Thứ 7, 23/11/2024, 17:50[GMT+7]

Thực hiện đồng bộ chương trình phục hồi kinh tế, chú trọng thúc đẩy đầu tư công

Chủ nhật, 05/06/2022 | 06:04:08
1,297 lượt xem
Ngày 4/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 5 vừa qua có mấy điểm đáng chú ý, đó là tình hình cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán, tiếp tục ảnh hưởng kinh tế toàn cầu; tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại, rủi ro tăng cao; giá dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng cao, tạo ra lạm phát; các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu... ảnh hưởng tình hình trong nước.

Trong nước, chúng ta phải chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5 với các vấn đề liên quan kinh tế-xã hội, đất đai, kinh tế tập thể, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; chúng ta cũng tập trung tổ chức thành công SEA Games 31; các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, nhất là ở cấp cao. 

Chúng ta vẫn phải giải quyết những vấn đề tồn đọng như các dự án thua lỗ, kéo dài, các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, các bệnh viện…; đối phó với vấn đề mới như thị trường vốn, liên quan trái phiếu, cổ phiếu, liên quan lạm phát, tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào đặt ra trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của nhân dân và doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình 5 tháng đầu năm khởi sắc ở các khu vực như nông lâm ngư nghiệp; dịch vụ, du lịch, công nghiệp… 

Chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao, tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng Phục hồi sau đại dịch Covid-19 (CRI) do Nikkei đánh giá; đó là nhờ sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân, bạn bè quốc tế.

Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; hoạt động đối ngoại diễn ra tích cực, đàm phán về biên giới chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm, đó là đầu tư công, sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh…, cần phải có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tình hình mới.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp về các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đi thẳng vào nội dung để xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, phát sinh mới. 

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 -0

* Theo Tổng cục Thống kê, về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội được bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực.

Bên cạnh đó, sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam vừa qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch sôi động hơn, tạo cú hích cho sự phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tình hình kinh tế-xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá dầu, lạm phát tăng cao tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế-xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được bảo đảm, lạm phát trong tầm kiểm soát…

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 62,69 tỷ USD, tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới… đã thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 đạt 13.370 doanh nghiệp, là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so cùng kỳ năm trước của các năm 2016-2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 63 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký là 437,7 nghìn lao động, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 6,1% về số lao động so cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường 5 tháng đầu năm 2022 đạt 98,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8% so cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20%.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh nên trong 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt 7,71 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 5 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 5/2022 ước đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2022 đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 26,9% và tăng 15,6%).

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022…

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến ngoài dự báo như cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga-Ukraine, giá cả và lạm phát, vấn đề liên quan mang tính toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng; trong nước có nhiều sự kiện như chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương 5, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, tổ chức SEA Games 31 thành công…; vấn đề biến đổi khí hậu, lũ lụt xuất hiện sớm, gây hậu quả nhất định, phù hợp nhận định từ đầu năm, đó là vừa có cơ hội, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã điều hành, lãnh đạo, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thể hiện qua SEA Games 31, qua các hoạt động kinh tế-xã hội từ ngày 15/3. Tổ chức Nikkei nâng hạng Việt Nam về phục hồi sau đại dịch.

Thủ tướng đề nghị không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác vì dịch bệnh còn phức tạp; cần đánh giá các bệnh hậu Covid-19, rồi các bệnh khác. Chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình phòng, chống dịch hiệu quả; đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bộ, ngành liên quan đáp ứng các yêu cầu cấp bách; các số vốn đã được bố trí thì khẩn trương giải ngân.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn lại phù hợp Thông điệp 5K; tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng vaccine phù hợp yêu cầu của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Về tình hình kinh tế 5 tháng và tháng 5 tiếp tục khởi sắc trên các lĩnh vực, ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng khá; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Nhờ kiểm soát dịch bệnh, kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ ổn định mặc dù áp lực lạm phát rất cao. Các cân đối lớn vẫn bảo đảm, thu ngân sách tăng so cùng kỳ năm trước; xuất nhập khẩu tăng trưởng, xuất siêu khá nhưng phải chú ý độ mở của nền kinh tế, cảnh giác với biến động bên ngoài; bảo đảm an ninh lương thực, cân đối năng lượng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, không thể chủ quan được. Bộ trưởng Công thương phải luôn bám sát chặt vấn đề này để điều chỉnh kịp thời. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn như EVN, PVN, TKV bảo đảm năng lượng cho đất nước. Chúng ta cũng bảo đảm cân đối về lao động. Các chuỗi cung ứng về lao động được phục hồi nhưng chưa bền vững, do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải nắm chắc tình hình, xử lý các chính sách hỗ trợ người lao động hợp lý theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Chúng ta đã tổ chức tốt SEA Games 31 thành công, chu đáo, an toàn, bảo đảm yêu cầu; kết quả thành công trên nhiều mặt, đạt nhiều huy chương vàng trên nhiều lĩnh vực. Quốc phòng an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại tích cực phù hợp tình hình và bối cảnh quốc tế; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh…

Qua những kết quả đạt được, chúng ta nhận thấy hiệu ứng tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá trong năm nay. Các chỉ số xếp hạng của Việt Nam đều thăng hạng do các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, phù hợp diễn biến tình hình trong nước.

Đánh giá chung tình hình 5 tháng và tháng 5, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế-xã hội đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Đó là nhờ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của nhân dân, đồng hành của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế. Điều này góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần tập trung suy nghĩ tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả, khả thi. Những hạn chế, bất cập này có nguyên nhân khách quan xuất phát từ tình hình thế giới, biến đổi khí hậu, hậu Covid-19, nhưng nguyên nhân chủ quan do một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhất là người đứng đầu chưa chủ động giải quyết công việc. Có bộ, ngành, địa phương làm tốt, nhưng có bộ, ngành, địa phương lại chưa làm tốt. Chúng ta cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để có giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Phải khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết phải kiểm soát dịch bệnh vì một số nước đang bùng phát dịch bệnh; phải thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tiêm chủng vaccine theo mục tiêu của Chính phủ đề ra an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục nắm tình hình liên quan cạnh tranh chiến lược để báo cáo cấp thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo đảm độc lập, tự chủ, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Nắm tình hình về rủi ro lạm phát, giá cả, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, chi phí đầu vào… Có chính sách của các nước sẽ ảnh hưởng nước ta nên cần phải nắm rõ. Bám sát tình hình kinh tế khu vực và quốc tế để đánh giá tác động, có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu vẫn phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi thời cơ để chuẩn bị các giải pháp cần thiết. Đề nghị Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan tập trung rà soát, hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện sát thực tế, nhất là xây dựng Luật, một số Nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, ngành phải chủ động rà soát vướng mắc qua thực tiễn để cập nhật vào các Nghị quyết của Quốc hội như đầu tư công, tháo gỡ để phục hồi nhanh và bền vững, các vấn đề quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia… Các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với các cơ quan của Quốc hội để kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Vấn đề cần làm là phân cấp cho các địa phương và chỉ định thầu thì sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài chính có các cơ chế, chính sách, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tình hình thế giới để điều chỉnh phù hợp. Phát triển thị trường vốn hiệu quả để góp phần giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bảo đảm 5 cân đối lớn như thu chi, xuất nhập khẩu, lương thực, thực phẩm, năng lượng và điện, thị trường lao động. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, gỡ nút thắt để phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng. Thực hiện đồng bộ chương trình phục hồi, đồng thời đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc, kịp thời phản ánh với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh. Các bộ, ngành tập trung vào các lĩnh vực này, đẩy mạnh dùng chung các dữ liệu như dữ liệu dân cư. Xử lý các vấn đề liên quan tồn đọng như phát triển bền vững, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại thị trường tiền tệ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; làm tốt cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó đánh giá lại tình hình, xây dựng lại các chương trình, mục tiêu, báo cáo các cấp thẩm quyền để quyết định, bảo đảm hiệu quả, không thất thoát tài sản nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất tổng thể, đề ra nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình, bảo đảm hiệu quả làm cho doanh nghiệp phát triển được, không thất thoát vốn, không mất cán bộ.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chuẩn bị tốt cho Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, làm tốt phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ người lao động; Bộ Y tế phòng, chống dịch tốt như sốt rét, chân tay miệng; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt các kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng; xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp chính sách hỗ trợ, đối tượng trên tinh thần có cân nhắc tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19, thận trọng đưa ra những chính sách có thể tác động toàn dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác đối ngoại; làm tốt công tác thông tin truyền thông, phản bác lại những thông tin độc hại, chống phá của các thế lực thù địch. Làm tốt công tác giải trình và chất vấn trước Quốc hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại vấn đề sách giáo khoa theo tinh thần tiết kiệm, thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, đem lại lợi ích cho xã hội. Vấn đề gì không phù hợp thì phải nghiên cứu, điều chỉnh ngay. Liên quan vấn đề học môn Lịch sử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, lắng nghe các ý kiến của nhân dân, nhà sử học, nhà khoa học, tổng kết thực tiễn, tiếp thu, điều chỉnh phù hợp; trong nửa đầu tháng 6 tiếp tục có hội nghị tham khảo ý kiến, vừa bảo đảm theo Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn, mong mỏi của nhân dân, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập môn lịch sử; có thể tính toán theo hướng vừa có chương trình bắt buộc, vừa có chương trình tự chọn. Theo Thủ tướng, truyền thống lịch sử, văn hóa cũng là nguồn lực và đầu tư cho lĩnh vực này cũng là đầu tư cho phát triển. Chúng ta cần cầu thị, lắng nghe để đạt hiệu quả xã hội cao. Dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp cũng như các dịch bệnh khác, do đó, Bộ Y tế phải bảo đảm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày