Thứ 2, 25/11/2024, 12:39[GMT+7]

Chị Ngà biến nghề phụ thành nghề chính

Thứ 5, 05/08/2021 | 09:01:22
4,445 lượt xem
Từ những cây bèo tây tưởng chừng bỏ đi, với đôi bàn tay khéo léo của mình, chị Mai Thị Ngà, thôn Đông Thành, xã Hồng Giang (Đông Hưng) đã tìm tòi, học hỏi, tận dụng chúng để đan thành đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Cơ sở sản xuất của chị Mai Thị Ngà thu hút nhiều phụ nữ xã Hồng Giang (Đông Hưng) tham gia.

Đến thăm cơ sở sản xuất của chị Ngà, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi ở đây không hề có dây chuyền hay thiết bị công nghệ nào mà mọi thứ đều hoàn toàn thủ công. Tuy vậy, các sản phẩm lại rất tinh tế, độc đáo với nhiều mẫu mã đặc sắc gồm thảm ngồi, giỏ, làn đựng đồ dùng sinh hoạt gia đình với đủ loại... Các sản phẩm đan từ bèo tây đều có khung làm sẵn, người thợ chỉ việc móc nối các mối đan cho phù hợp và kín theo khung, tuy nhiên phải rất khéo tay mới làm được công việc cần sự tỉ mỉ này. 

Theo chị Ngà, cái khó nhất trong quá trình sản xuất ra một sản phẩm đạt chất lượng chính là kỹ thuật đan. Kỹ thuật đan bèo tây gồm 3 kiểu đan cơ bản: Thứ nhất là đan mắt na, thứ hai là đan xương cá và thứ ba là đan nhện, mỗi kiểu đan thích hợp với một loại sản phẩm. Công việc này đòi hỏi chị em phải yêu nghề, chịu khó, tỉ mỉ. Để tạo ra một sản phẩm đạt yêu cầu của khách hàng phải tiến hành lựa chọn nguyên liệu từ khâu nhập bèo tây đã được xử lý sấy khô, chống ẩm ở các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp về làm.

Những năm qua, đan bèo tây tuy là nghề phụ nhưng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân trong thôn Đông Thành. Nhiều gia đình có tới 2 - 3 người cùng làm. Dù tuổi đã cao nhưng bà Phạm Thị Lý vẫn có nguồn thu nhập đều đặn khoảng 1,5 triệu đồng/tháng từ đan bèo tây. 

Bà Lý chia sẻ: Tôi làm ở cơ sở của cô Ngà được 6 năm, công việc ổn định, làm việc này phù hợp với tuổi của chúng tôi, ngoài 60 tuổi nên tôi cũng không làm được việc nặng vì thế tôi tranh thủ lúc nhàn rỗi để làm, vừa chăm lo được cho gia đình, đồng ruộng vừa có thêm thu nhập.

Làm việc 4 năm tại cơ sở sản xuất của chị Ngà nên chị Nguyễn Thị Liên, cũng ở thôn Đông Thành rất thành thạo với kỹ thuật đan bèo tây. Những sản phẩm chị làm ra đều đạt chất lượng và bảo đảm yêu cầu. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm nên mỗi tháng chị Liên cũng có thêm thu nhập trên 2 triệu đồng. Chị Liên phấn khởi: Từ khi có nghề đan bèo tây do chị Ngà đưa về thôn, chị em chúng tôi không còn phải đi làm ăn xa, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể, có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái học hành. Chúng tôi đều yêu thích, quyết tâm gắn bó với nghề lâu dài và mong muốn nghề đan bèo tây sẽ trở thành “chủ lực” kinh tế của nhiều chị em trong thôn.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cơ sở sản xuất của chị Ngà vẫn thu hút hơn 200 lao động có việc làm ổn định, mỗi tháng sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm. Cơ sở đã liên kết với một doanh nghiệp ở thành phố Thái Bình để xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu. Mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt trên 2 tỷ đồng. 

Chị Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Giang cho biết: Chị Mai Thị Ngà là hội viên năng động, sáng tạo, chị đã tìm nghề, tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ trong xã để tăng thêm thu nhập. Dù công việc bận mải nhưng chị Ngà vẫn tích cực tham gia sinh hoạt hội và là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Giang.

Trải qua 6 năm gắn bó, tìm tòi, học hỏi, giờ đây chị Ngà đã xây dựng được thương hiệu riêng của mình, những sản phẩm từ bèo tây của chị luôn tinh xảo, đẹp về thẩm mỹ và bảo đảm về chất lượng, được thị trường đón nhận. Thành công đến với chị Ngà xuất phát từ cái tâm với nghề, tạo được uy tín với khách hàng, thu hút nhiều đơn hàng và giúp chị em có việc làm ổn định. Tìm được nghề phù hợp và thu hút chị em cùng tham gia, chị Ngà đã biến nghề phụ thành nghề chính, làm giàu cho gia đình trên mảnh đất quê hương.

Thanh Thủy