Thứ 7, 23/11/2024, 18:31[GMT+7]

Sức sống mới trên quê hương anh hùng

Thứ 3, 17/08/2021 | 09:26:20
3,954 lượt xem
Những ngày tháng tám lịch sử, chúng tôi trở lại xã Đông Hoàng (Đông Hưng) chứng kiến vùng đất anh dũng, quật cường trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đang “thay da đổi thịt” từng ngày. 76 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Hoàng đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Mô hình chuyển đổi của ông Tô Hồng Sơn, xã Đông Hoàng (Đông Hưng) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Đông Hoàng: Dù phải chịu sưu cao thuế nặng, nạn đói hoành hành nhưng người dân xã Đông Hoàng vẫn một lòng theo Đảng, Bác Hồ với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trở thành cái nôi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh, của huyện năm 1945. Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, Đông Hoàng đã thành lập đội danh dự Việt Minh làm nhiệm vụ tổ chức, bảo vệ cho quần chúng đấu tranh, mít tinh nổi dậy thắng lợi, bảo vệ cán bộ làm việc an toàn, tổ chức trấn áp, răn đe những tên quan gian ác, việt gian phản động, tịch thu vũ khí của chúng trang bị cho lực lượng Việt Minh. Đội danh dự Việt Minh còn thành lập tổ lò rèn bí mật chuyên sản xuất vũ khí. 

Cụ Lê Văn Đáng, 96 tuổi đời, 71 năm tuổi đảng, thôn Hồng Việt nhớ lại: Phần lớn vũ khí cung cấp cho lực lượng tự vệ và Việt Minh trong vùng được sản xuất bởi tổ lò rèn đặt tại làng Thanh Long. Đội du kích do tôi làm thôn đội trưởng có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cho tổ lò rèn hoạt động an toàn mỗi đêm.

Để gây thanh thế cho Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng cách mạng chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Ban vận động Việt Minh đã chọn chùa Thiên Phú, xã Đông Hoàng làm địa điểm tổ chức mít tinh, tỉnh chọn Thượng Tầm, xã Đông Hoàng làm an toàn khu. Từ đó, phong trào cách mạng ở Đông Hoàng phát triển mạnh mẽ. Tối ngày 16/8/1945, lực lượng vũ trang tuyên truyền xã Đông Hoàng kết hợp với đội tự vệ vũ trang Châu Giang với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân tiến vào tước vũ khí ở phủ Thái Ninh giao cho cách mạng. Chiều ngày 18/8/1945, nhân dân Đông Hoàng cùng nhân dân các xã lân cận có lực lượng tự vệ, vũ trang dẫn đầu đã tiến thẳng vào phủ Thái Ninh, tập trung viên chức, lính cơ tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cổng phủ Thái Ninh báo hiệu cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi, chính quyền đã về tay nhân dân. Với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, sự hy sinh không tiếc máu xương, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Hoàng đã vinh dự được phong tặng  danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chùa Thiên Phú - xưa là nơi diễn ra cuộc mít tinh chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, nay là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Những ngày tháng tám lịch sử, không khí phấn khởi lan tỏa khắp vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Xen vào hồi ức chống giặc của các cụ cao niên là lớp trẻ bàn chuyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm giàu... 

Ông Phạm Bá Nhượng, 55 năm tuổi đảng, thôn Tống Khê chia sẻ: Mỗi khi trời sang thu, người dân Đông Hoàng thấy tự hào về những tháng ngày cùng nhân dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Truyền thống cách mạng hào hùng cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền xã là tiền đề để Đông Hoàng phát triển và không ngừng đổi mới trên mỗi chặng đường. Với niềm tin đó, Đông Hoàng từ một xã khó khăn đến nay đã trở thành một địa phương khá của huyện với thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm (tăng 17 triệu đồng so với năm 2016). 

Đồng chí Bùi Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng ủy xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết của cấp trên về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới. Do vậy, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 song tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm của xã vẫn đạt 107 tỷ đồng, tăng 3,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ đều vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,04%, hộ cận nghèo còn 2,23%. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, Đông Hoàng đã bê tông hóa được trên 20km đường giao thông, cứng hóa trên 2,6km kênh mương; đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã, trụ sở xã, khu xử lý rác thải tập trung, về đích nông thôn mới năm 2018. Xác định xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, mục đích là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xã tiếp tục huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Từ đầu năm đến nay, Đông Hoàng đã hoàn thiện tu sửa nhà bia liệt sĩ; xây dựng, sửa chữa, mở rộng một số đoạn đường, cầu cống, sân thể thao của một số thôn; tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để xây dựng sân vận động và nhà văn hóa xã. Bên cạnh đó, xã động viên, khuyến khích nhân dân duy trì, phát triển một số nghề phụ của địa phương như làm bún, mộc, cơ khí, mây tre đan, may công nghiệp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Hoàng tự hào vì đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đã đạt được là điểm tựa để Đông Hoàng vững bước đi lên trên con đường đổi mới, phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Hiếu Nghĩa