Thứ 7, 23/11/2024, 14:08[GMT+7]

Tập trung khắc phục thiệt hại do vận hành thủy nông cống Bồng He gây ra

Thứ 4, 20/07/2022 | 15:32:22
4,831 lượt xem
Quá trình vận hành đóng, mở cống Bồng He (xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải) để lấy nước làm đất vụ mùa 2022, cán bộ thuộc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Tiền Hải đã chủ quan, không giám sát chặt chẽ dẫn đến lượng nước từ sông Hồng qua cống đổ vào đồng quá lớn. Hậu quả đã gây ngập lụt cục bộ, làm ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến diện tích ao nuôi thủy sản và trồng cây màu của một số hộ dân thuộc xóm 4, thôn Đông Biên và xóm 7, thôn Tam Bảo, xã Nam Hồng (Tiền Hải).

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL Nam Thái Bình và Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải gặp gỡ, động viên người dân bị ảnh hưởng.

Vận hành thủy nông thiếu trách nhiệm

Là một trong 5 hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố vận hành cống Bồng He gây ra, ông Nguyễn Ngọc Cường (xóm 4, thôn Đông Biên, xã Nam Hồng) cho biết, gia đình ông được UBND xã Nam Hồng cho đấu thầu hơn 1.300mđất ao, đầm. Tháng 3/2022, gia đình thả tổng cộng khoảng 25 vạn con tôm giống, chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì chiều ngày 30/6, nước dâng quá lớn, không tiêu thoát kịp nên toàn bộ ao đầm, vườn tược bị ngập hơn nửa mét trong nhiều giờ đồng hồ, tôm cá gần như mất sạch. 

Theo ông Cường, 1 vạn con tôm giống lúc mua về có giá 800.000 đồng, còn thức ăn cho tôm có giá 32.000 đồng/kg trong khoảng 3 tháng hết trên 800kg. Như vậy, tính riêng tiền mua giống và thức ăn chăn nuôi, gia đình ông Cường đã mất trắng trên 45 triệu đồng; chưa kể giá trị cây màu trồng trên vườn bị úng, chết và công chăm sóc tôm của 5-6 người trong gia đình 3 tháng qua.

Cùng với ông Cường, ngày 1/7, 5 hộ dân khác tại xã Nam Hồng có cùng hoàn cảnh đã có đơn gửi UBND xã Nam Hồng, Hợp tác xã DVNN xã Nam Hồng để kiến nghị, yêu cầu hỗ trợ, đền bù cho phần diện tích bị ảnh hưởng bởi sự cố trên. 

Ông Phạm Văn Điệt, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng xác nhận với phóng viên: Chiều tối ngày 30/6, tại địa phương đã xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ diện tích ao nuôi thủy sản và một số diện tích cây màu tạị thôn Đông Biên và thôn Tam Bảo. Trong đó, có 5 hộ gia đình nuôi tôm ở chân đê biển số 5 có ao nuôi bị ngập từ 0,3m đến 0,5m, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. 

"Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, tôi đã thông tin cho cán bộ Xí nghiệp KTCTTL huyện có biện pháp hạ thấp phai cống để hạn chế lượng nước đổ vào đồng. Tiếp đó, tôi cùng cán bộ Công an xã, lãnh đạo Hợp tác xã DVNN xã và các thôn xuống ghi nhận, kiểm tra hiện trường sự việc, yêu cầu các hộ nuôi trồng đắp cao bờ vùng để bảo vệ tài sản", ông Điệt cho biết thêm.

Lý giải về sự cố đáng tiếc này, ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải cho biết: Công trình cống Bồng He tại K5+500 đê cửa sông Hồng thuộc địa phận xã Nam Hồng được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo đề án sản xuất vụ mùa của huyện Tiền Hải, ngày 30/6, Xí nghiệp KTCTTL huyện chỉ đạo công nhân mở cống để lấy nước phục vụ làm đất vụ mùa năm 2022. Tuy nhiên, vì cống mới hoàn thành, khẩu độ lớn, công nhân vận hành chưa có kinh nghiệm và có phần chủ quan, thiếu quan sát dẫn đến sự cố đáng tiếc nói trên.

Cống Bồng He vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tập trung khắc phục thiệt hại

Do một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến việc chậm trễ trong giải quyết khiến các hộ dân bị ảnh hưởng bức xúc, lo lắng. Ngày 17/7, ngay sau khi nắm bắt được tình hình, lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL Nam Thái Bình đã triệu tập cuộc họp khẩn tại Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải nhằm xác minh làm rõ, xem xét toàn bộ sự việc. 

"Dù là ngày nghỉ nhưng chúng tôi đã yêu cầu gần như toàn bộ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên có liên quan của xí nghiệp dự họp; trong đó, yêu cầu làm rõ xem ai là người chỉ đạo mở cống, ai là người trực tiếp vận hành mở cống thiếu trách nhiệm dẫn đến sự cố ngày 30/6. Mặc dù thực hiện đề án sản xuất vụ mùa, phải mở cống lấy nước làm đất, nhưng Xí nghiệp KTCTTL huyện đã không xin ý kiến chỉ đạo của công ty, tự ý cho mở cống, khi xảy ra sự việc đáng tiếc thì lại không kịp thời báo cáo công ty để có thể nhanh chóng có giải pháp xử lý, giải quyết triệt để", ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Nam Thái Bình thông tin.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL Nam Thái Bình và Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải thăm hỏi tình hình người dân bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Tùng, trước mắt công ty yêu cầu lãnh đạo xí nghiệp cần nhanh chóng xuống địa phương làm việc, đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại do sự cố gây ra; sớm thương lượng, thống nhất với các hộ dân để đưa ra mức bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho bà con. 

"Sau đó, dựa trên kết quả xác minh, làm rõ vụ việc cũng như mức độ thiệt hại, công ty nhất định sẽ có hình thức xử lý đối với cá nhân có sai phạm. Qua vụ việc này, công ty cũng tổ chức rút kinh nghiệm, quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong thực hiện công việc, tránh những sự cố đáng tiếc tương tự có thể xảy ra", ông Tùng cho biết thêm.

Được biết, ngay sau buổi họp tại Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải kết thúc, sáng ngày 17/7, lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL Nam Thái Bình cùng lãnh đạo Xí nghiệp KTCTTL huyện đã trực tiếp xuống khu đất nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Ngọc Cường - đại diện 5 hộ dân bị ảnh hưởng để nắm bắt sơ bộ tình hình thiệt hại, thăm hỏi gia đình. 

Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải đã trực tiếp nhận trách nhiệm với gia đình hộ dân: Lẽ ra chúng tôi phải sớm xuống làm việc, xác định, kiểm đếm thiệt hại cùng với bà con để thống nhất mức bồi thường sao cho hài hòa giữa các bên. Tuy vậy, có một số nguyên nhân khách quan đã dẫn đến sự chậm trễ này. Dù sao đây cũng là sự cố không ai mong muốn cả, rất mong được các gia đình thông cảm và cùng phối hợp với xí nghiệp để sớm giải quyết sự cố này". 

Ông Tuấn cũng cam kết ngay trong tuần này sẽ cùng với cán bộ xí nghiệp về địa phương làm việc cụ thể với các hộ dân bị ảnh hưởng và các đơn vị có liên quan, để sớm thống nhất hướng giải quyết, khắc phục sao cho hợp tình, hợp lý nhất giữa các bên.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày