Thứ 7, 16/11/2024, 04:46[GMT+7]

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Sức ép thật hay ảo? (Tiếp theo và hết)

Thứ 5, 24/05/2018 | 09:02:42
1,174 lượt xem
“Thừa thầy, thiếu thợ” là tình trạng của giáo dục và lao động, việc làm tại Việt Nam đã được phản ánh từ lâu. Đại học hay cao đẳng không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp sẽ là xu hướng mới để giảm sức ép thi cử.

Nhiều học sinh đã chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS (học sinh học nghề may tại Trường Đại học Thái Bình).

Quan tâm phân luồng học sinh

Năm học 2017 - 2018, Trường THCS Tây Sơn (thành phố Thái Bình) có 187 học sinh lớp 9, tăng 44 học sinh so với năm học trước. Sau khi kết thúc đợt kiểm tra chất lượng cuối năm học, toàn trường có 157 học sinh đăng ký ôn tập tại trường. Thầy giáo Nguyễn Đức Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp phân luồng học sinh. Đến đầu học kỳ II, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để thông báo khả năng học tập của từng học sinh, sau đó, phát cho các em phiếu bày tỏ nguyện vọng sau khi tốt nghiệp THCS. Trên cơ sở đó, nhà trường tư vấn cho những học sinh có lực học trung bình, yếu và thực hiện tư vấn riêng cho từng phụ huynh của những em học sinh này để gia đình quyết định có sự lựa chọn phù hợp với sức học của các em. Vì vậy, nhà trường sẽ có khoảng 83% học sinh dự thi THPT.

Chỉ đạo các nhà trường chủ động, tích cực phân luồng học sinh cũng là giải pháp đã được các phòng giáo dục và đào tạo tích cực triển khai nhiều năm nay. Chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh bắt đầu được thực hiện đối với học sinh lớp 8 nên những năm gần đây, tỷ lệ chung trên địa bàn tỉnh đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục thi tuyển sinh lớp 10 THPT đạt hơn 80%, ngay trên địa bàn thành phố cũng chỉ đạt khoảng 86% còn lại là số lượng học sinh đã có những định hướng riêng cho mình là học nghề hoặc đi làm. Ông Phạm Hồng Giang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều có chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS. Hiện nay Nhà nước đang có nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS học nghề như miễn giảm học phí cho người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp (theo Nghị định số 85/2015/NĐ-CP và Thông tư số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH). Đây là một trong những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Hiểu đúng để giảm sức ép

Mỗi mùa tuyển sinh đến, học sinh, phụ huynh lại đôn đáo, lo lắng với việc lựa chọn vào trường này, thầy kia là thực tế đã diễn từ lâu và Thái Bình cũng không nằm ngoại lệ, đặc biệt càng ở thành phố, các cuộc chạy đua càng trở nên quyết liệt. Không chỉ riêng với tuyển sinh lớp 10 THPT công lập mà tuyển sinh đầu vào lớp 6 đối với một số trường chất lượng cao và ngay cả lớp 1 cũng đã diễn ra tình trạng này. Nguyên nhân dẫn đến sự chạy đua từ đó tạo thành áp lực trong học tập, thi cử đối với học sinh một phần chủ yếu xuất phát từ các bậc phụ huynh mà không xuất phát từ ngành Giáo dục hay chương trình học tập, thi cử. Một phần, việc chạy trường, chọn lớp đã như một trào lưu nhằm khẳng định “đẳng cấp, vị thế” gia đình đã biến các cuộc chạy đua trong học tập, thi cử chỉ là những cuộc chạy đua của phụ huynh học sinh chứ không phải trong học sinh, song sức ép ảo này đã tác động đến tâm lý học sinh và gây thêm sức ép đối với ngành Giáo dục và đội ngũ giáo viên. Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ có khá nhiều phụ huynh không hiểu sức học hoặc là đặt quá nhiều kỳ vọng vào con nên tìm mọi cách để chạy chọt, xin xỏ cho con vào lớp chọn, trường chuyên song sự theo đuổi này thường không mang lại kết quả mà còn gây nên sức ép cho con em họ, cho giáo viên và nhà trường.

Hãy đặt mỗi học sinh vào môi trường học tập phù hợp với khả năng của các em là lời khuyên của các nhà giáo đối với các bậc cha mẹ. Không phải trường học, thầy dạy hay tăng ca học thêm mà điều quan trọng nhất phải là tinh thần và phương pháp học tập của chính học sinh mới là yếu tố then chốt quyết định đến kết quả học tập. Thành phố là nơi diễn ra tình trạng dạy thêm, học thêm cao nhất, cũng là nơi sức ép học tập, thi cử nặng nề nhất đối với học sinh song qua kết quả dạy và học cho thấy, thành phố không phải là địa phương năm nào cũng có kết quả dạy và học dẫn đầu mà sự dẫn đầu vẫn đến với các huyện khác, nơi ít diễn ra dạy thêm, học thêm và không có các chiến dịch chạy trường, chọn lớp.

Thông tin học sinh lớp 9 tăng, chỉ tiêu tuyển sinh giữ nguyên đã có nhiều xôn xao về việc tăng sức ép đối với học sinh trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2018 - 2019. Song không chỉ riêng trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh có con ở tuổi đi học mà mỗi người dân cần quan tâm hơn về các chủ trương mới đối với giáo dục để làm quen và dần gỡ bỏ các sức ép trong việc học tập, thi cử. Các nghị quyết số 18, số 19 Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) đã đề ra nhiều vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai thực hiện các nghị quyết trên, việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập thời gian tới là phương án đang được tỉnh đưa ra bàn bạc, thảo luận. Đến thời điểm đó, sức ép tuyển sinh lớp 10 THPT công lập chắc chắn sẽ là những sức ép thực sự. Vì vậy, nắm vững chủ trương, không bị bất ngờ trước các thay đổi trong tuyển sinh là việc cần được quan tâm. “Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”, “là một người thợ giỏi còn hơn một người thầy tồi” sẽ phải là những thông điệp cần tiếp tục được truyền tải tới cộng đồng. Thay đổi quan niệm về sự học và sự thành đạt trong mỗi người, mỗi gia đình từ đó có định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực sẽ là nền tảng nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cũng như chất lượng đào tạo nghề, góp phần từng bước nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Ông Bùi Đức Thụy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy

Huyện Thái Thụy luôn quan tâm đến công tác phân luồng học sinh nên trung bình mỗi năm có khoảng 80% số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội đã có sự phát triển, việc đi làm sớm, mang về  thu nhập cho gia đình đã không còn là sức ép đối với các gia đình và học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Vì vậy, nhu cầu học sinh được tiếp tục học THPT sau khi tốt nghiệp THCS là khá cao, kể cả ở nông thôn. Vì vậy, trong quá trình phân luồng học sinh phải chú trọng đến công tác tuyên truyền, tư vấn để phụ huynh và học sinh có sự tự nguyện trong lựa chọn hình thức và trường học phù hợp, có như vậy việc phân luồng mới thực sự hiệu quả.
Thầy giáo Nguyễn Đức Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (thành phố Thái Bình)

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phân luồng học sinh nên năm nay Trường THCS Tây Sơn có 83,9% học sinh lớp 9 đăng ký ôn tập để dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Năm học tới này, Trường dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 280 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Với số lượng học sinh ngày càng tăng trong khi nếu dự thảo giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập của tỉnh được thực hiện thì bên cạnh công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường sẽ phải thực hiện công tác phân luồng tốt hơn nữa.

Trần Hương - Đặng Anh