Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Phong trào “Ba đảm đang” trong ký ức nhân chứng lịch sử

Thứ 6, 24/04/2020 | 09:51:59
46,639 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thái Bình đã tỏ rõ khí phách anh hùng, trung hậu, đảm đang, lập nên những chiến công xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, công tác xã hội và chăm lo cho gia đình. 55 năm trôi qua kể từ ngày phong trào được phát động, thời gian đã phủ trắng mái đầu xanh nhưng mỗi khi có dịp, câu chuyện của những người phụ nữ tiêu biểu trong phong trào “Ba đảm đang” vẫn luôn sôi nổi.

Bà Nguyễn Thị Thân - 1 trong 7 cô gái làng Nê (Kiến Xương) được Bác Hồ gửi thư khen.

Trong ký ức của bà Đoàn Thị Chinh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, niềm tự hào về những tháng ngày hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi không thể quên. Bà tự hào kể: Tại sao lại có phong trào “Ba đảm đang”? Năm 1965 là thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Sau mấy tháng tiếp thu ý kiến của các cấp, các ngành và phụ nữ, Trung ương Hội đã đổi “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Có thể khẳng định, phong trào này ra đời củng cố thêm quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh động viên chồng con vững bước trên mặt trận tiêu diệt quân thù. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, toàn tỉnh đã có 270.000 phụ nữ ở khắp các thôn, xóm, đường phố, trường học, nhà máy, công trường, nông trường, cơ quan, xí nghiệp hưởng ứng. Tổng kết phong trào, đã có 85.000 chị đạt danh hiệu “Ba đảm đang”.

Một chiều giữa tháng 4, không hẹn trước, chúng tôi về khu Minh Đức, thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) gặp bà Nguyễn Thị Thân, là du kích của tiểu đội du kích làng Nê. Bà đang cùng người con dâu cả chăm sóc đường hoa trước cửa ngôi nhà mình. Khi phóng viên hỏi về những ngày tham gia phong trào “Ba đảm đang”, bà nhanh nhẹn lấy bức ảnh chụp tại buổi gặp mặt các đại biểu có nhiều đóng góp trong phong trào “Ba đảm đang” nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Bà bảo: Năm 2015 còn đông thế này chứ giờ nhiều chị “đi” rồi, các chị còn lại sức khỏe cũng yếu đi. Tôi mong có dịp gặp các chị mà khó lắm. Rồi bà kể: Năm 1959, khi 19 tuổi, tôi tham gia du kích làng Nê. Tiểu đội có 7 chị em. Có chị có chồng đi chiến đấu, có chị chưa có gia đình nhưng tất cả đều làm việc quên thời gian, quên sự mệt mỏi chỉ với mục tiêu làm sao sản xuất được nhiều thóc lúa chi viện cho chiến trường miền Nam. Ban ngày ra làm hợp tác, tối sáng trăng thì lấy bùn dưới mương đem phơi khô rồi đổ vào chỗ trũng. Vừa để đồng ruộng được xanh tốt vừa diệt được cỏ, chị em nuôi bèo hoa dâu và lấy bùn làm phân bón ruộng. Chị em còn đi bộ hơn 10km xuống Hồng Tiến để cắt cỏ, bó vào, chia nhau kéo theo mép bờ sông hoặc gánh về để làm phân. Lúc bấy giờ có phong trào “nước chấm bờ, phân 8 gánh” nhưng với các cô gái làng Nê không chỉ 8 gánh mà 12, thậm chí 15 gánh. Công thức nuôi bèo, đánh bùn, cắt cỏ để tạo ra phân xanh của các chị đã giúp đồng ruộng màu mỡ, cây lúa xanh tươi, năng suất cứ tăng theo từng vụ rồi cán đích 5 tấn/ha. 7 cô gái làng Nê được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua sản xuất giỏi, rồi kiện tướng bèo hoa dâu. Vừa tham gia sản xuất, các chị tham gia trực chiến cùng bộ đội địa phương tại Huyện đội Kiến Xương, tham gia vót chông làm bàn chông tiếp viện cho miền Nam đánh Mỹ. Bà là giao liên, tối mang công văn xuống các xã. Lúc đó làm gì có đường như bây giờ mà đi, phải đi theo bờ mương, lội ruộng bì bõm; tay cầm đèn chai, tay cầm gậy dò lối. Bà Thân nhớ lại, hồi ấy ai cũng mảnh mai, thế mà làm việc hăng say, không ai mệt mỏi, ốm đau gì cả, việc nào cũng hoàn thành xuất sắc. Phần thưởng quý giá nhất mà Tiểu đội du kích nhận được là thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác bảo, 7 cô con gái làng Nê văn võ song toàn bởi sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, xây dựng gia đình giỏi, hạnh phúc.

Tha thiết với hạnh phúc gia đình nhưng để giành được độc lập, tự do và thống nhất đất nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã gác tình riêng vì nhiệm vụ chung. Các bà, các chị hiểu sự gian nan, khốc liệt nơi trận mạc nhưng vẫn động viên, khuyến khích chồng, con, người thân lên đường ra trận. Nhiều người tiễn chồng, con rồi lại tiễn cháu tiếp bước cha ông lên đường đánh giặc. Bà Vũ Thị Phúc, thôn Ký Con, xã Đông Xuân (Đông Hưng) cũng như hàng nghìn phụ nữ Thái Bình khác, với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, đã hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thủy chung, tham gia công tác địa phương đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường. Chậm rãi kể về những ngày tham gia phong trào “Ba đảm đang”, bà Phúc cho biết: Bà vừa là Hội phó tuyên huấn Hội phụ nữ xã kiêm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo, Trung đội phó dân quân con mọn xã Đông Xuân. Chị em ở xã đã thực hiện khẩu hiệu “Tay cày, tay súng, trực chiến đêm ngày”. Chị em cũng tham gia hũ gạo tiết kiệm, mỗi lần nấu cơm bớt lại một ít gạo. Số gạo tiết kiệm này được sử dụng vào việc tương trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn sau khi được Hội Phụ nữ xã bình xét. Ở Đông Xuân lúc bấy giờ mỗi thôn có 1 trung đội nữ dân quân con mọn và xã có Trung đội dân quân con mọn riêng. Các chị đều có chồng đi bộ đội. Chị em trong xã ai nấy làm việc quên cả giờ giấc, đói no, chỉ có tư tưởng thi đua làm tốt công việc, trách nhiệm của mình ở hậu phương, sắp xếp lo toan chu toàn công việc gia đình để chồng, con yên tâm ngoài mặt trận. Bản thân bà và chồng là giáo viên, 3 con còn nhỏ nhưng đã động viên chồng yên tâm đi bộ đội, bà ở nhà làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ, người con dâu và thay chồng làm cha của các con. Ông đã hy sinh năm 1967 tại mặt trận phía Nam.

Khi nhắc đến người bạn đời của mình là bà Phạm Thị Chắt, ông Cao Minh Hoạt, thương binh, thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng) tràn đầy yêu thương, tự hào, cảm kích. Ông kể: Năm 1965 tôi đi bộ đội, nhà tôi ở nhà nuôi 2 con nhỏ và chăm sóc mẹ chồng. Nhưng để chồng yên tâm, bà đã hăng hái lao động, sản xuất, chiến đấu để trở thành phụ nữ “Ba đảm đang”. Vất vả với việc nhà, việc làng xã nhưng bà nhà tôi đảm đương, quán xuyến đâu ra đó. Tiếp lời chồng, bà Chắt cho biết: Tôi được bố mẹ chồng tạo điều kiện tham gia việc làng, việc xã. Các con còn nhỏ nhưng ngoan ngoãn, những lá thư viết động viên của ông ấy là nguồn động lực để tôi tham gia công tác. Việc nhà tôi tranh thủ làm ban đêm còn ban ngày cùng xã viên thực hiện “đường cày đảm đang”, “cấy chăng dây thẳng hàng”, lấy bèo hoa dâu về ủ làm phân bón cho lúa, ngâm ủ giống đúng kỹ thuật cung cấp giống chất lượng cho bà con, chăn nuôi lợn cân cho hợp tác xã luôn vượt chỉ tiêu, tham gia tổ tiết kiệm để tương trợ cho bà con mua lợn để nuôi; tham gia đào giao thông hào dọc làng. Nhiều đêm, khi việc nhà đã xong, tôi cho con ngủ rồi lặng lẽ xách đèn đi họp bàn việc làng xã. Bà bảo: Hồi ấy, chị em ai cũng thi đua giành danh hiệu “Ba đảm đang”, khí thế sôi nổi lắm. Bản thân tôi đã 3 lần được dự hội nghị tổng kết phong trào chăn nuôi giỏi toàn miền Bắc, được Chủ tịch nước tặng bằng khen.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến phong trào “Ba đảm đang”, những nhân chứng một thời như bà Thân, bà Phúc, bà Chắt vẫn bồi hồi xúc động bởi phong trào có sức sống mạnh mẽ, hiệu triệu mọi tầng lớp phụ nữ tham gia, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Và tinh thần “Ba đảm đang” vẫn luôn là mạch nguồn tuôn chảy, là tài sản vô giá “tiếp lửa” cho các thế hệ phụ nữ hôm nay và mai sau.

Xuân Phương