Thứ 7, 23/11/2024, 14:11[GMT+7]

“Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết”

Thứ 4, 13/02/2013 | 18:33:16
2,211 lượt xem
Năm 2012, thời khắc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; gian khó ấy len lỏi vào giảng đường học tập, tác động không nhỏ đến những nơi bình yên nhất của cuộc sống. Song, ý chí của con người vẫn là chất thép không hoen rỉ, càng khó khăn, càng thêm ngời sáng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Thái Bình luôn đứng ở đỉnh cao, trong tốp đầu của cả nước.

Năm Nhâm Thìn 2012, toàn ngành Giáo dục – Đào tạo vui mừng kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để cả xã hội tôn vinh các nhà giáo, là cơ hội để bồi đắp đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của cha ông ta nghìn năm để lại.

 

Năm 2012, thời khắc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; gian khó ấy len lỏi vào giảng đường học tập, tác động không nhỏ đến những nơi bình yên nhất của cuộc sống. Song, ý chí của con người vẫn là chất thép không hoen rỉ, càng khó khăn, càng thêm ngời sáng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo Thái Bình luôn đứng ở đỉnh cao, trong tốp đầu của cả nước. Lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức cuộc gặp mặt với các em học sinh thi đỗ đại học từ 24 điểm trở lên. Không riêng các em, chúng tôi – những người rời xa mái trường phổ thông hơn 40 năm vẫn vẹn nguyên cảm xúc của buổi gặp mặt vẫn rung lên trong tim tưởng như đã già nua của mình những âm thanh nồng ấm. Đúng như lời của một bài hát: “Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày Tết”.

 

Trong số hàng trăm gương mặt non tơ, rạng ngời của các em có thành tích cao, đạt 24 điểm trở lên, chúng tôi vẫn nhận ra em – Lưu Thế Anh, thủ khoa Đại học Bách khoa (Hà Nội), học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà. Con đường em đi tới vinh quang, chạm vào vòng nguyệt quế Thủ khoa là con đường đầy gian nan vất vả. Cuộc sống của hai mẹ con và cái nghèo đè nặng trên vai cậu bé mảnh mai và người mẹ ốm yếu… chính là động lực để Anh vươn tới chân trời em mơ ước. Năm lớp 12, em giành giải nhất môn toán; giải nhì môn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; giải nhì môn toán máy tính cầm tay. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 52,5 điểm; thi Đại học Bách khoa đạt 28,25 điểm. Khi chúng tôi viết bài này, Lưu Thế Anh đang ở nước Nga xa xôi, với nhiệt độ xuống âm 300C. Ngay sau khi Báo Thái Bình nêu tấm gương của em, rất nhiều cá nhân, tập thể đã đến thăm và tặng quà cho em: Huyện ủy, UBND và Hội Phụ nữ Hưng Hà tặng 30 triệu đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng 50 triệu đồng; bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Công ty thương mại Hải Bình tặng 5 triệu đồng và một máy tính xách tay trị giá gần 10 triệu đồng. Không những thế, em còn được Tập đoàn Dầu khí Việt Namon> đài thọ sang Nga học tập. Mẹ em ở quê nhà cũng đã xây lại căn nhà dột nát từ tiền giúp đỡ nêu trên để đón một mùa xuân trọn vẹn trên nhiều mặt.     

 

Chúng tôi không gặp được hết các em thủ khoa có mặt tại buổi hôm ấy, nhưng Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Đặng Phương Bắc đã ngân vang trong diễn văn: Sẽ là thiếu nếu như chúng ta không nêu danh một trường hợp không phải thủ khoa nhưng có tổng điểm thi cao nhất trong mùa thi đại học năm 2012 của Thái Bình là em Mai Trần Hạnh Linh, học sinh Trường THPT Chuyên thi vào Đại học Y Hà Nội đạt 29 điểm và còn 4 em nữa thi đạt 28 điểm đến trên 28 điểm là: Phạm Thị Tâm, học sinh Trường THPT Quỳnh Thọ, dự thi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đạt 28 điểm; Phạm Thị Duyên, Trường THPT Tây Tiền Hải, dự thi Trường Đại học Dược Hà Nội, đạt 28 điểm; Nguyễn Xuân Thiện, Trường THPT Bắc Duyên Hà, thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: 28 điểm  và Hoàng Đình Quang, Trường THPT Quỳnh Côi, thi Đại học Ngoại thương đạt 28,5 điểm.

 

Tiếng thầy Bắc vẫn vang lên rành rọt, khúc chiết, hẳn là cũng như chúng tôi, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo hết sức xúc động xen lẫn tự hào về một thế hệ học sinh các thầy đang chăm chút, vun trồng: “Các em là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa 6.588 bông hoa học trò của mùa thi tuyển sinh vào các trường đại học năm 2012 của tỉnh Thái Bình. Các em đã góp phần làm bừng sáng truyền thống hiếu học của dân tộc, của quê hương Thái Bình hôm nay. Các em là tấm gương cho lớp lớp học trò đàn em học tập và noi theo. Các em là niềm tự hào, niềm tin yêu của các thầy, cô giáo, của các bậc cha mẹ, của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Thái Bình”.

