Thứ 6, 15/11/2024, 19:42[GMT+7]

Bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Thứ 3, 29/06/2021 | 09:51:24
8,672 lượt xem
Trong khi nhiều nông dân không thiết tha với đồng ruộng thì anh Phạm Công Huân (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) lại bỏ phố về quê “ăn đồng, ngủ trại”, phát triển kinh tế trên vùng đất bãi thuộc địa phận xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Phạm Công Huân.

Vùng đất bãi ven sông Trà Lý vốn màu mỡ, phì nhiêu, song người dân chỉ chuyên canh các loại rau màu ngắn ngày, ngô nên hiệu quả kinh tế không cao. Để tận dụng tiềm năng về đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân và nhất là tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Hồng Minh đã khuyến khích nông dân thuê gom đất, hình thành các vùng chuyên canh, đưa các loại cây trồng mới đang có ưu thế trên thị trường vào sản xuất theo hướng thâm canh.

Trao đổi với chúng tôi, anh Huân chia sẻ: Trước đây, tôi từng xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, được tiếp cận với nền nông nghiệp hữu cơ nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Về nước, sau quãng thời gian kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhận thấy nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, tôi đã bàn bạc cùng gia đình, quyết định đầu tư làm nông nghiệp. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã Hồng Minh, sự đồng tình ủng hộ của nông dân các thôn Tịnh Xuyên, Minh Thành, Tịnh Thủy, tôi đã thuê được 15 mẫu đất bãi để canh tác hữu cơ.

Anh Huân đầu tư 300 triệu đồng để quy hoạch lại vùng bãi, mua máy móc, trang thiết bị... đồng thời chú trọng cải tạo đất để loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Anh Huân cho biết: Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần phải tuân thủ các quy định như: không sản xuất hữu cơ xen lẫn với sản xuất thông thường và vùng đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các loại phân bón tổng hợp... Vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn. Trong thời gian cải tạo đất, tôi lựa chọn cây trồng theo mùa vụ để giảm áp lực về năng suất, sâu bệnh cũng như chi phí đầu tư. Quá trình sản xuất, tôi thuê lao động nhổ cỏ, làm đất và tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Đến nay, vùng đất bãi tôi thuê đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; sản phẩm dưa lê hè thu được xác nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài dưa lê, dưa lê Hàn Quốc, anh Huân hiện đang trồng đu đủ, ớt. Để sản xuất bền vững, anh Huân đã tham gia HTX SXKD nông nghiệp an toàn Vũ Anh, cùng các thành viên trao đổi hướng dẫn nhau kỹ thuật canh tác, hỗ trợ nhau vốn sản xuất và giới thiệu đầu ra cho các sản phẩm. Cùng với các loại máy móc cơ giới hiện đại, anh Huân đã tự tìm tòi, chế tạo ra các loại máy để rút ngắn công lao động như máy lên luống, máy bới khoai lang, máy kẻ rạch trồng kê...

Chúng tôi về thăm mô hình của anh Huân khi lứa dưa lê hè thu, dưa lê Hàn Quốc “chuẩn” hữu cơ đầu tiên cho thu hoạch. Vì trồng theo phương pháp hữu cơ nên năng suất chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng 1/2 so với canh tác truyền thống của người dân, trong khi chi phí đầu tư cao gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm luôn gặp phải những rào cản về thói quen của người tiêu dùng do đa số yêu thích các loại nông sản có vẻ ngoài bắt mắt và giá rẻ. 

Cầm trên tay quả dưa lê Hàn Quốc - thứ quả còn khá xa lạ với đa số người tiêu dùng, anh Huân cho biết: Tại các siêu thị lớn, dưa lê Hàn Quốc trồng theo phương pháp hữu cơ có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, còn ở đây, thương lái trả tôi 20.000 đồng/kg. Sự chênh lệch về giá cho thấy nhiều nút thắt cần được tháo gỡ trong sản xuất nông nghiệp cũng như những khó khăn, rào cản để nhân rộng và phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ.

Ngân Huyền