao: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” để nói về vai trò của nhân dân. Bài học đó, tư tưởng đó lại được minh chứng trong quá trình XDNTM ở tỉnh Thanh Hóa qua một thập kỷ triển khai. Những thành tựu to lớn trong XDNTM của tỉnh đến thời điểm này chính là sự nỗ lực, là sự kết hợp giữa ý Đảng và lòng dân; sự đồng thuận vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cho “quả ngọt” NTM như ngày hôm nay.

Theo baothanhhoa.vn