Chủ nhật, 10/11/2024, 05:53[GMT+7]

Tín dụng chính sách - Nguồn lực quan trọng xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 17/02/2021 | 11:45:44
801 lượt xem
Theo nhận định của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trở thành nguồn lực quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Đảng viên Lương Văn Vương (thôn Mai Cần, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) vay vốn NHCSXH đầu tư cải tạo ao nuôi cá, chuồng trại nuôi gà...

Trong đó, vốn tín dụng ưu đãi thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có vai trò trụ cột cho vay chính sách xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp và XDNTM.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2010 - 2020, đến nay, cả nước đã có 5.385 xã (60,5%) đạt chuẩn NTM, tăng 56,2% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 18,2% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, chương trình MTQG XDNTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong phạm vi cả nước và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Bên cạnh các chính sách nhằm thực hiện các tiêu chí liên quan đến văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng... trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, phải kể đến giải pháp hỗ trợ vốn giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện.

Tín dụng chính sách xã hội thông qua NHCSXH được đánh giá là một giải pháp trụ cột, giải quyết căn bản mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Với mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước tới cấp xã, thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng đặc thù, ngân hàng đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện chương trình MTQG XDNTM, giảm nghèo bền vững“, Bộ NN&PTNT khẳng định.

TDCSXH trở thành nguồn lực quan trọng trong Chương trình MTQG XDNTM góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Trong đó, vốn tín dụng ưu đãi thực hiện thông qua NHCSXH có vai trò trụ cột cho vay chính sách xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng NTM. Các chương trình TDCSXH được tổ chức thực hiện hiệu quả với chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao.

TDCSXH được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm, tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”. Bên cạnh đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm (chiếm 75% dư nợ), còn đầu tư tín dụng nhằm giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu về giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… cho người nghèo, đối tượng chính sách khác (chiếm 25% tổng dư nợ).

Vốn TDCSXH đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tạo nguồn lực giúp các địa phương thực hiện thành công chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để TDCSXH tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong XDNTM, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí tăng nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn TDCSXH góp phần đảm bảo hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn, đặc thù có đủ nguồn lực để đạt chuẩn NTM, cũng như hỗ trợ các địa phương đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TDCSXH; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến TDCSXH; tạo điều kiện cho NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ triển khai TDCSXH.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi đầu tư xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) trong tổng thể các giải pháp thực hiện Chương trình MTQG XDNTM trong giai đoạn tới, đồng thời cho phép tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng về NS&VSMTNT hiện hành, nâng mức cho vay tối đa từ 10 triệu/công trình lên 20 triệu/công trình.

Bên cạnh đó, giao NHCSXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng NTM, tín dụng chính sách gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)“, Bộ NN&PTNT đề xuất. 

Theo baophapluat.vn