Thứ 7, 16/11/2024, 11:45[GMT+7]

Đạt kết quả cao năm học 2017 - 2018

Thứ 6, 10/08/2018 | 08:59:03
1,405 lượt xem
Năm học 2017 - 2018, nhiều chỉ tiêu đề ra đã được ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành với kết quả cao.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy) đọc sách trong thư viện nhà trường.

Tỷ lệ huy động trẻ vào học trường mầm non duy trì ở mức cao trong đó trẻ nhà trẻ có 34.003 cháu, đạt 67,9%; mẫu giáo 88.910 cháu, đạt 99,7%. Trong năm học có 902 lớp mẫu giáo 5 tuổi, tăng 127 lớp so với năm học trước. Cấp tiểu học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và nâng cao năng lực của người học bảo đảm nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, coi trọng tác động tình cảm, tạo niềm vui, gây hứng thú trong học tập cho học sinh. 295 trường tiểu học đã vận dụng phương pháp “bàn tay nặn bột” vào một số tiết dạy các môn khoa học lớp 4, 5, tự nhiên và xã hội lớp 2, 3. 

Cấp THPT, THCS tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tích cực áp dụng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, trao đổi công tác, chuyên môn giữa cơ quan quản lý giáo dục với nhà trường, giữa nhà trường với giáo viên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững. 38 học sinh của Trường THPT Chuyên Thái Bình đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 4 giải nhì, 11 giải ba, 23 giải khuyến khích. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 có 396 học sinh đạt giải, trong đó có 41 giải nhất, 111 giải nhì, 119 giải ba, 124 giải khuyến khích. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 có 952 em đạt giải, trong đó có 54 giải nhất, 230 giải nhì, 290 giải ba, 378 giải khuyến khích.

Trong năm học 2017 - 2018, toàn ngành đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thông qua việc thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu, thực hiện có hiệu quả phong trào xã hội hóa giáo dục... Trên cơ sở kết quả thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá, lập danh mục các công trình cần ưu tiên đầu tư xây dựng, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015 - 2020 cụ thể cho từng đơn vị. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các địa phương đã huy động được 487 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất trường học. Các trường trong toàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 222 phòng học, phòng chức năng; trong đó, cấp mầm non có 98 phòng, cấp tiểu học có 42 phòng, cấp THCS có 70 phòng, cấp THPT có 12 phòng. Do đó, tỷ lệ kiên cố hóa ở các ngành học, cấp học tăng nhanh: cấp mầm non đạt 81%, cấp tiểu học đạt 84%, cấp THCS đạt 81%, cấp THPT đạt 93%. Công tác quy hoạch và mở rộng diện tích đất, tạo cảnh quan nhà trường cũng được các đơn vị quan tâm, trong năm học đã mở rộng được 21ha đất. Đến nay, 95% trường học trong tỉnh có diện tích đủ và vượt so với tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.

Giờ lên lớp của học sinh Trường THCS AN Vũ (Quỳnh Phụ).

Cùng với tăng cường cơ sở vật chất, toàn ngành còn tích cực xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng có hiệu quả đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý mầm non, phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Có các giải pháp thực hiện tốt việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo các thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tự học, tự rèn, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ.

Năm học 2018 - 2019 là năm học chuẩn bị toàn diện cho việc dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới, do đó ngành Giáo dục sẽ tích cực chuẩn bị hệ điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau năm 2019. Trong đó, chú trọng xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục gắn với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhất là việc chuẩn bị giáo viên cho dạy học liên môn, dạy học tích hợp. Thu hút các nguồn vốn hợp lý để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường học; tổ chức mua sắm trang thiết bị giảng dạy đồng bộ phục vụ đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, đầu tư mô hình giáo dục tiên tiến quốc tế về giáo dục và đào tạo. Thí điểm việc dạy và học với chuyên gia nước ngoài nhằm tạo hệ điều kiện tốt nhất sẵn sàng cho việc dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới.

Đặng Anh