“Thủ lĩnh dân vận khéo" Hoàng Đăng Cát: “Máu cứu người ở ngay trong trái tim chúng ta”
Những hình thức vận động độc đáo
Ông Cát tâm sự, là con một gia đình nghèo, có hai liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, lại có người con gái bị liệt 2 chân, nên ông thấu hiểu và cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, luôn coi họ như người thân. Nhiều đêm trằn trọc, ông mong giúp họ vơi đi khó khăn, song phải làm gì và bắt đầu từ đâu luôn là ẩn số lớn chưa lời giải.
Khi được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thái Giang, ông đã chọn điểm bắt đầu từ những lời dạy sâu sắc của Bác "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", "Dân vận khéo thì việc gì dù khó mấy cũng thành công".
Với người làm công tác chữ thập đỏ thì tuyên truyền, dân vận “khéo” luôn là vũ khí số 1, bởi tuyên truyền thành công một người làm nhân đạo là phải vận động được nhiều người đồng thuận. Chẳng hạn, để một người hiến máu, cần sự nhất trí của vợ chồng, con cái; một người hiến giác mạc sau khi qua đời, hiến thận phải có 2 chữ ký và được gia đình, dòng họ đồng ý…
Để tạo sự khác biệt, “điểm nhấn” trong vận động quyên góp, Hội Chữ thập đỏ Thái Giang không đến từng nhà, mà tổ chức tập trung vận động tập thể tại hội trường khu dân cư. Như Đại hội Chữ thập đỏ xã đã đưa ra những trường hợp khó khăn cụ thể cần sự trợ giúp và nhiều tấm lòng nhân ái đã dang rộng vòng tay, mang lại những kết quả bất ngờ. Từ đó mở rộng sang ca nhạc từ thiện, bóng đá từ thiện… Những việc làm của ông Cát cùng Hội đều gắn với 2 chữ “từ thiện”.
Không những thế, để “khởi động” những hoạt động nhân đạo đầu Xuân, Chủ tịch Hoàng Đăng Cát mời Bí thư Đảng bộ xã tới “xông đất” Hội và phát động phong trào đầu Xuân làm việc thiện. Lời nói đi đôi với việc làm, Bí thư Đảng bộ, Phó Bí thư là những người ủng hộ Quỹ Chữ thập đỏ đầu tiên và đăng ký hiến máu tình nguyện đầu tiên trong năm mới.
Một sự độc đáo nữa là hình thức vận động quyên góp tại các địa điểm cần cứu trợ. Mỗi khi có “địa chỉ” cần cứu trợ khẩn cấp, ngay lập tức, màu áo đỏ xuất hiện, cờ chữ thập đỏ được kéo lên thu hút người người, nhà nhà cùng chung tay giúp sức, số tiền vận động được công khai và ủng hộ ngay tại chỗ.
Ông Cát cùng Hội còn vận động xe ô tô, băng rôn, khẩu hiệu, loa đài đón bà con lên huyện hiến máu và có những phần quà nhỏ động viên. Ông cười: “Thái Giang đi hiến máu vui như đi hội”.
Ông Cát còn tổ chức đội thiện nguyện do anh Trần Đức Hoàn, một người con quê hương, Giám đốc Công ty Thái Hưng Pro (chuyên sản xuất bao bì cho linh kiện điện tử ở Bắc Ninh) đứng đầu. Tuy là một doanh nhân trẻ, bận rộn với công việc, nhưng Thái Giang có hoạt động thiện nguyện nào là anh Hoàn tham gia ủng hộ, như Tết vì người nghèo, tặng sổ gạo.... Công ty Thái Hưng Pro ký kết với Hội Chữ Thập Đỏ xã tài trợ 216 triệu cho chương trình dân vận làm từ thiện, từ đó 9 hộ thuộc diện hộ nghèo năm 2020 tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhận bảo trợ nhân đạo thoát nghèo, hàng tháng được nhận 10 kg gạo, 100. 000 đồng và suất quà tết trị giá 600.000 đồng, ngoài ra, khi ốm đau, bệnh tật được Hội Chữ thập đỏ cứu trợ nhân đạo. Người Thái Giang bị bệnh trọng nằm viện tại Hà Nội sẽ được đội thiện nguyện “Người Thái Giang tại Hà Nội” giúp đỡ.
Chủ tịch cùng Hội Chữ thập đỏ xã còn mời Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương về tập huấn phòng ngừa bệnh mù lòa, lồng ghép vận động hiến tặng giác mạc, thu hút hàng trăm lượt người tham gia.
Hai vợ chồng người Mỹ tài trợ 216 triệu đồng xây dựng công trình vệ sinh cho Trường TH và THCS Thái Giang.
Những trái ngọt “dân vận khéo”
Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tặng 9 sổ gạo cho hộ nghèo mỗi sổ trị giá 120 kg gạo/năm, riêng năm 2020 Hội Chữ thập đỏ xã Thái Giang đã kết nối tới các nhà hảo tâm, huy động được 18 sổ gạo tặng cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mõi sổ trị giá 120 kg gạo/năm (cấp trong vòng 12 tháng ) tăng gấp 2 lần so với những năm trước. Chỉ tính riêng năm 2020 toàn xã có 61 hộ nghèo, thông qua phong trào Dân vận bảo trợ thoát nghèo kết quả có 10 hộ thoát nghèo giảm 16,4%. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ Thái Giang tặng hàng trăm suất quà trong dịp Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Riêng Tết Canh Tý năm 2020, huy động được 280 suất quà tết trong đó Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tặng 250 suất, Công ty Thái Hưng Pro tặng 30 suất tổng giá trị quà tết qua kênh của Hội chữ thập đỏ là 143 triệu đồng. Giá trị nhân đạo mà cộng đồng được hưởng lợi từ năm 2015 tới nay là 1 tỷ 250 triệu đồng, riêng 4 tháng đầu năm 2020 là 429 triệu đồng.
Trước tình cảnh cháu Trần Thị Lụa, học lớp 9, mắc bệnh ung thư, bố mất, mẹ đau ốm triền miên, ông Cát cùng Hội đã vận động quyên góp được 125 triệu đồng giúp cháu chữa trị.
Năm 2015, thôn Phất Lộc Tây có 2 trẻ mồ côi, cháu nhỏ 7 ngày tuổi, ông và Hội kêu gọi giúp đỡ, chỉ trong 1 ngày đã quyên góp được gần 22 triệu đồng. Thôn Phất Lộc Đông có một ca ghép thận cũng được ủng hộ hơn 10 triệu đồng…
Ông Cát chia sẻ, trước đây, người dân chưa quan tâm đến các phong trào của Hội Chữ thập đỏ, ủng hộ những người gặp khó khăn, nhất là hiến máu, hiến tạng. Nhưng giờ đây, hoạt động này đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Thái Giang.
Xã Thái Giang từ năm 2012 trở về trước có từ 3 đến 5 người đi hiến máu, tới nay mỗi năm đã có 50 đến 70 người tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện tại huyện Thái Thụy.
Thái Giang đã thành lập Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện. Thái Giang có 5 cặp vợ chồng cùng tham gia hiến máu, 1/3 Ban Chấp hành Đảng ủy xã, 100% giáo viên trường mầm non hiến máu tình nguyện.
Người giữ kỷ lục về số lần hiến máu là Bí thư Đoàn xã, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện Bùi Ngọc Giáp, với 10 lần; Phó Bí thư xã, Trưởng ban Dân vận Trần Mạnh Cường - 7 lần. Tất cả đưa Thái Giang trở thành điểm sáng trong phong trào hiến máu. Xã Thái Giang được Hội Chữ thập đỏ huyện Thái Thụy đánh giá là điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Cùng với đó, Thái Giang đang là xã đi đầu với 35 người hiến tặng giác mạc. Ông Cát là một trong những người đăng ký đầu tiên.
Ông Cát còn kể cho tôi bao chuyện vui buồn, như lần đầu tiên ở xã Thái Giang có phụ nữ nông dân hiến thận cho con một thương binh. Để hiến một quả thận cứu người, phải làm đến 120 xét nghiệm, riêng xét nghiệm về tâm lý phải qua mấy vòng. Rồi phải có sự đồng thuận của cả họ hàng nội, ngoại. Ông và Hội Chữ thập đỏ đã phải làm công tác tư tưởng và “cố vấn” kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, cuối cùng đã thành công. Cả người hiến và người được cho thận đều khỏe mạnh, phấn khởi. Tết vừa rồi, họ còn đến chúc tết ông.
Như chuyện người bạn tâm giao năm nay đã 80 tuổi Nguyễn Công Tự, nguyên là lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã đồng hành cùng ông trong suốt mấy năm qua. Ông Tự đã tự nguyện đăng ký hiến giác mạc và thận với suy nghĩ: “Nếu giúp được đôi mắt cho những người mù lòa, hiến thận cho người bị bệnh có thể khỏe mạnh là tôi hạnh phúc lắm rồi”.
Một người bị ung thư ở xã Thái Sơn được ông và bác sĩ Bùi Đức Thủy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Giang vận động đã nhất trí hiến giác mạc sau khi qua đời. Hội Chữ thập đỏ Thái Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã Thái Sơn cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương về lấy giác mạc đúng ngày gia đình đang tổ chức tang lễ. Trong thời điểm đầy nhạy cảm ấy, ông Cát đã khéo léo vận dụng kiến thức và tấm lòng của mình chia sẻ với gia đình. Cuối cùng, gia đình đã nhất trí và cho lấy giác mạc trước khi thực hiện các thủ tục cho người mất.
