Hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Kỳ 3: Nông dân cần nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp
Nhiều rào cản
Qua nắm bắt tại cơ sở, hiện nay việc đưa nông sản lên sàn TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Khi đưa lên sàn TMĐT nông sản phải bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu về kích thước, chất lượng, mẫu mã và tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Trong khi đó, nông sản của Thái Bình chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ, mang tính thời vụ; thông tin về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm chưa rõ.
Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ: Nông dân lâu nay quen với việc bán nông sản trực tiếp, phụ thuộc nhiều vào tư thương nên khi chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến vẫn còn nhiều bỡ ngỡ sẽ phải mất nhiều thời gian tập huấn, hướng dẫn. Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp muốn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT cần có máy tính cá nhân hoặc điện thoại thông minh để tạo các tài khoản mua và bán, có tài khoản ngân hàng hoặc ví thanh toán điện tử để khách hàng thanh toán khi mua hàng, tuy nhiên không phải hộ nông dân nào cũng đáp ứng được những điều kiện này.
Đa số nông sản của Thái Bình hiện nay chủ yếu là sản phẩm mùa vụ, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn, nhất là đối với các loại thực phẩm, hải sản, rau quả tươi… Cùng với đó, công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi ngon của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn.
Các sản phẩm này không thể vận chuyển qua đường bưu chính của các đơn vị chủ sàn TMĐT, đơn cử như sản phẩm thịt vịt biển và trứng vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên.
Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết: Khi đưa lên sàn TMĐT đã giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm, ký được các hợp đồng lớn với các đại lý. Tuy nhiên, trứng vịt biển vận chuyển dễ bị vỡ, thịt vịt biển cần quy trình bảo quản nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm nên HTX đang lúng túng tìm giải pháp cho việc bảo đảm nguyên vẹn chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi cũng chưa thể đáp ứng được các đơn hàng nhỏ lẻ ở những nơi HTX không có đại lý hoặc cửa hàng bán sản phẩm.
Một khó khăn nữa là nông dân, các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ do mới tham gia sàn TMĐT nên còn hạn chế về kinh nghiệm quản trị, thiếu kỹ năng bán hàng online, cập nhật giá bán chưa kịp thời, chưa chú trọng tạo hình ảnh bắt mắt cho các gian hàng để quảng bá sản phẩm, còn lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng... do vậy chưa gây được ấn tượng, chưa thu hút được nhiều khách hàng.
Cơ sở chế biến cá rô đồng xuất khẩu của nông dân Nguyễn Văn Hinh, xã Duyên Hải (Hưng Hà) cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Ông Nguyễn Quang Tạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cho biết: Hội viên nông dân xã Nam Thịnh có hơn 1.100ha nuôi ngao, hàng chục héc-ta nuôi các loại cá. Sản lượng xuất bán hàng năm rất nhiều nhưng đa phần nông dân còn gặp nhiều khó khăn về tìm đầu ra cho sản phẩm, vào chính vụ thường bị thương lái ép giá. Vì thế, Hội Nông dân xã mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ hội viên đưa con cá, con ngao lên các sàn TMĐT để quảng bá tới khách hàng trong và ngoài nước. Hội Nông dân xã đã lựa chọn 20 hộ gia đình hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, có diện tích nuôi lớn, sản lượng xuất bán ngao, cá hàng năm nhiều để liên kết và hỗ trợ hội viên làm thủ tục đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, ưu tiên những hộ sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, các sản phẩm OCOP... bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay khách hàng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp làm tốt hoạt động hỗ trợ hội viên trong công tác số hóa dữ liệu nhằm quản lý thông tin hội viên nông dân một cách nhanh chóng, thuận lợi cho việc cập nhật, tra cứu dữ liệu nông sản.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo nội dung đã ký kết với Bưu điện tỉnh. Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên khai thác thông tin trên internet, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để quảng bá sản phẩm, xây dựng mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa; kết nối, tạo điều kiện cho nông dân tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Tổ chức hội sẽ tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ lợi ích khi đưa nông sản lên sàn TMĐT. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở, hội viên nông dân về kỹ năng sử dụng máy tính, phương thức thu thập thông tin sản phẩm để đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo sự thuận lợi trong kết nối cung cầu giữa người mua và người bán. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX, đơn vị, hộ sản xuất nông nghiệp có năng lực, bảo đảm điều kiện về chất lượng, bao bì đóng gói sản phẩm để giới thiệu tham gia các sàn TMĐT có uy tín nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trên các kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Cùng với đó, phối hợp xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm, tập huấn quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa... tạo ra nguồn nông sản dồi dào, bảo đảm chất lượng. Để thực hiện các nội dung trên, Hội Nông dân tỉnh kiến nghị HĐND, UBND tỉnh hàng năm hỗ trợ phần kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân về kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng đưa thông tin sản phẩm lên sàn TMĐT.
