Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình: Điều hành ngân sách linh hoạt, minh bạch, hiệu quả (Kỳ 2)
Kỳ 2: “Đánh thức” nguồn lực trong dân
Dân làm, dân thụ hưởng
Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 7/11/2013 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ xi măng trả chậm xây dựng hạ tầng NTM như “cơn gió” tiếp thêm sức mạnh cho “ngọn lửa” xây dựng NTM đang bừng sáng khắp các địa phương trong tỉnh. Ngay sau khi quyết định được ban hành, khắp các địa phương, không khí làm đường sôi nổi hơn bao giờ hết. “Phấn khởi”, “hợp lòng dân” là câu trả lời của mỗi người dân khi nói về Quyết định số 19. Đi trên con đường mới, khang trang, bà Đỗ Thị Lan, thôn Đa Phú 1, xã Thống Nhất (Hưng Hà) vui vẻ cho biết: Trước đây, đường trong thôn gồ ghề, khó đi; trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn trượt, việc đi lại của người dân khá vất vả. Nay đường được đổ bê tông, chúng tôi phấn khởi lắm. Ngoài khoản đóng góp theo thống nhất, gia đình tôi tự nguyện hiến 45m2 đất thổ cư, phá dỡ tường bao để mở đường. Nhìn con đường thênh thang, sạch sẽ, không riêng gia đình tôi mà các hộ khác trong thôn cũng không tiếc công, tiếc của đã bỏ ra làm đường. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh khích lệ bà con hăng hái đóng góp mà diện mạo thôn xóm mới khang trang, đổi mới hơn.
Làm đường giao thông ở xã NTM An Đồng (Quỳnh Phụ).
Trước năm 2013, An Đồng là một trong những xã khó khăn của huyện Quỳnh Phụ trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, nhờ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt của tỉnh, của huyện, đặc biệt là Quyết định số 19 của UBND tỉnh, xã đã huy động được sự vào cuộc tích cực của nhân dân, sự ủng hộ của con em xa quê. Chỉ sau 2 tháng phát động, toàn xã đã bê tông hóa 19 tuyến đường, chiếm 80%, với trên 9,2km, trong đó nhân dân, con em xa quê ủng hộ gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dân đã tự nguyện hiến tặng trên 600m2 đất, 600m tường bao, 11 cổng dậu... Tiêu biểu như gia đình bác Nguyễn Văn Lập, thương binh loại 4 đã ủng hộ 20 triệu đồng và tình nguyện cho vay 30 triệu đồng không lấy lãi để thôn làm đường. Đặc biệt, cụ Lê Thị Gái, vợ liệt sĩ đã tình nguyện phá bỏ công trình cổng dậu, tường bao hơn 10 triệu đồng và hiến 13m đất, góp sức cùng bà con nhân dân trong thôn, xóm làm đường. Nhờ đó, góp phần để cuối năm 2014 xã An Đồng đã về đích NTM.
Quyết định số 19 của UBND tỉnh thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, khơi dậy tính tự chủ, tự quyết, tự quản của người dân, tạo thành phong trào sôi nổi khắp các làng quê trong tỉnh. Tại mỗi thôn, xóm đều ban hành nghị quyết làm đường giao thông nông thôn, thành viên là các ban vận động; việc kiểm tra, giám sát công trình đều là người dân địa phương, do đó đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân nên huy động vốn nhanh, không có vướng mắc, bảo đảm nguồn vốn đối ứng cho công trình.
Trường Mầm non xã An Cầu (Quỳnh Phụ) được xây dựng đạt chuẩn NTM.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên đã huy động được nguồn lực lớn trong dân. Rất nhiều cá nhân trong tỉnh tuy còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn sẵn lòng dành dụm, đóng góp hàng chục triệu đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư để mở đường hoặc xây dựng công trình phúc lợi. Nhiều cụ già tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn tích cực vận động con cháu ủng hộ hàng trăm triệu đồng; hàng nghìn gia đình làm ăn khá giả và con em xa quê, nhiều chức sắc tôn giáo đã ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng trong phong trào xây dựng NTM, điển hình như: gia đình ông Trần Xuân Ý, xã Tân Lễ (Hưng Hà) ủng hộ 2,04 tỷ đồng làm đường giao thông; bà Đinh Thị Nụ - vợ liệt sĩ, xã Chi Lăng (Hưng Hà) ủng hộ 280 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; gia đình ông Lê Anh Tuấn, xã Tây Phong (Tiền Hải) ủng hộ 3 tỷ đồng; ông Trần Hữu Vĩnh, xã Thái Phương (Hưng Hà) ủng hộ 1,95 tỷ đồng; gia đình ông Ngô Văn Phát, xã Nam Hưng (Tiền Hải) trú quán tại thành phố Hải Phòng ủng hộ 12,88 tỷ đồng... Chỉ chưa đầy 6 tháng, trên 500.000 tấn xi măng hỗ trợ giai đoạn 1 đã được các xã đăng ký hết. Cơ chế hỗ trợ xi măng sau này được mở rộng áp dụng cho tất cả các xã, kể cả các xã NTM, mở rộng ra một số công trình thuộc nhóm 2 với điều kiện không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Cứng hóa kênh mương nội đồng xã Chí Hòa (Hưng Hà).
