Thứ 4, 13/11/2024, 06:42[GMT+7]

Cà Mau: Quyết tâm phát triển, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào Khmer

Thứ 2, 07/02/2022 | 15:10:30
939 lượt xem
Từ phong trào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bao nhiêu năm qua, với sự chăm lo, đầu tư nguồn lực từ chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước… cùng với sự quyết tâm, của các cấp chính quyền địa phương, đồng thuận hưởng ứng của Nhân dân, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Cà Mau, như: Đầm Dơi, U Minh đã hình thành diện mạo mới, khởi sắc, nhất là đời sống kinh tế - văn hoá của đồng bào được nâng lên…

Mô hình phát triển Kinh tế của đồng bào Khmer Khánh Thuận, huyện U Minh.

Huyện nghèo vươn lên xây dựng NTM

Đầm Dơi là huyện ven biển, có khoảng 8.000 người là DTTS sinh sống, chiếm trên 4,5% dân số toàn huyện, đông nhất là dân tộc Khmer. Trong đó, có gần 20% dân số là hộ nghèo, cận nghèo (hộ nghèo chiếm tỷ lệ 14,87%). So với địa phương khác, người DTTS ở Đầm Dơi không đông, nhưng đồng bào sống tập trung theo từng phum sóc, đời sống kinh tế, hạ tầng cơ sở rất khó khăn, hạn chế.

Hiện nay, huyện Đầm Dơi vẫn còn có 03 xã gồm: Thanh Tùng, Ngọc Chánh, Quách Phẩm Bắc thuộc diện xã ĐBKK, nhiều ấp có hơn 50% là đồng bào Khmer. Bắt tay vào xây dựng NTM, từ bình quân chưa tới 5/19 tiêu chí, nên rất khó khăn. Để xây dựng NTM trên địa bàn đạt hiệu quả, huyện tập trung rà soát và ưu tiên cho các tiêu chí đạt yếu hoặc chưa đạt, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư để các xã đông đồng bào DTTS về đích đúng lộ trình đề ra.

Theo ông Trần Chí Công, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đầm Dơi, ngoài sự đầu tư của Đảng và Nhà nước còn có sự đóng góp tích cực của đồng bào qua việc thực hiện tốt các phong trào thi đua.

Cũng là huyện có xuất phát điểm thấp, U Minh hiện có khoảng 5,7% hộ đồng bào DTTS. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm số lượng lớn nhất. Qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới, huyện U Minh có tỷ lệ hộ nghèo DTTS 20,66% tổng số hộ dân tộc.

Bắt tay vào xây dựng NTM, U Minh chọn xã 135 Khánh Hoà đưa vào lộ trình, để tranh thủ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tạo tiền đề phát triển cho xã 135, để hoàn thiện các tiêu chí NTM. Với giải pháp xây dựng NTM theo hướng này, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và đồng thuận cao của đồng bào DTTS, Khánh Hoà đã về đích NTM từ năm 2015.

Nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả

Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đã đặc biệt tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Như ở xã Thanh Tùng (Đầm Dơi), có nhiều ấp đặc biệt khó khăn. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, chính quyền địa phương vận động bà con, tập trung vào những mô hình kinh tế phù hợp với trình độ, năng lực sản xuất như: nuôi heo, nuôi sò huyết, nuôi cua vèo,...; đồng thời tăng cường phổ biến, tập huấn khoa học, kỹ thuật cho bà con, nhờ đã đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 17,5% đến nay đã giảm còn 5,4% theo chuẩn mới.

Hộ bà Thiều Ngọc Mai (ấp Phú Hiệp, xã Thanh Tùng) là một trong những hộ nuôi sò huyết thành công. Bà Mai cho biết, từ ngày được xã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, đời sống kinh tế đã có nhiều thay đổi.

“Mỗi ký sò huyết giống thả xuống đầu vụ, đến khi thu hoạch sẽ thu được 6kg sò thương phẩm, với giá bán 120.000/kg, mỗi vụ gia đình thu lãi gấp 3, 4 lần sau khi trừ chi phí con giống. Vụ sò nuôi từ đầu năm, gia đình tôi đầu tư 30 triệu đồng tiền sò giống, sau 7 tháng thu hoạch gần 1 tấn sò, trừ chi phí còn lãi trên 60 triệu đồng.

Từng là “rốn nghèo” của huyện, xã Khánh Thuận (U Minh) hiện nay đã thay đổi rõ nét từ nguồn lực đầu tư của Chương trình 135 về giao thông nông thôn, giúp Nhân dân đi lại dễ dàng hơn, tạo điều kiện kết nối giao thương và thúc đẩy phát triển KT-XH. Nhiều mô hình dưới tán rừng hiệu quả cao.

Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết, hiện các khu vực lâm phần trên địa bàn xã, hầu hết người dân không còn cảnh để đất trống, mà được tận dụng tối đa diện tích, tăng thu nhập cho hộ đồng bào DTTS trên địa bàn, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến nay đã giảm còn dưới 5%, nhưng sắp tới theo chuẩn mới Khánh Thuận sẽ bị tăng tỷ lệ hộ nghèo lên trên 13%.

Đảm bảo phát triển bền vững

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại Cà Mau đang có 5 xã thuộc khu vực III và 43 ấp ĐBKK ở khu vực khác. Để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh đã ban hành kế hoạch với những mục tiêu cụ thể thực hiện trong giai đoạn 1 (2021 – 2025), từng bước xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng, nguồn lực làm nền tảng cho giai đoạn sau.

“Khi triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, thì có nhiều tiêu chí quan trọng như, lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục… đã đạt được những kết quả rất khả quan. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện rõ nét, lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển KT- XH ở nông thôn vùng đồng bào DTTS ngày càng bền vững. Do đó, trong thời gian tới, Cà Mau sẽ triển khai đồng bộ, lồng ghép các hạng mục chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững vào Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi để có thống nhất chủ trương, nguồn lực đầu tư đồng bộ để đạt hiệu quả hơn, làm sao để mỗi người dân, thật sự được thụ hưởng những quyền lợi chính đáng từ Chương trình, dự án trên địa bàn”, ông Nguyễn Minh Luân nhận định./.

Theo baodantoc.vn