Theo bà Bùi Thị Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh: Để hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, hiện Bưu điện tỉnh đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương lập danh sách, lựa chọn những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao của từng hộ sản xuất lên sàn TMĐT postmart.vn. Bưu điện tỉnh đã thành lập đội xung kích gồm các cán bộ có năng lực về từng xã phối hợp với cán bộ hội nông dân xã, nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã trực tiếp hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tạo tài khoản mua và bán, tập huấn, trang bị kiến thức về chụp ảnh, cập nhật đơn hàng, tương tác với khách hàng cho tới việc đóng gói, bảo quản sản phẩm, theo dõi đơn hàng trên sàn TMĐT, từ đó thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số. Cùng với đó, Bưu điện tỉnh cũng lên kế hoạch xây dựng tổ chức tiêu thụ nông sản trong nội bộ toàn ngành với chương trình mỗi tuần 1 sản phẩm hoặc mỗi tháng 1 sản phẩm, từ đó tạo sự lan tỏa mở rộng kênh phân phối bán hàng cho nông dân.
Mô hình nuôi ngao của CCB Nguyễn Đình Thường, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải.
Trong nông nghiệp, chuyển đổi số giúp kết nối hàng triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp, mở ra kênh tiêu thụ mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, minh bạch hóa các giao dịch thương mại, tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức đặt ra, để đưa nông sản lên sàn TMĐT thuận lợi, mang lại lợi ích thực sự cho người nông dân, không chỉ có Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh tổ chức thực hiện, mà các ngành, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt phối hợp với đại diện các sàn TMĐT trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất bảo đảm quy định về tiêu chuẩn hàng hóa theo cam kết, nông sản phải an toàn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như: thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón... để bà con chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với những nông sản đặc thù có thời gian bảo quản ngắn và vận chuyển có điều kiện, các ngành chức năng khuyến khích cơ sở sản xuất tập trung đơn hàng quy mô lớn để đơn vị vận chuyển phân bổ xe chuyên dụng và đề xuất với sàn giao dịch áp dụng phương án khai thác tính năng quảng cáo để khách hàng biết đến sản phẩm và linh hoạt trong khâu vận chuyển, không phụ thuộc vào nhân viên chuyển phát của sàn giao dịch TMĐT. Thích ứng nhanh với chuyển đổi số, các hộ sản xuất cũng cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, bảo đảm sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm thì mới có thể tham gia sàn TMĐT; cùng với đó phải thay đổi tư duy, tích cực học hỏi để nâng cao kỹ năng bán hàng, tương tác trên môi trường điện tử để khai thác hiệu quả kênh bán hàng hiện đại này.
Nguyễn Hình - Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP; lễ hội bánh và ẩm thực huyện Vũ Thư năm 2024 12.10.2024 | 15:53 PM
- Tiêu hủy hàng vạn sản phẩm là hàng lậu, hàng giả 02.10.2024 | 15:45 PM
- 100% thiết bị mạng di động VinaPhone được khắc phục sau bão 11.09.2024 | 14:11 PM
- BNI Avenue - Chapter thứ hai tại Thái Bình chính thức ra mắt 03.08.2024 | 16:21 PM
- Phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ 26.07.2024 | 22:32 PM
- Rộn ràng phiên chợ sớm và duy nhất trong năm ở Vũ Thư 11.02.2024 | 22:11 PM
- Thị trường hoa, cây cảnh ngày tết: Đông người bán, ít người mua 07.02.2024 | 08:51 AM
- Khai mạc hội chợ mừng Đảng, mừng Xuân Thái Bình 2024 23.01.2024 | 21:35 PM
- Vũ Thư: Sẽ thực hiện thủ tục, trình UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận OCOP nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm 14.12.2023 | 16:33 PM
- Ra mắt sản phẩm nước mắm ngao cồn Đen 09.12.2023 | 10:02 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật