Chủ nhật, 10/11/2024, 09:54[GMT+7]

Chính phủ và MTTQ phải có những chương trình hành động thiết thực hướng tới nhân dân

Thứ 4, 19/02/2020 | 08:13:12
812 lượt xem
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần nêu cao tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên của Việt Nam. Vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế phải được nâng cao, sức mạnh của toàn dân tộc phải được khơi dậy, mà trước mắt cần phối hợp vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng, chống Covid-19...

Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 18/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thường niên đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam trong năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam…

Báo cáo Kết quả phối hợp thực hiện công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam trong năm 2019, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, năm 2019, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục được triển khai toàn diện, thiết thực, hiệu quả, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân, góp phần chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận cao trong xã hội, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại của đất nước.

Các Bộ, ngành của Chính phủ chủ động, tích cực lấy ý kiến góp ý của MTTQ Việt Nam trong xây dựng thể chế, chính sách và phối hợp tuyên truyền, đưa pháp luật vào áp dụng trong thực tiễn cuộc sống. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia các phong trào, cuộc vận động, chương trình về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2019 đã hỗ trợ xây dựng 16.121 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ trên 13 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với trị giá số tiền hơn 6.586 tỷ đồng, tặng 1,212 triệu suất quà trị giá trên 613 tỷ đồng cho các hộ nghèo, gia đình có công, người nhiễm chất độc da cam, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Lãnh đạo hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tham dự cơ bản, đầy đủ các phiên họp Thường kỳ của Chính phủ, hội nghị, sự kiện, hoạt động có liên quan và các hoạt động, sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX MTTQ Việt Nam; Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần 2 năm 2018 - 2019; Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư...

Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (Covid-19) gây ra, MTTQ Việt Nam đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến ngày 31/1/2020 để quán triệt, tuyên tuyên truyền sâu rộng tới MTTQ các cấp và doanh nghiệp, người dân triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, coi “chống dịch như chống giặc” và có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, nhất là đối với các hộ nghèo trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến nhất trí đánh giá Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân thông qua ý kiến phản ánh của đại diện MTTQ. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp nhận 2.127 kiến nghị của cử tri; đến nay đã trả lời 2.105/2.127 kiến nghị, đạt 99%. Riêng đối với 223 kiến nghị cử tri gửi đến Thủ tướng đã được giao các bộ, ngành cơ quan xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời cử tri đạt tỷ lệ 100%. Các ý kiến mong muốn hai cơ quan tiếp tục phối hợp tốt trong xây dựng cơ chế chính sách để các văn bản được ban hành có tính khả thi cao...

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, trong năm 2020, MTTQ sẽ tập trung giám sát 5 chuyên đề: Công tác cán bộ; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Kết quả đạt được của đất nước trong năm 2019 là toàn diện, thành quả đó có sự đóng góp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của toàn dân, của các thành phần kinh tế. Đó là thắng lợi của toàn dân, của thế kiềng 3 chân giữa Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, là kết quả của tinh thần sát dân, gần dân, sự đoàn kết của toàn dân trong triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do mặt trận phát động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận Mặt trận đã kịp thời vào cuộc vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Những điều này thể hiện quyết tâm của Mặt trận đối với Chính phủ, hai bên đã có những trao đổi nghiêm túc, có những chương trình hành động thiết thực hướng tới nhân dân.

Biểu dương và đánh giá cao những đóng góp tích cực của Chính quyền và hệ thống MTTQ các cấp trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, việc chăm lo, tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Thủ tướng cũng đã tham gia vào những hoạt động tiêu biểu của Mặt trận thời gian qua như Đại hội đại biểu toàn quốc của MTTQ Việt Nam, chương trình vì người nghèo. Chính phủ, các thành viên  Chính phủ và các bộ ngành, địa phương luôn luôn lắng nghe ý kiến của Mặt trận, lắng nghe ý kiến phản ánh của Mặt trận về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có được những ý kiến này, Chính phủ có những quyết sách chính xác hơn đối với những vấn đề liên quan tới nhân dân, đặc biệt là việc giải quyết những điểm nóng, những vấn đề phát sinh nổi cộm trong nhân dân. “Đơn cử như trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều phức tạp hiện nay, sự phối hợp của Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng Mặt trận các cấp đã giúp có những chỉ đạo kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, Việt Nam đã bình tĩnh xử lý tình huống nhằm đảm bảo đời sống cho nhân dân”  - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, năm 2020 chúng ta cần làm tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để làm làm được điều này cần sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống để chống lại hạn hán, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đối với tình hình hạn hán của Đồng bằng Sông Cửu Long. Thủ tướng đề nghị cần nêu cao tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên của Việt Nam. Vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế phải được nâng cao, sức mạnh của toàn dân tộc phải được khơi dậy, mà trước mắt cần phối hợp vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng, chống Covid-19, không thể chủ quan.

Thủ tướng cũng đề nghị cần tiếp tục triển khai các Chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần khẳng định vị trí của MTTQ Việt Nam trong củng cố sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Thủ tướng cũng cho biết, Bô Chính trị cũng đã có kết luận quan trọng, đó là mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội không còn hành chính hóa trong hoạt động. Đây là kết luận quan trọng của Bộ Chính trị, vì vậy việc phát động, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong hệ thống  mặt trận và đoàn thể chiếm vai trò quan trọng, từ đó giúp nhân dân nêu cao ý chí vượt qua khó khăn, lạc quan trong cuộc sống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  cũng lưu ý, các ban, bộ ngành phải lắng nghe ý kiến của Mặt trận, phải quan tâm tới ý kiến nhân dân thông qua kênh của Mặt trận để giải quyết những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, Mặt trận cần tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại, kết nối người Việt Nam ở nước ngoài cùng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương, đất nước, tiếp tục phát động phong trào xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, MTTQ góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trước thềm đại hội Đảng; phát huy vai trò của tôn giáo đối với các vấn đề trong xã hội như dạy nghề, y tế;  đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nơi nào còn khó khăn trong triển khai thì cần khắc phục để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, phối hợp phát huy dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không được coi thường những đốm lửa nhỏ; đối với nhân dân phải kiên trì thuyết phục để tạo sự đồng thuận, đồng lòng. Thủ tướng cũng mong Mặt trận đưa ra các kế hoạch, chương trình giám sát đối với những vấn đề nhân dân quan tâm như vấn đề liên quan đến môi trường, giáo dục, nâng cao năng lực cạnh tranh..

Cuối cùng, Thủ tướng mong MTTQ cùng Chính phủ xem xét, giải quyết và điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp đối với nhân dân, trên tinh thần “phải vì dân và phục vụ nhân dân thì những vấn đề nhân dân kiến nghị mới được lắng nghe và giải quyết”. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để cùng với MTTQ Việt Nam xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhưng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Theo: dangcongsan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày