Thứ 4, 06/11/2024, 06:17[GMT+7]

Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học

Chủ nhật, 06/10/2024 | 17:20:06
12,663 lượt xem
Xuất thân trong gia đình khoa bảng tại huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập (Hưng Hà), danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 - 1784) với tư chất thông minh, trí nhớ siêu phàm, luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường học vấn. Tư tưởng tiến bộ, ham học hỏi, tấm lòng yêu nước, thương dân của ông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước không chỉ ở thế kỷ thứ XVIII mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn với tổng diện tích 19,7ha tại xã Độc Lập (Hưng Hà).

Thần đồng xứ Sơn Nam 

Gia đình Lê Quý Đôn thuộc dòng dõi nho giáo danh giá, nổi tiếng không chỉ ở trấn Sơn Nam mà còn khắp cả nước. Cha của ông là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ hơn 50 năm làm quan triều Lê - Trịnh, trong đó từng giữ chức Hình bộ Thượng thư, một trong những chức vụ quan trọng trong triều đình. Lê Trọng Thứ luôn được nể trọng vì là học quan thanh liêm, cương trực có tiết tháo, đã nhiều lần thăng giáng bởi có những bài khải can ngăn các chúa Trịnh. Học vấn, đức hạnh của người cha tạo nên những tác động mang tính quyết định cho cuộc đời, sự nghiệp của Lê Quý Đôn. Thời gian cha bị bãi chức quan cho về làng Diên Hà sinh sống là năm Lê Quý Đôn lên 6 tuổi, ông được cha dành nhiều tâm sức giáo dưỡng. Mẹ của Lê Quý Đôn là bà Trương Thị Ích, xuất thân từ gia đình danh giá ở tỉnh Hà Nam hiện nay, có bố là Tiến sĩ Trương Minh Lượng - học giả nổi tiếng với sự hiểu biết sâu rộng và lòng yêu nước. 

Truyền thống gia đình đã tạo nên Lê Quý Đôn ham học và đọc nhiều sách, hiểu sâu các kinh điển Nho giáo từ khi còn nhỏ tuổi. Ông sớm nghiên cứu các tác phẩm như Tứ thư và Ngũ kinh, 2 bộ sách nền tảng của giáo dục thời kỳ phong kiến. Bởi sức đọc, sức nhớ mãnh liệt nên ông được mệnh danh là thần đồng xứ Sơn Nam. Năm Lê Quý Đôn 14 tuổi, vì cha được khôi phục chức tước và triệu về kinh đô, ông trở lại Thăng Long, có cơ hội tiếp xúc thêm với nhiều loại sách để thỏa mãn niềm đam mê đọc, đồng thời, được nghe nhiều bậc văn chương nổi tiếng bình văn... Trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII, ông không chỉ học để thi cử mà còn để hiểu và giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, góp phần cải cách, phát triển xã hội. 

Sự kỷ luật và kiên trì trong suốt quá trình học tập đã dẫn tới những kết quả: năm 18 tuổi, ông đỗ đầu thi hương, đạt danh hiệu Giải nguyên; năm 24 tuổi, đỗ đầu thi hội, đạt Hội nguyên và năm 27 tuổi đỗ đầu thi đình, đạt Đình nguyên Bảng nhãn (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Ông trở thành một trong số ít nho sinh thời quân chủ đỗ đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội và thi đình. Suốt 32 năm làm quan, ông luôn được họ Trịnh trọng dụng và đặt vào những vị trí trọng yếu, chức vụ cao nhất là Tả hiệu điểm (quyền Tể tướng). Với hoài bão kinh bang tế thế, Lê Quý Đôn luôn mong muốn thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm lập lại trật tự để đất nước ổn định, thịnh trị, nhân dân được vui hưởng thái bình. Trong bài Điếu đọc tại tang lễ của Lê Quý Đôn, Tham tụng Bùi Huy Bích, vừa với tư cách thay mặt triều đình Lê - Trịnh vừa là tư cách thay mặt các thế hệ học trò đã từng theo học Lê Quý Đôn, có đoạn viết: “Học vấn sâu rộng, văn chương lỗi lạc thông minh nhất đời, trước tác không biết mệt. Nước Nam ta trong khoảng hai trăm năm nay mới có một người như thế...”. 

Di sản để lại cho hậu thế 

Không chỉ dừng lại ở trong nước, giai đoạn được các nhà nghiên cứu nhắc tới nhiều về những đóng góp xuất sắc của Lê Quý Đôn là chuyến đi sứ sang Trung Quốc (1760 - 1762). Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh chia sẻ: Chiến công kỳ vĩ của Phó sứ họ Lê, ghi một dấu son ngời sáng trong lịch sử bang giao giữa hai nước là khi đoàn sứ bộ về qua cửa khẩu Nam Ninh thấy trong thủ tục làm việc, các quan lại ở đây vẫn gọi các vị sứ thần của ta là “di quan, di mục”, Lê Quý Đôn đã viết một tờ trình và cho người đưa thẳng tới quan Bố chánh Nam Ninh là Diệp Tôn Nhân đề nghị phải bỏ chữ “di” trong cách xưng hô với sứ bộ và trong công văn ngoại giao. Sự biện bác tài hoa, sắc bén, kiên định của Lê Quý Đôn buộc Diệp Tôn Nhân phải hứa làm công văn gửi đi các nơi đổi “di quan” thành “An Nam quốc cống sứ”. 

Cũng trong suốt thời gian 2 năm của chuyến đi này, Lê Quý Đôn đã giao lưu với nhiều học giả danh tiếng, thuyết phục họ về văn hiến và văn minh nước Nam, đồng thời thu thập kiến thức từ các nền văn minh khác nhau, mở rộng hiểu biết của mình về thế giới. Thành tựu của ông trong chuyến đi sứ không chỉ khẳng định giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần làm giàu tri thức của chính ông, đặt nền tảng cho các tác phẩm nghiên cứu sau này. Ông không chỉ biết về người châu Âu, về quả đất tròn mà khi làm cuốn lịch riêng cho Việt Nam, ông đã tham khảo tất cả các loại lịch mà ông biết được trong đó có lịch của châu Âu. Cũng nhờ tiếp thu được những thông tin mới lạ về vũ trụ của người châu Âu mà Lê Quý Đôn đã giới thiệu cho người Việt Nam hiểu biết thêm về những phương trời mới, những nền văn minh khác nhau trên thế giới... Ở lĩnh vực thiên văn, Lê Quý Đôn ghi chép lại các hiện tượng như nhật thực, nguyệt thực và các hành tinh... không chỉ mô tả mà còn phân tích, đưa ra những kết luận hữu ích, góp phần dự báo thời tiết, hỗ trợ nông nghiệp và quân sự. Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông hệ thống hóa kỹ thuật canh tác, chọn giống, thời vụ và nhấn mạnh vai trò của thủy lợi. Những đề xuất của ông giúp nâng cao năng suất và cải thiện đời sống nông dân, đặt nền tảng cho khoa học nông nghiệp Việt Nam... Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực khoa học, Lê Quý Đôn ghi chép lại nhiều phong tục, tập quán, truyền thuyết của các vùng miền, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa để củng cố tinh thần và bản sắc cộng đồng. 

Ông Lê Phúc Nguyên, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam chia sẻ: Hậu duệ họ Lê luôn luôn tự hào về những đóng góp của Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa nước nhà. Làm thế nào trong quãng thời gian không dài của một đời người có thể hoàn thành được khối lượng trước tác đồ sộ như vậy! Chúng tôi luôn lấy đó là tấm gương để giáo dục cho hậu duệ họ Lê về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết, hành trình vô tận chinh phục tri thức. Hội đồng họ Lê nhiều năm nay đã có học bổng Lê Quý Đôn, hỗ trợ học sinh nghèo có điều kiện vượt khó vươn lên; đồng thời qua hàng năm đều tổ chức các đoàn học sinh giỏi của dòng họ về dâng hương tại khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn - di tích quốc gia từ năm 1986.

Đền thờ trong khuôn viên khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, xã Độc Lập (Hưng Hà) là điểm đến của thế hệ trẻ.

Tú Anh