Chủ nhật, 10/11/2024, 05:47[GMT+7]

Kinh nghiệm xương máu khi lái xe trên cao tốc

Thứ 7, 15/02/2020 | 15:54:13
1,520 lượt xem
Lái xe trên cao tốc thật thú vị nếu bạn hiểu luật, phán đoán tốt tình huống và quan trọng là tâm thế thoải mái.

Thứ nhất, điều tiên quyết để lái xe an toàn là phải nắm rõ luật.

Thứ hai, khi lái xe đầu óc phải thoải mái, đừng ấm ức với những bác tài khác đi không giống ý mình. Khi đầu óc tài xế căng thẳng sẽ làm cho khả năng phân tích, xử lý tình huống, quan sát... bị kém đi rất nhiều, gây ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Nếu lái xe mà cảm thấy bực bội khi đi đường thì tốt nhất là không nên lái xe. 

Thứ ba, chú ý biển báo trên đường cao tốc (mỗi đường cao tốc lại có chỉ dẫn khác nhau tùy tình hình thực tế). Đường có bao nhiêu làn, chia làn thế nào, tốc độ các làn là bao nhiêu, khoảng cách an toàn giữa xe trước và xe sau... lưu ý tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu. Không được đi quá tốc độ tối đa thì ai cũng biết rồi nhưng tốc độ tối thiểu thì rất khó để xử phạt. Vì tốc độ tối thiểu còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế trên đường. Camera giám sát rất khó để ghi lại chi tiết, chính xác điều kiện thực tế trên đường (Độ phân giải, tầm nhìn xa, đường xấu...).

Ngoài ra tầm nhìn, kinh nghiệm, phân tích tình huống của mỗi bác tài là khác nhau (xi-nhan phải rẽ trái, xe mở cua để quay đầu, người say rượu và ngủ gật lái xe...). Cứ chăm chăm chạy với tốc độ cho phép mà không phân tích tình huống rất dễ xảy ra tai nạn hoặc 'dính' lỗi không làm chủ tốc độ. Khoảng cách giữa xe trước vào xe sau trên cùng một làn đường, lỗi này cũng khó "bắt" vì chỉ dựa vào ước lượng bằng mắt của mỗi người.

Thứ tư, nên đi trên làn đường nào - điều này phụ thuộc vào biển báo (tốc độ, loại xe) và trình độ của người lái xe. Nhiều người tranh cãi về vấn đề này thì tôi cũng xin chia sẻ như sau: Nếu là đường bốn làn, biển báo chỉ quy định tốc độ chạy trên làn đường (không quy định loại xe) thì thường sẽ gồm hai làn đồng tốc phía sát tim đường, một làn có tốc độ thấp hơn nằm ở giữa và một làn đường dừng khẩn cấp phía lề đường. Không tính làn đường dừng khẩn cấp, tôi sẽ phân tích ưu nhược điểm của từng làn:

Làn tốc độ thấp có ưu điểm: di chuyển chậm, dễ căn đường (cái này là do tâm lý khi phải căn một bên)... Nhược điểm, thường phải vượt xe tải vì những xe này chở hàng nặng lưu thông với tốc độ thấp. Khi xe tải gặp đường dốc lên, đường lồi lõm, đường "chờ lún"... thường phải giảm tốc độ và khi lấy lại tốc độ sẽ rất chậm. Đường xe tải đi nhiều thường xấu, nhiều vệt bánh xe. Những người mới lái đi làn này mỗi lần phải vượt là một vấn đề không dễ.

Làn đồng tốc (ở giữa) có ưu điểm là lưu thông được tốc độ cao, tầm nhìn tốt... Nhược điểm là khó căn hai bên (với lái mới), tốc độ tối đa lớn. Người mới lái đi làn này thường hay chệch tay lái, không bám được làn nên cảm thấy đi làn này nguy hiểm.

