Thứ 7, 23/11/2024, 14:11[GMT+7]

Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội

Thứ 3, 24/10/2017 | 14:58:07
730 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng ngày 24/10. Ảnh: Đỗ Thoa

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ, cho rằng với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta có khả năng đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là thành công lớn của đất nước ta. Các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH lưu ý rằng những yếu tố tạo nên tăng trưởng vẫn chưa bền vững, thậm chí còn tiềm ẩn không ít rủi ro. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Yếu tố về vốn là yếu tố then chốt trong việc góp phần tăng trưởng. Tuy nhiên, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng lên sẽ tạo bức tranh cạnh tranh, điều đó cho thấy doanh nghiệp trong nước cần hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa cao, trong khi các chính sách nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và đặc biệt là hỗ trợ cho kinh tế tư nhân vẫn chưa rõ nét.

“Vốn hóa thị trường chứng khoán hiện nay lên tới 93% GDP, trong đó có một tỷ lệ lớn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nếu thấy tình hình không thuận lợi họ rút vốn là chúng ta khó khăn. Dự trữ ngoại hối đúng là tăng, nhưng vấn đề là phải chia cho số nhập khẩu xem đảm bảo được bao nhiêu tuần nhập khẩu, nếu tính thế thì cũng chưa chắc là cao kỷ lục như chúng ta nghĩ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân khuyến cáo.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) đưa ra nhận định, trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc khá lớn vào khối doanh nghiệp FDI, nhưng khối này nhập nguyên vật liệu rất lớn, do đó giá trị gia tăng thực tế mà Việt Nam được hưởng là không lớn. “Nhiều dự án trọng điểm đang thiếu vốn, trong khi có những dự án có tiền mà không tiêu được. Như dự án metro Bến Thành - Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh đang triển khai, rất cần vốn, sao ta không linh hoạt điều chuyển từ dự án khác chưa dùng tới để không ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư?" - đại biểu Trần Anh Tuấn phản ánh về công tác điều hành ngân sách chưa linh hoạt, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Về thu ngân sách, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) đánh giá, thu ngân sách từ nay tới cuối năm có nhiều thuận lợi vì cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và tình hình kinh tế thế giới rất sáng sủa. Do vậy ước thực hiện tăng 2,3% thu ngân sách năm nay của Chính phủ sẽ đạt được. Đại biểu cũng cho rằng, khả năng thu ngân sách sẽ còn tăng hơn nữa vì những tháng cuối năm hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại hàng hóa tăng mạnh. Tuy nhiên đại biểu Bùi Đặng Dũng còn lo ngại về nguồn thu chưa vững chắc, đặc biệt là thu nội địa.

Thảo luận về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước thực hiện đạt 6,7%, nhiều đại biểu cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa, tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro, các yếu tố khác như khai khoáng, giải ngân vốn đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016. Do vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá các khó khăn và phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm đạt được mức tăng trưởng 6,7%.

Đồng thời, các đại biểu đánh giá cao kết quả nổi bật của năm 2017 là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước và trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng: Mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% mà cải thiện chất lượng tăng trưởng thì đó là bài toán quan trọng nhất. Còn GDP đạt 6,7% nhưng chất lượng tăng trưởng không cải thiện thì không đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại biểu Trần Quốc Vượng (Yên Bái) thì lưu ý chỉ còn 3 tháng nữa trong khi chỉ tiêu năm nay là tăng trưởng 6,7%, do đó, phải phấn đấu quyết liệt, bởi không hề đơn giản. Nếu cứ bình bình như hiện nay là không thể đạt, phải có đột phá và điều quan trọng vẫn là phát triển bền vững chứ không phải phát triển bằng mọi giá.

Bày tỏ đồng tình về các chỉ tiêu trong phương hướng của năm 2018, đại biểu Trần Quốc Vượng nhấn mạnh phải có cơ chế đột phá để huy động được nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trong dân. Đề cập các dự án BOT, đại biểu này khẳng định đây là chủ trương rất đúng. “Báo chí cũng phải nói mặt tích cực chứ không nên chỉ nói mặt tiêu cực. BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng. Không có nguồn lực xã hội thì làm sao làm được, các nước cũng thế thôi! Vấn đề là làm sao cho minh bạch, lành mạnh”.

Lưu ý sự tác động về biến đổi khí hậu, ông Trần Quốc Vượng bày tỏ: “Phải nói là khốc liệt! Năm ngoái xâm nhập mặn ở miền Nam, hạn hán ở miền Trung thì năm nay thấy lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc. Chỗ này, đầu tư rất nhiều tiền nhưng phải trở thành sự đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế xã hội, tích tụ từ nhỏ đến lớn để mỗi người khi làm các dự án kinh tế phải nghĩ tới thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ngoài những vấn đề trên, nhiều đại biểu cũng đề cập tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra nhiều nơi, phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tinh thần phục vụ ý thức trách nhiệm của 1 bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế. Thanh tra xử lý công vụ chưa nghiêm.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, công khai các vi phạm. Đồng thời yêu cầu Chính phủ tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT.

Theo chương trình, chiều nay, Quốc thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); thảo luận về công tác nhân sự: Nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu./.

Theo: dangcongsan.vn