 

Bức tranh giáo dục – đào tạo năm 2012 có rất nhiều điểm nhấn, nhiều mảng màu đẹp làm ấm lòng người. Bên cạnh những đóa hoa đẹp có tổng điểm thi cao vào các trường đại học nêu trên, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT cũng được coi là cao nhất từ trước đến nay. Năm học 2011 - 2012, học sinh Thái Bình trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khối THPT là 64%, khối GDTX: 45%. Năm học 2012 - 2013 nếu đạt tỷ lệ như thế thôi, sẽ có 14.276 em đỗ. Tương ứng như vậy, mỗi năm Thái Bình có con số làm tròn là 14 nghìn em. Sau tốt nghiệp ra trường sẽ có hàng chục nghìn em có việc làm, có lương…  mỗi năm cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Đó mới chỉ là tính ở hiệu ứng của tích cực; còn nếu các em không thi đỗ vào các trường, không có việc làm thì hệ lụy với gia đình và xã hội sẽ ra sao?

 

Các em được về dự lễ tôn vinh lần đầu tiên cũng là những người có ít nhiều công lao “xây thành, đắp lũy” nên thành tích giáo dục năm học 2011 – 2012 của tỉnh nhà như: Đoạt cúp vàng vô địch quốc gia trong kỳ thi giải toán qua mạng, cúp vàng vô địch quốc gia trong kỳ thi Olympic tiếng Anh qua mạng. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT, Thái Bình có 10 đội tuyển tham gia với 68 thí sinh dự thi, có 56 em đạt giải, chiếm 83%.  Nhìn xa hơn một chút, năm 2010, xếp hạng điểm thi đại học của Thái Bình đứng thứ 4 toàn quốc, với 4 học sinh đạt điểm cao từ 28 điểm trở lên; 9 trường THPT lọt vào tốp 200 trường trên toàn quốc có điểm bình quân cao 3 môn thi đại học. Năm 2011, xếp thứ 5 toàn quốc, với 15 học sinh đạt 28 điểm trở lên, 13 trường THPT lọt vào tốp 200 trường trên toàn quốc có điểm bình quân cao 3 môn thi đại học.

 

Năm 2012, theo thống kê sơ bộ  của Bộ GD- ĐT kết quả thi đại học đợt 1 của Thái Bình xếp thứ 8, có 8 trường lọt vào tốp 200 trường. 6588 em đỗ đợt 1, đạt 41,57% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THPT năm 2012. Có 4 em đỗ thủ khoa, 515 lượt học sinh với 442 em thi đỗ đại học từ 24 điểm trở lên. Có 73 em đạt 24 điểm trở lên ở cả 2 khối gồm: THPT Chuyên Thái Bình có 14 học sinh; THPT Quỳnh Côi, Tây Tiền Hải, mỗi trường có 7 em; THPT Nguyễn Du: 6 em. Số lượt học sinh đạt 24 điểm trở lên có 262 em (khối A), 174 em (khối B), 66 em (khối D) và 4 em (khối C). 4 em học sinh đỗ thủ khoa gồm: Lưu Thế Anh (ĐH Bách khoa Hà Nội), Trịnh Thị Thanh Thu (khối A - ĐH Y Thái Bình), Vũ Hải Vân (ĐH Y Hải Phòng) và Nguyễn Mạnh Hoan (ĐH Mỏ địa chất).

 

Sau phút giây thăng hoa bước lên bục danh dự nhận thưởng, được vinh danh tại một trung tâm hội nghị lớn của tỉnh – nơi diễn ra các sự kiện mà cách đó không xa là Đài liệt sĩ, nơi các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ (hẳn là các liệt sĩ cũng thấy “ấm lòng” khi máu, xương của mình đã đổ cho độc lập, tự do để các thế hệ học sinh hôm nay học giỏi, có tri thức, kiến thức dựng xây đất nước, mà thế hệ họ chưa làm được) giọng đọc của thầy Bắc trên diễn đàn lễ tôn vinh, kéo các em về với thực tại: “Trong suốt cuộc đời mỗi con người, biển học là vô tận. Con đường chinh phục đỉnh cao tri thức nhân loại không có điểm dừng.

 

Những kết quả mà các em đạt được hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường lập thân, lập nghiệp, còn vô vàn khó khăn, trở ngại và đầy chông gai ở phía trước. Các em không được chủ quan, tự mãn. Danh hiệu “thủ khoa đầu vào” sẽ trọn vẹn hơn, tỏa sáng hơn khi các em vươn lên đạt được tấm bằng “Thủ khoa tốt nghiệp Đại học” trở thành những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giỏi trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh. Khiêm tốn, cầu thị, trân trọng gìn giữ, nâng niu những gì mình đã dành được và luôn khát khao vươn lên, đó chính là phẩm chất đáng quý nghìn đời của người Thái Bình chúng ta”.

 

Thông điệp của Nhà giáo ưu tú Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD–ĐT đã và đang truyền lửa đến tất cả các em đang học tập trên các giảng đường của trường Đại học, hay như Lưu Thế Anh đang chống chọi với mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga xa xôi, phấn đấu trau dồi kiến thức để mai sau trở về đóng góp cho sự nghiệp dầu khí Việt Nam.

Bài: Phạm Viết Thanh - Ảnh: Ngọc Trâm

 

 

  • Từ khóa