Thứ 5, 14/11/2024, 11:05[GMT+7]

Nguyễn Thị Mận - “Anh hùng vác đất”

Thứ 2, 30/03/2020 | 09:20:31
6,135 lượt xem
Sau dáng người mảnh dẻ nhỏ nhắn, Nguyễn Thị Mận - người con gái của làng quê Vũ Vân (Vũ Thư) ẩn chứa một sức mạnh nội lực mãnh liệt tạo nên những kỳ tích dường như không tưởng. Nhờ cống hiến lớn lao, tháng 1/1967, Nguyễn Thị Mận được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi mới ở tuổi 20.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước (Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận đứng hàng đầu, thứ 5 từ trái qua). Ảnh tư liệu.

Huyền thoại “Anh hùng vác đất”

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Việt Thắng, xã Vũ Vân, chúng tôi có dịp gặp gỡ với Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận. Ở tuổi 73, nữ Anh hùng Lao động ngày nào nay vẫn giữ được dáng người chắc khỏe, nhanh nhẹn. Hỏi về một thời gian khó vác đất, đào sông, ánh mắt bà Mận sáng hơn, những kỷ niệm một thời nhiệt huyết, sôi nổi ùa về trong ký ức bà.  

Nguyễn Thị Mận sinh năm 1947 trong một gia đình nghèo đông con. Những năm Mận lớn lên là những năm đất nước gặp muôn khó khi miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại, miền Nam đang chiến tranh ác liệt. Tạm gác việc học hành, theo tiếng gọi của phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng”, năm 1964 Nguyễn Thị Mận xung phong tham gia dân công vào Đội thủy lợi Quang Trung của xã Vũ Vân. Đội thủy lợi Quang Trung có nhiệm vụ đắp đê, đắp bờ chống úng bảo đảm an toàn của nhân dân và phục vụ sản xuất của hai thôn: Việt Thắng, Quang Trung xã Vũ Vân. Ban đầu thành lập, Đội chỉ có 20 chị em. Năm 1965, Nguyễn Thị Mận được kết nạp Đảng và được tín nhiệm giao trọng trách Đội trưởng Đội thủy lợi Quang Trung. Khi đó Đội có 45 thành viên và chỉ có vài nam giới.

Những năm đó, cô thanh niên Nguyễn Thị Mận có thân hình nhỏ bé, nặng chưa đầy 40kg, thế nhưng tình yêu Tổ quốc đã giúp cô có được sức mạnh phi thường. Ngày đêm Nguyễn Thị Mận lăn lộn đào đất, gánh gồng trên khắp các công trường đê sông Hồng, sông Trà Lý. Nhiều đêm, Mận tham gia trồng bèo hoa dâu để cải tạo đất ruộng... Những năm 1964 - 1965, đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, hầu hết các công trình thủy lợi, đê điều đều bị phá nát. Giặc đánh phá đến đâu, các đội thủy lợi, trong đó có Đội thủy lợi Quang Trung lại mau chóng xông pha khắc phục hậu quả, gánh đất đắp lại đê, bảo đảm thủy lợi phục vụ sản xuất. Do gánh gồng đất quá nhiều, đôi vai gầy của cô gái 17, 18 tuổi Nguyễn Thị Mận hầu như lúc nào cũng sưng đỏ, lở loét. “Tôi vẫn nhớ sau mỗi ngày tôi đi gánh đất, buổi tối mẹ tôi đều phải đun nước lá bạch đàn thật đặc để rửa cho vai tôi khỏi nhiễm trùng. Đau đớn, mệt nhọc nhưng tôi chẳng hề lung lay, vẫn nung nấu ý chí quyết tâm góp sức mình cùng nhân dân sản xuất, đánh thắng giặc Mỹ” - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận chia sẻ.

Một kỷ niệm khác, một đoạn đê sông Trà Lý bị bom Mỹ phá có nguy cơ bị vỡ, hậu quả thật khôn lường với mấy vạn dân trong tỉnh. Nhận được tin, mấy chục thành viên Đội thủy lợi Quang Trung do Nguyễn Thị Mận trực tiếp chỉ huy gian khổ dầm mình dưới sông 10 ngày đêm liên tục để “vá” đê mặc cho giặc Mỹ điên cuồng trút bom đạn trên đầu. Công cụ lao động hạn chế, thô sơ khiến việc đào đắp đê, làm thủy lợi vô cùng cực khổ, nhưng ý chí sắt đá của cô gái trẻ Nguyễn Thị Mận đã khiến hàng chục anh chị em trong Đội thủy lợi Quang Trung nể phục và hết lòng noi theo.

Sau khi tham quan công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Nguyễn Thị Mận mạnh dạn đề xuất chuyển từ việc dùng xẻng đào đất sang dùng kéo cắt đất, đóng xe cút kít và xe ba gác để chở đất thay cho việc gánh đất. Vì đất trũng, lầy lội, nên Nguyễn Thị Mận có sáng kiến sử dụng các tấm gỗ kê bên dưới làm ván trượt để bánh xe tránh lầy. Thậm chí các công cụ như ba lăng, cần cẩu loại thô sơ cũng được chế tạo và đưa vào sử dụng trong việc đào đắp thủy lợi. Nhờ sáng kiến cải tiến công cụ của Nguyễn Thị Mận đã giúp năng suất lao động của Đội tăng 350% so với trước kia. Sau đó, các đội thủy lợi trong tỉnh đồng loạt phát động phong trào thi đua học và làm theo Đội thủy lợi Quang Trung, tích cực đào sông, đắp đê, làm thủy lợi phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966.

Ở tuổi 73, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận có cuộc sống giản dị, bình yên nơi quê nhà.

Nhờ thành tích cải tiến công cụ, đưa năng suất lao động cao, vượt thời gian quy định nên Đội thủy lợi Quang Trung do Nguyễn Thị Mận làm Đội trưởng được tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ 3 năm liền, Nguyễn Thị Mận được công nhận chiến sĩ thi đua 2 năm liên tục. Tháng 1/1967, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Mận được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước tại Hà Nội. Nhiều người nể phục, yêu quý gọi Nguyễn Thị Mận là “Anh hùng vác đất”.

Vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ

53 năm đã qua đi nhưng kỷ niệm 2 lần gặp Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong ký ức nữ anh hùng Nguyễn Thị Mận. Buổi tối trước ngày diễn ra Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Thị Mận có mặt ở Hà Nội. Buổi tối hôm đó, cô cùng một số đại biểu khác như Hoa Xuân Tứ, Nguyễn Quế, Trần Thị Lý, Ngô Thị Tuyển, La Thị Tám... được đưa đến Phủ Chủ tịch để duyệt báo cáo, nhưng chưa biết sẽ gặp Bác Hồ. Khi đến nơi, Bác Hồ ra đón tiếp khiến Nguyễn Thị Mận và mọi người bất ngờ, vui sướng, xúc động òa lên khóc. Mọi người ngồi vào bàn làm việc, thấy Nguyễn Thị Mận có dáng người nhỏ bé nhất lại ngồi hàng ghế phía dưới, Bác ân cần gọi Mận ngồi lên hàng ghế phía trên còn trống, cách Bác 2 người. Bác đã ân cần hỏi thăm về quê hương, công việc của cô. Khi biết Nguyễn Thị Mận ở Thái Bình, Bác đã ngợi khen và động viên cô tiếp tục cố gắng hơn nữa. Bác cũng căn dặn mọi người phải ra sức thi đua học tập, lao động, chiến đấu để chiến thắng đế quốc Mỹ và xây dựng đất nước.

Khi Đại hội vừa kết thúc, trong lúc cô đang trò chuyện cùng mọi người, Bác tiến đến và nói: “Cháu tuy nhỏ tuổi, nhỏ người nhưng lại lao động giỏi, sản xuất giỏi, Bác thưởng cho cháu!”. Nói rồi, Bác ân cần trao cho Nguyễn Thị Mận 3 điếu thuốc lá và 5 cái kẹo nhỏ. Bác dặn Nguyễn Thị Mận: “Cháu phải ra sức học tập, lao động, cống hiến, không được tự cao, tự mãn. Đất nước, nhân dân cần các cháu nỗ lực hơn nữa!”.

Ngoài 2 lần gặp Bác, năm 1969, khi Bác Hồ mất, cô được tỉnh và Trung ương điều động lên Hà Nội tham gia khâu phục vụ, phụ giúp tổ chức lễ tang Người. Cô càng tự nhủ phải quyết tâm học tập, cống hiến công sức, trí tuệ của mình xây dựng quê hương như lời Người căn dặn.

Năm 1970, cô Nguyễn Thị Mận được điều về công tác tại Ty Thủy lợi tỉnh Thái Bình. Sau đó cô tiếp tục đi học cấp III, học đại học rồi về làm kế toán ở Sở Thủy lợi (sau này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến khi về hưu năm 2005. Trong suốt quá trình công tác, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận nỗ lực cống hiến, góp phần tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và xây dựng quê hương Thái Bình nói chung.

Quỳnh Lưu