Làn đồng tốc sát tim đường, ưu điểm là tốc độ cao, quan sát tốt, chỉ phải căn một bên đường... Nhược điểm là tốc độ tối đa hay bị xe sau nháy đèn, bấm còi xin vượt. Với lái mới mà "bò" ra làn này họ thường kệ, không quan tâm vì chuyển làn là cả một vấn đề lớn.

Với các ưu nhược điểm ở trên thì dễ thấy tại sao những người mới lái, đi với tốc độ thấp lại thích đi làn sát tim đường. Chỉ ra như vậy không phải để cổ vũ người mới lái cứ "bò" ra làn tốc độ cao để đi mà là để những người này tự nâng cao tâm lý, kỹ năng tay lái của mình không gây ảnh hưởng đến người khác. Đối với những người lái lâu năm thì có thể thông cảm cho những người mới lái. Thực ra, lái già không quan tâm đâu vì họ hiểu và họ có kinh nghiệm, có giải pháp. Mỗi chuyến đi là mỗi niềm vui đối với họ bất kể đường xá ra sao.

Với kinh nghiệm cá nhân tôi thì chuyển làn, đi làn nào có tầm nhìn phía trước xa nhất dễ quan sát, phán đoán tình huống từ đó đưa ra được giải pháp hợp lý.

Thứ năm, chuyển làn - muốn chuyển làn thì phải xi-nhan, quan sát đủ điều kiện thì mới được chuyển. Tốc độ tăng, giảm hay giữ nguyên phụ thuộc vào tình huống và tình hình thực tế (chú ý tốc độ cho phép).

Thứ sáu, vượt xe là vượt qua xe khác trên cùng làn đường, phần đường để xe chạy được phân định bằng vạch kẻ. Tuy nhiên, đường cao tốc tôi chưa thấy đường nào có làn đủ rộng để hai xe cùng đi trong một làn nên xin phép không gọi là vượt xe mà gọi là qua xe. Đã không có vượt xe thì sẽ không có lỗi vượt phải nhé.

Thứ bảy, qua xe như thể nào. Qua xe có hai kiểu qua, qua cùng làn và qua khác làn.

Qua xe khác làn, đầu tiên phải đi gần đến xe định qua. Khi đến gần vị trí gương chiếu hậu của xe phía trước ở làn bên cạnh có thể nhìn thấy xe của mình thì giữ tốc độ bằng với xe định qua sau đó nháy đèn, còi (còi và nháy vài cái cho chắc) để báo hiệu cho xe kia. Nếu có vấn đề thì họ sẽ xi-nhan theo hướng xe định qua (có thể họ sẽ chuyển làn). Lúc đó lái xe phải giảm tốc để theo dõi tình hình rồi mới đưa ra phương án tiếp theo. Nếu không có vấn đề gì thì xe phía trước sẽ giữ làn để xe qua, khi đó lái xe đạp ga cho đến khi mũi xe mình ngang thân xe định qua nhả ga khoảng 2 giây (tình huống xe định qua gặp tình huống mà chuyển làn bất ngờ còn phanh kịp). Nếu không có vấn đề gì thì lái xe tiếp tục đạp ga để qua một cách mượt mà, nhanh chóng mà vẫn trong tốc độ cho phép. Chú ý, không đi song song với các xe tải, container vì giảm tầm nhìn và có nhiều yếu tố bất ngờ hay xảy ra (nổ lốp, lật thùng...).

Nhiều lái xe cho rằng sao không có xi-nhan thì tôi xin thưa là có cũng được không có cũng được. Bắt được lỗi đó thì CSGT không dễ mà bỏ qua đâu. Giống như câu chuyện đi vào đường cong có phải xi-nhan ko thôi.

Qua xe cùng làn, đầu tiên phải xi-nhan xin chuyển làn rồi quan sát, khi đủ điều kiện thì chuyển làn thôi. Qua bằng làn nào thì phụ thuộc vào tốc độ cho phép trên làn đó có phù hợp với tốc độ để xe có thể qua xe hay không. Khi chuyển làn xong thì quay về bước qua xe khác làn như trên.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày