Thứ 7, 16/11/2024, 00:50[GMT+7]

Cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh và tấm sơ đồ tìm hài cốt đồng đội

Thứ 2, 20/07/2020 | 08:29:09
7,474 lượt xem

Vườn quốc gia Bù Gia Mập ngày nay. Ảnh minh họa.

Ông Vũ Đức Hạnh, sinh năm 1946, tại thôn Cộng Hòa, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, nhập ngũ tháng 9/1965, vào miền Nam chiến đấu tháng 2/1966 thuộc đơn vị C18, E165, F7 (Đại đội 18, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Phước Long nay là tỉnh Bình Phước. 11 năm quân ngũ, 8 năm chiến đấu ở chiến trường, cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên địa bàn chiến trường tỉnh Bình Phước và đã bốn lần bị thương, ở tuổi 74 cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh không còn khỏe, mắt phải chỉ còn 1/10. Khi gợi nhớ về những năm tháng ở chiến trường miền Nam đánh Mỹ và việc vẽ tấm sơ đồ mộ chí các liệt sĩ là đồng đội đã hy sinh, ông bật khóc: Tôi nhớ lắm. Tôi không thể nào quên được những đồng đội và những người bạn của tôi đã nằm lại chiến trường đến nay đã 54 năm rồi mà hài cốt chưa được quy tập, chưa được trở về với quê hương đất mẹ. Tôi vẽ bản đồ và gửi các cơ quan chức năng, tôi khắc khoải chờ mong cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội đưa anh em về nghĩa trang để nhân dân và thân nhân thắp nhang thờ phụng.

Những ngày tháng ở chiến trường, ông Vũ Đức Hạnh là chiến sĩ thông tin truyền đạt, hàng ngày nhận tin chỉ đạo của thủ trưởng Trung đoàn và cấp trên rồi trực tiếp xuống các phân đội truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy. Hai đơn vị mà ông Vũ Đức Hạnh ghi nhớ nhất là C23 Trạm xá Trung đoàn 165 và Trạm xá Bắc Sơn gần với Sư đoàn bộ Sư đoàn 7. Hàng ngày, hai trạm xá tiếp nhận thương binh và các chiến sĩ quân giải phóng bị ốm sốt rét về điều trị, nhiều thương binh bị thương nặng, bị sốt rét ác tính đã hy sinh đều được cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở hai trạm xá khâm liệm và chôn cất tại vị trí đất trống cạnh rìa suối sát với khu vực hai trạm xá của Sư đoàn 7. Trong thư gửi Cục chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng, cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh viết: “Nay tôi vẽ và cung cấp sơ đồ hai khu vực mộ chí liệt sĩ chưa được quy tập thuộc Trạm xá C23, E165 và Trạm xá Bắc Sơn của Sư đoàn 7. Sơ đồ tôi vẽ mới chỉ mô tả được lối vào hai khu vực trên, ở khu vực Trạm xá C23 còn khoảng trên 500 liệt sĩ, khu Trạm xá Bắc Sơn còn khoảng trên 800 liệt sĩ hiện chưa được quy tập đưa về các nghĩa trang. Riêng liệt sĩ Phạm Trọng Ro là đồng hương của tôi, quê ở xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, là chiến sĩ A5, B3, C18, E165 trên đường đi công tác bị sốt rét và hy sinh, tôi trực tiếp chôn cất tại khu vực trên... Ngoài tôi biết thông tin trên còn có bác sĩ Đỗ Văn Thời từng làm nhiệm vụ ở Trạm xá C23, nay còn sống và định cư tại thành phố Vũng Tàu”. Cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh cung cấp về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Đặng Ngọc Chiến, quê xã Đông Xuân, là bạn học, cùng tuổi và cùng nhập ngũ, ở cùng đơn vị. Ngày 2/11/1966, Đặng Ngọc Chiến thực hiện nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy Trung đoàn 165 về Trạm xá C23. Trên đường trở về gặp mưa lũ trên suối Đắc K (suối Đắc K còn có tên gọi suối Cây sung). Đặng Ngọc Chiến lên cơn sốt rét ác tính và hy sinh. Vũ Đức Hạnh cùng các đồng đội là Tiện, Quyến, Biên tổ chức chôn cất Đặng Ngọc Chiến ở phần đất Yên Ngựa ngay gần với suối Đắc K. Năm 2013, cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh đã trực tiếp đưa thân nhân liệt sĩ Đặng Ngọc Chiến trở lại Bù Gia Mập cất bốc hài cốt liệt sĩ Đặng Ngọc Chiến đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Gần nửa thế kỷ kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trở lại các tỉnh Nam Tây Nguyên xưa là chiến trường khốc liệt, nay cuộc sống đã “thay da đổi thịt”. Bình Phước, Đắk Nông dấu tích chiến tranh bây giờ đã trở thành các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa để nhân dân cả nước và quốc tế đến nơi này tham quan. Nhưng có mấy ai biết trong mênh mông của ngút ngàn màu xanh với trên 26.000ha đất rừng Nam Tây Nguyên, Bù Gia Mập kia, còn chất chứa nỗi đau thương của chiến tranh. Còn đó những phần hài cốt liệt sĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua không ai hương khói, xương cốt các liệt sĩ đã và đang hòa vào đất, hòa vào cây, hóa thân cho tự do, độc lập. Tấm sơ đồ phần mộ các liệt sĩ do cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh +vẽ lại gửi các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ cũng vừa được gửi tới Bộ CHQS tỉnh Bình Phước với ước vọng khắc khoải sẽ có thêm trên 1.300 hài cốt liệt sĩ sẽ được tìm thấy, được cất bốc và quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ trong thời gian tới.

“Cục Chính trị Quân đoàn 4 đã nhận được thư và sơ đồ mộ liệt sĩ do cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh gửi đề nghị Quân đoàn tổ chức tìm kiếm, quy tập liệt sĩ thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại khu vực Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Do đơn vị không có đội quy tập mộ liệt sĩ. Vì vậy, Cục Chính trị Quân đoàn 4 đã có công văn và chuyển thư, sơ đồ mộ liệt sĩ do cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh cung cấp đến Cục Chính trị Quân khu 7 để cùng phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang theo nguyện vọng của đồng chí, đồng đội và thân nhân liệt sĩ”. Đó là nội dung công văn hồi âm của Cục Chính trị Quân đoàn 4 gửi cựu chiến binh Vũ Đức Hạnh ngay sau khi Cục Chính trị Quân đoàn 4 nhận được thư và tấm sơ đồ vẽ mô phỏng phần mộ các liệt sĩ thuộc các đơn vị Sư đoàn 7, hy sinh trong các năm 1966, 1967 được chôn cất tại khu vực Trạm xá Trung đoàn 165 và Trạm xá Bắc Sơn trong rừng thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đến nay chưa được cất bốc và quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ."


Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

Phạm Quang Sơn - 4 năm trước

Cháu chào các bác ! Ông nội cháu hy sinh cũng cùng đơn vị với ông Vũ Đức Hạnh, cháu nhờ các bác cho cháu xin SDT của Ông Vũ Đức Hạnh để liên lạc được không ạ

Tải thêm