Năm 2016, ông vận động thành công chị Nguyễn Thị Miên, thôn Phất Lộc Đông xã Thái Giang hiến một quả thận cho anh Bùi Đăng Khảm. Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Miên và anh Trần Văn Chiến đã đăng ký hiến, tặng giác mạc sau khi qua đời, cả 4 người trong gia đình chị (con trai, con gái) đều hiến máu từ 1 đến 3 lần, chị Miên và con gái cũng là những tình nguyện viên chữ thập đỏ tích cực đã vận động được nhiều cá nhân tham gia đăng ký hiến máu, nội tạng.
Giám đốc Công ty Thái Hưng Pro - doanh nghiệp tài trợ mô hình dân vận thoát nghèo cho 9 hộ trong 3 năm của xã Thái Giang.
Làm vì cái tâm, cái đức
Khi được hỏi về kinh nghiệm “dân vận khéo”, ông Cát chia sẻ, cội nguồn thành công đều bắt đầu từ lời Bác dạy, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của Ban Chấp hành, mà trụ cột là Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ từ xã đến thôn, sự phối hợp hiệu quả của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư trong và ngoài xã. Công tác nhân đạo, từ thiện trước hết phải dựa vào nội lực cán bộ và nhân dân, các đoàn thể, đơn vị kinh tế trong xã, rồi mới mở rộng địa bàn giới thiệu các địa chỉ nhân đạo với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xa gần tạo sức mạnh tổng hợp.
Sau đó, công tác tuyên truyền làm từ thiện nhân đạo phải “đi trước” mở đường, “đi cùng” cổ vũ và “đi sau” tổng kết, rút kinh nghiệm. Phải lồng ghép phong trào dân vận khéo, toàn dân đoàn kết với phong trào người người, nhà nhà làm việc thiện, tạo chuyển biến nhận thức, xây dựng lẽ sống đoàn kết, chia sẻ khó khăn, giúp nhau những lúc hoạn nạn. Phải đa dạng các hình thức vận động tập trung, cá biệt, nêu gương tạo sức lan tỏa; sử dụng kênh tiếng, kênh hình và trên hệ thống tuyên truyền.
Đặc biệt trong lĩnh vực hiến máu, hiến giác mạc, hiến tạng, công tác dân vận phải hết sức khéo léo, cảm thông, chia sẻ, tạo sức lan tỏa, tạo sự đồng thuận đông đảo trong cộng đồng xã hội, từ đó mới có thể đạt kết quả thiết thực cứu giúp những con người đang bệnh tật nan y.
Nhưng điểm trọng tâm quyết định sự thành công của một cá nhân, tổ chức làm từ thiện nhân đạo xã hội là cái tâm, cái đức vì con người, sự rõ ràng, minh bạch về kinh tế. Nhiều năm làm công tác “dân vận” giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chưa bao giờ, ông Cát nhận một đồng từ nhà tài trợ. Tiền bạc, quà cáp, vật chất đều được ông chuyển thẳng đến địa chỉ cần giúp đỡ. “Phương châm của tôi là xin của người giàu, sự giúp đỡ của cộng đồng cho người nghèo, lá lành đùm lá rách”, ông Cát bộc bạch.
Từ câu chuyện “Thủ lĩnh dân vận khéo" Hoàng Đăng Cát và phong trào từ thiện, hiến máu, hiến giác mạc và hiến tạng của Hội Chữ thập đỏ Thái Giang, chúng ta lại có thêm niềm tin từ những con người tâm huyết, trách nhiệm với cách làm sáng tạo cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Chắc chắn, phong trào thiện nguyện, nhất là hiến máu, hiến giác mạc, hiến tạng còn mới và nhiều khó khăn ở hàng vạn xã phường trong cả nước sẽ thành công, như ông Cát từng chia sẻ “Máu cứu người ở ngay trong tim chúng ta”.
Ban quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tặng 250 suất quà mỗi suất 500 ngàn đồng cho hộ nghèo và người khó khăn của xã Thái Giang và Thái Phúc nhân dịp Tết Canh Tý.
•Hội Chữ thập đỏ Thái Giang 3 lần vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2015, 2018, 2019. •Chủ tịch Hội Hoàng Đăng Cát được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tôn vinh về thành tích xuất sắc trong phong trào làm từ thiện nhân đạo giai đoạn 2011 – 2016; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2015, 2016, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo năm 2019. |
Lã Quý Hưng
(Báo Đầu tư )
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
Hoàng thị hằng - 4 năm trước