Tiết kiệm trên 100 tỷ đồng
Những năm qua, ngành Tài chính đã tích cực tham mưu cho tỉnh điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm bảo đảm cân đối nguồn vốn đầu tư, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi thường xuyên của các cấp, ngành và các nhiệm vụ chính trị, từ đó tạo bước đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có chương trình xây dựng NTM. Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2011 - 2015, mỗi xã về đích xây dựng NTM cần 200 - 300 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương, tỉnh hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng/năm, trong khi toàn tỉnh có 263 xã xây dựng NTM. Như vậy, để về đích phải cần khoảng 200 năm. Tuy nhiên, khi Quyết định số 19 ra đời, với cơ chế hỗ trợ xi măng trúng lòng dân, các xã đã huy động được sức dân tham gia. Tỉnh chỉ hỗ trợ xi măng còn người dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường, ngày công và tiền của để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, từ đó giảm áp lực cho ngân sách. Chỉ tính riêng cơ chế hỗ trợ xi măng, từ năm 2013 đến nay, thay vì đầu tư 100% ngân sách, tỉnh Thái Bình chỉ việc “kích cầu” nguồn hỗ trợ xi măng tương đương 25 - 30% tổng mức đầu tư đã cứng hóa được trên 12.000km đường giao thông nông thôn các loại, trên 1.200km kênh mương và nhiều công trình khác.
Bể bơi xã NTM Thanh Tân (Kiến Xương) được đầu tư bằng nguồn xã hội hoá.
Không những phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, cơ chế này đã góp phần đáng kể giảm áp lực trong điều hành ngân sách. Ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Trong điều hành ngân sách nhà nước, ngành Tài chính luôn bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí theo dự toán được phê duyệt để chủ động nguồn vốn ngay từ đầu năm cho việc thanh toán các chương trình dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm... Trong xây dựng NTM, bên cạnh việc tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; tháo gỡ khó khăn về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kiểm soát và xử lý các khoản nợ... ngành đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều hành ngân sách linh hoạt, triệt để tiết kiệm, đặc biệt trong thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng xây dựng NTM. Ngay trong giai đoạn 1 triển khai cơ chế hỗ trợ xi măng, theo cam kết với đơn vị cung ứng xi măng và cơ chế của tỉnh khi mua xi măng trả chậm trong 6 tháng kể từ ngày nhận xi măng không trả lãi. Từ tháng thứ bảy phải trả lãi theo lãi suất trong hạn của các ngân hàng thương mại và sau 18 tháng không trả được thì phải trả tiền lãi theo mức lãi suất quá hạn. Theo đề án, giai đoạn 1 Thái Bình phải trả lãi khoảng 70 tỷ đồng cho các đơn vị cung ứng xi măng nhưng với sự tham mưu, đề xuất của ngành Tài chính trong việc vận dụng, điều hành ngân sách linh hoạt, sử dụng các nguồn nhàn rỗi của ngân sách, tỉnh đã trả tiền xi măng cho các đơn vị cung ứng trước 6 tháng. Vì vậy, các đơn vị cung ứng đã phải trả tiền lãi tương ứng với thời gian trả trước số tiền gần 35 tỷ đồng. Từ cơ chế và việc vận dụng linh hoạt trong điều hành ngân sách đã mang lại hiệu quả cao, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết thực của chương trình xi măng vừa tiết kiệm cho chi tiêu ngân sách tỉnh trên 100 tỷ đồng.
Sau 7 năm triển khai Quyết định số 19, Thái Bình đã đấu thầu, ký hợp đồng mua khoảng 1,3 triệu tấn xi măng với kinh phí trên 1.530 tỷ đồng. Bằng việc huy động các nguồn lực như tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm chi tiêu dùng..., tỉnh đã thanh toán dứt điểm kinh phí mua xi măng cho các đơn vị cung ứng, kể cả tiền gốc và tiền lãi.
(còn nữa)
Nhóm Phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- “Làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc” 19.05.2020 | 09:24 AM
- Bác về - đất nở hoa 12.05.2020 | 10:30 AM
- Phát huy dân chủ- Động lực phát triển 04.05.2020 | 10:43 AM
- “Ý Đảng - lòng dân” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước 29.04.2020 | 09:06 AM
- Người dẫn đường cho xe tăng tiến vào dinh Độc Lập 28.04.2020 | 08:22 AM
- Vì miền Nam ruột thịt 27.04.2020 | 13:49 PM
- Hậu phương vững chắc góp phần đánh thắng giặc Mỹ 27.04.2020 | 09:50 AM
- Hưng Hà: Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 3) 27.04.2020 | 09:48 AM
- Hưng Hà - Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 2) 27.04.2020 | 09:48 AM
- Hưng Hà: Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 1) 27.04.2020 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026