Thứ 6, 15/11/2024, 13:44[GMT+7]

Nhân lên niềm tự hào và khát vọng xây dựng quê hương

Thứ 2, 21/03/2022 | 08:16:56
1,479 lượt xem
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình nhưng theo các tài liệu lịch sử, đất và người Thái Bình đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, với tinh thần quả cảm, người dân Thái Bình đã xây dựng nên một vùng đất trù mật. Mạch nguồn truyền thống vẫn đang được các thế hệ tiếp nối với quyết tâm xây dựng Thái Bình thành một tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thành phố Thái Bình

Tự hào truyền thống anh hùng  

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, bản đồ hành chính của tỉnh Thái Bình có thể bắt đầu xuất hiện từ sau ngày Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập tỉnh vào ngày 21/3/1890 nhưng phần lớn đất đai Thái Bình đã có hàng nghìn năm tuổi. Qua các sự kiện khảo cổ học, quá trình nghiên cứu về đời sống văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán... đã khẳng định ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã xuất hiện sự sinh tồn, phát triển của người Việt cổ trên mảnh đất Thái Bình ngày nay. Mảnh đất hoang vu nơi đầu sóng ngọn gió, ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển luôn có xu hướng mở rộng bởi sự bồi tụ của các dòng sông nên qua mỗi thời kỳ lại thu hút thêm các thế hệ cư dân đến khai phá, định cư. Ở miền đất nhiều hứa hẹn nhưng cũng lắm thử thách này chỉ những con người có tố chất dũng cảm, năng động, bền gan, vững chí mới tồn tại được.

Bởi là miền đất hội cư của nhân dân nhiều vùng miền nên Thái Bình cũng là nơi hội tụ đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Con người Thái Bình qua nhiều thế hệ đã trau dồi hiểu biết, hòa nhập và vươn tới đỉnh cao của tri thức đương thời, đóng góp cho đất nước không ít nhân tài trên nhiều lĩnh vực. Chỉ riêng thời Nguyễn hơn 100 năm tồn tại các khoa thi Nho giáo, Thái Bình đã có 15 người đỗ đại khoa và gần 200 người đỗ cử nhân. Trải qua 844 năm dưới chế độ khoa cử của các triều đại phong kiến (1075 - 1919), trong tổng số 2.898 trí thức đại khoa của Việt Nam thì Thái Bình chiếm tới 111 vị. Tiêu biểu cho đội ngũ nho sĩ, trí thức của Thái Bình là tri thức uyên bác, bản lĩnh văn hóa trác việt của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, đất Thái Bình xuất hiện nhiều anh hùng, nữ kiệt. Từ buổi đầu sau Công nguyên, phong trào nổi dậy chống chế độ cai trị Đông Hán bùng lên khá sớm và rộng khắp trên đất Thái Bình điển hình như cuộc khởi nghĩa của Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Thế kỷ VI, Thái Bình là một trong những căn cứ đầu tiên nhen nhóm cuộc khởi nghĩa Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn, người phủ Long Hưng - Hưng Hà ngày nay) lật đổ ách đô hộ nhà Lương, dựng nên nhà nước Vạn Xuân. Thế kỷ XIII, Thái Bình là một hậu cứ dồi dào sức người, sức của, một phòng tuyến lợi hại giúp nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông. Thế kỷ XVIII - XX, Thái Bình là một địa bàn sục sôi bởi các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại triều đình phong kiến mục ruỗng và thực dân Pháp. “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”. Với mục tiêu thành lập tỉnh Thái Bình để chia cắt “hòn đảo” Thái Bình với phong trào cách mạng trên toàn miền Bắc nhưng Toàn quyền Đông Dương đã thất bại với mưu đồ này. Trở thành một đơn vị hành chính độc lập vào năm 1890, phong trào cách mạng của nhân dân Thái Bình không những không bị chia cắt, dập tắt mà càng nổi lên mạnh mẽ, quyết liệt và chủ động hơn.

Các văn thân, sĩ phu, nhân dân yêu nước của Thái Bình sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin nên tại Thái Bình đã sớm thành lập tổ chức đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Thái Bình đã kiên cường chống thực dân Pháp. Các cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng, Duyên Hà và nông dân Tiền Hải (năm 1930) tạo ra một làn sóng đấu tranh trong cả nước, góp phần đưa Thái Bình trở thành địa phương có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Thái Bình diễn ra khá sớm và chỉ trong 6 ngày (từ 18 - 23/8), chính quyền từ tỉnh, huyện đến làng xã đã về tay nhân dân. Thái Bình huy động toàn diện các lực lượng kiên cường đánh trả cuộc tiến công chiếm đóng và bình định của thực dân Pháp với nhiều phong trào vang dội như: “Tiếng trống Sơn Đồng”, “Tiếng cồng Vạn Thắng”, “Nhát cuốc Kiến Quan” đồng thời huy động lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình ghi chiến công vang dội “thóc thừa  cân, quân vượt mức”, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975.

Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng

Sau 25 năm (1975 - 2000) cùng cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, bước sang thế kỷ XXI, trên cơ sở đường lối, quan điểm, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và tình hình thực tiễn, Thái Bình đã đặt ra phương hướng, mục tiêu những năm đầu thế kỷ XXI: Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác đầu tư, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững... Các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn mà Đảng bộ tỉnh đề ra đã được các cấp, các ngành bám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện. Cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện sôi nổi, rộng khắp. Vẫn với truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, Thái Bình đã huy động tổng lực từ nhân dân hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, trước 3 năm so với mục tiêu đề ra. Diện mạo nông thôn Thái Bình “thay da đổi thịt”; điện thắp sáng đường quê, 100% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch, xóm làng văn minh, hiện đại, đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng lên.

Song song với cuộc cách mạng nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình cũng quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ một tỉnh thuần nông, cơ bản “trắng” về công nghiệp tập trung, đến nay Thái Bình đã có 7 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế vùng của quốc gia được hình thành. Tuyến đường bộ ven biển kết nối khu vực ven biển của Thái Bình với các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ được khởi công vào đầu năm 2019 không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với Thái Bình mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đem đến sự phát triển ngoạn mục. Nếu như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2000 mới đạt hơn 4.500 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã đạt hơn 57.000 tỷ đồng (sau 20 năm tăng gấp hơn 12 lần). Đời sống nhân dân ngày càng ấm no, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm. Y tế phát triển, giáo dục luôn nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; khối đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy.

Hơn hai năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tinh thần đoàn kết, vượt khó của nhân dân Thái Bình tiếp tục được khẳng định với sự lan tỏa của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch và phong trào thi đua giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hai phong trào lớn song hành, lan tỏa trong năm đầu nhiệm kỳ vừa thể hiện sự nỗ lực vượt khó vừa thể hiện quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Nhân lên niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, khát vọng xây dựng quê hương Thái Bình giàu mạnh, các ngành, các cấp và nhân dân Thái Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.  

Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình đã chi viện hàng nghìn tấn thóc cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin

Truyền thống văn hóa, văn hiến của Thái Bình rất đậm nét, khả năng của người Thái Bình cũng rất nổi trội song ở một số thời điểm chúng ta chưa phát huy được truyền thống này, chưa quy tụ được tài năng của người Thái Bình trong xây dựng, phát triển quê hương. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra tôi cho là rất ý nghĩa và vô cùng quan trọng đó là xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực... Phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình. Chúng ta cũng đề ra mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đây là mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện nếu chúng ta biết phát huy truyền thống và tập hợp được sức mạnh của người Thái Bình trên mọi miền Tổ quốc.


Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Trong nhiệm kỳ 2020 -  2025, Thái Bình tiếp tục đề ra 3 đột phá phát triển trong đó có khoa học và công nghệ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tôi đây là nghị quyết rất quan trọng với ý nghĩa tạo cú hích cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chúng ta sẽ tạo ra sự đột phá trong hoạt động và sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bà Đinh Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Phụ

Trong quá khứ đấu tranh anh hùng của dân tộc, mảnh đất Thái Bình của chúng ta  xuất hiện nhiều nữ kiệt có những đóng góp tích cực vào công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đức tính cần cù, chịu khó của phụ nữ Việt Nam, các phong trào thi đua của phụ nữ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương. Tại Quỳnh Phụ, phong trào phụ nữ đang tập trung mạnh vào các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, xây dựng các tuyến đường hoa; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế...


Trần Hương