Thứ 7, 23/11/2024, 13:59[GMT+7]

Biểu tượng của cuộc chiến tranh biên giới nhưng công lao chưa được ghi nhận

Thứ 3, 21/07/2020 | 08:39:28
13,283 lượt xem
Khi nói về cuộc chiến tranh biên giới với quân Trung Quốc năm 1979, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh anh chiến sỹ gầy gò, vác khẩu súng B41 trên vai tại cột mốc số 0 Lạng Sơn. Các chuyên gia quân sự và phóng viên chiến trường kỳ cựu đánh giá: Đây là bức ảnh biểu tượng nhất của cuộc chiến biên giới năm 1979.

Bức ảnh người chiến sỹ tại cột mốc số 0 Lạng Sơn được gia đình đặt trên bàn thờ của chiến sỹ Trần Duy Cung.

Hình ảnh người chiến sỹ hiên ngang vác trên vai khẩu súng lớn, hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 như một lời tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả bất cứ đội quân nào nào xâm phạm đến lãnh thổ, đến biên giới nước ta, dù đó là đội quân đông nhất, mạnh nhất. Nhân vật trong bức ảnh đó là chiến sỹ Trần Huy Cung (tên thường gọi là Trần Duy Cung) ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Hành trình trở thành biểu tượng

Giữa năm 2019, Báo điện tử VTC News có loạt bài về hành trình đi tìm nhân vật trong bức ảnh được coi là “biểu tượng nhất” của cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược. Dành nhiều tâm huyết và công sức lần theo các manh mối, cuối cùng phóng viên của VTC News đã tìm ra được nhân vật trong bức ảnh nối tiếng đó, đó chính là ông Trần Duy Cung, quê ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Loạt bài này của VTC News sau đó đã được Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đánh giá cao và đã được vinh danh tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV năm 2019, diễn ra vào tối ngày 21/6/2020 tại Hà Nội.

Nhờ những thông tin của đồng nghiệp, chúng tôi tìm về phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi gia đình ông Trần Duy Cung sinh sống. Bà Tô Thị Huê là vợ của ông Cung và người con trai thứ hai của ông bà là anh Trần Văn Dinh thấp thỏm chờ chúng tôi từ sáng sớm khi nghe tin có người từ Thái Bình vào thăm. Trong câu chuyện nói về bố mình là chiến sỹ Trần Duy Cung, anh Dinh kể: Bố anh sinh năm 1946. Đến năm 1964, ông nhập ngũ, tham gia chiến trường Quảng Trị. Đến khoảng năm 1967, ông xuất ngũ về làm tại Công ty Lương thực Phúc Khánh. Năm 1979, khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới phía Bắc xâm lược nước ta, thực hiện lệnh tổng động viên, ông tái ngũ lần thứ hai. Kết thúc chiến tranh, ông xuất ngũ trở về địa phương và tiếp tục công tác ở Công ty Lương thực Thái Bình. Từ năm 1982 đến năm 1988, bố anh về làm ca trưởng ở Nhà máy Xay Tiền Hải và nghỉ hưu ở đó. Đến năm 1993, cả gia đình anh chuyển hẳn vào sinh sống ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ đó đến nay. Tuy nhiên bố anh đã mất năm 2015 sau một thời gian dài ốm nặng.

Trong ký ức của mình, anh Dinh cho biết: Thỉnh thoảng ông hay kể cho các con nghe những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của mình trong những ngày “vào sinh ra tử” trên chiến trường. Nhất là những ngày đài truyền hình đưa tin về dịp kỷ niệm các ngày giải phóng của dân tộc thì bố anh lại càng say sưa kể về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận chiến đấu ác liệt, tưởng như chỉ một đi không trở lại. Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, bố anh là một trong những người đầu tiên có mặt trên chiến trường Lạng Sơn. Ông cũng hay kể cho anh nghe về việc sử dụng súng phóng lựu B41 để chiến đấu với kẻ thù. Đối với người bình thường thì chỉ bắn được 1 phát, nhưng bố anh có thể bắn liền từ 3-4 phát mà không bị “phọt” máu tai.

Rơm rớm những giọt nước mắt, bà Tô Thị Huê là vợ của chiến sỹ Trần Duy Cung không thể quên ngày bà chở cậu con trai thứ hai lúc đó mới 4 tuổi để đi tiễn chồng ra chiến trường. Hồi đó là cuối năm 1978, sát Tết Nguyên đán năm 1979, chồng bà phải ăn Tết trước để theo lệnh tổng động viên tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc. Những ngày sắp xa gia đình, ông luôn nói với bà: Lần này đất nước lại lâm nguy, anh phải xung phong ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Chẳng biết sống chết thế nào, chỉ mong 3 mẹ con ở nhà chăm sóc nhau cho thật tốt. Đêm hôm đơn vị của ông tập kết tại huyện Thái Thụy, bà chở cậu con trai út trên chiếc xe đạp cũ, vượt đò Trà Lý sang tiễn chồng, tờ mờ sáng sáng đến nơi thì đơn vị của ông đã rời đi, hai mẹ con lại lủi thủi đèo nhau về. 

Gia đình bà Tô Thị Huê rất tự hào vì có người chồng, người cha anh dũng trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược biên giới phía Bắc.

Công lao chưa được đền đáp xứng đáng

Hiện nay các chuyên gia quân sự và phóng viên chiến trường kỳ cựu đánh giá: bức ảnh người chiến sỹ vác khẩu B41 tại cột mốc số 0 Lạng Sơn là hình ảnh biểu tượng nhất của cuộc chiến biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979. Hình ảnh người chiến sỹ hiên ngang vác trên vai khẩu súng lớn, hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 như một lời tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả bất cứ đội quân nào nào xâm phạm đến lãnh thổ, đến biên giới nước ta, dù đó là đội quân đông nhất, mạnh nhất.

Đối với người chiến sỹ dũng cảm Trần Duy Cung, ông đã hai lần “vào sinh ra tử” trên chiến trường. Tham gia chiến đấu ở cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và quân xâm lược Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay, những ghi nhận của các cấp có thẩm quyền đối với công lao của ông là chưa xứng đáng. Bà Tô Thị Huê, vợ chiến sỹ Trần Duy Cung cho biết khi chồng bà xuất ngũ về công tác tại địa phương thì tất cả giấy tờ liên quan ông đều nộp vào cơ quan nơi công tác. Nhưng sau này các nhà máy giải thể thì giấy tờ của ông cũng thất lạc theo. Vì vậy có thời gian ông viết đơn xin gia nhập vào Hội Cựu chiến binh nơi sinh sống nhưng không được chấp thuận. 

Không kìm được những giọt nước mắt, bà Huê nghẹn ngào: “Nghĩ thương ông ấy. Lúc còn sống thì ông ấy sống chết trên chiến trường. Ngày ông ấy mất thì không được một nén nhang hỏi thăm của các cấp Hội Cựu chiến binh. Điều ông ấy mong muốn và trăn trở khi còn sống là được kết nạp vào hội viên Hội Cựu chiến binh nhưng giờ mong mỏi đó coi như không trở thành hiện thực nữa rồi”.

Anh Trần Văn Dũng là con trai cả của ông Cung, hiện nay đang là Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ tâm sự: Bản thân tham gia công tác ở địa phương, nhiều lần đại diện cho chính quyền đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nhưng với bố anh thì từ trước đến nay chưa hề có lần nào được thăm hỏi hay tặng quà. Mỗi lần nghĩ về người bố anh dũng nhưng phải chịu thiệt thòi như vậy anh rất xót xa và tủi thân.

Điều mà gia đình bà Huê và các con hiện nay đang mong muốn đó là không phải đòi hỏi công lao, chế độ cho chồng và cha của mình là chiến sỹ Trần Duy Cung bởi dù sao ông cũng mất rồi. Nhưng gia đình bà mong mỏi là mọi người cần công nhận sự đóng góp của ông đối với đất nước. Sự thật của lịch sử thì mãi là sự thật và cần được trả lại đúng vị trí của nó.

Tuấn Dung – Hồng Gia

(Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình)