Thứ 6, 15/11/2024, 10:29[GMT+7]

Ông cố vấn: Những ngày chống Pháp ở quê

Thứ 2, 22/08/2022 | 08:50:02
4,769 lượt xem
Cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã có nhiều tác phẩm báo chí, văn học phản ánh. Song còn một trong những hoạt động của ông những ngày đầu chống Pháp ở quê thì chưa được đề cập đến. Bài viết sẽ góp phần làm sáng tỏ điều đó.

Làng quê xã Vũ Hội (Vũ Thư). Ảnh tư liệu

Ngày 8/2/1950, thực dân Pháp mở cuộc hành quân Ton-no với hơn 5.000 binh lính, hầu hết là lính Âu - Phi thiện chiến như “Kỵ binh Lê Dương”, “Cơ động Bắc Phi” có sự yểm trợ của 2 tàu chiến, 4 ca nô, 18 xe lội nước cùng pháo binh và không quân đánh chiếm Thái Bình. Đây là chiến dịch lớn thứ ba địch tiến công để đánh chiếm vùng đồng bằng Liên khu Ba - kho người, kho của của cuộc kháng chiến.

Từ ngày 8/2 - 24/2/1950, quân Pháp tập trung toàn bộ lực lượng càn quét các huyện phía Bắc đường 10 và đóng chốt để kiểm soát các đường giao thông quan trọng. Ngay sau 3 ngày chiếm được thị xã Thái Bình, ngày 12/2/1950 chúng đưa một đội quân khoảng 500 tên, hầu hết là lính Âu - Phi do tên quan tư Đat-xi-e chỉ huy tiến đánh Hội Khê, một làng kháng chiến, có khu “Quyết tử”, cách thị xã Thái Bình không xa.

Làng kháng chiến Hội Khê có địa hình thuận lợi được xây dựng từ thời khởi nghĩa Phan Bá Vành với những hào lũy bao bọc quanh làng, thông ra ngoài bằng 5 cổng xây kiên cố, vừa là điểm phòng thủ vừa là trạm viễn tiêu. Phía Bắc làng là những cánh đồng trũng quanh năm lầy lội, mương ngòi chằng chịt. Ba mặt còn lại là sông Kiến Giang, đường 223 đi qua chia làng thành 2 khu Đông và Tây. Muốn vào chỉ có con đường 223 thì đã bị ta cắt thành nhiều đoạn khi xây dựng làng kháng chiến. Vì vậy, nếu đánh vào làng, địch không dễ tiến công.

Mùa khô năm 1949 hạn hán nặng, ruộng ải trắng phếch, lòng ngòi trên đồng không còn vũng nước, đây là thế bất lợi cho ta. Từ vài hôm trước, máy bay do thám của địch bay nhiều vòng trên không phận của xã, ta dự đoán việc địch đánh vào khu “Quyết tử” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngày 10/2/1950, một cuộc họp các cán bộ chỉ huy được gấp rút triệu tập dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban đốc chiến và đồng chí Húc, Phó Bí thư Huyện ủy, phái viên của huyện cử về phối hợp chỉ đạo với địa phương chống giặc. Hội nghị nhận định tình hình và ra những quyết định quan trọng.

Đêm ngày 12/2/1950, khu “Quyết tử” chìm trong sương mù. Địch từ thị xã Thái Bình tiến theo đường 39, qua thôn Tống Vũ, chúng chia quân theo 2 hướng: một tiến ra phía đường 223, một theo bờ sông Kiến Giang bao vây khu “Quyết tử”. Chờ đến lúc tan sương, địch đồng loạt nổ súng xối xả rồi dò lần từng bước, phá rào, chui vào làng theo nhiều mũi cùng một lúc. Cuộc chiến đấu giằng co đến quá trưa mà địch chỉ vào được nửa làng phía Đông đường 223. Tuy vậy, một số xóm trong khu “Quyết tử” quân địch cũng không đặt chân tới được. Xế chiều, các chiến sĩ hết mìn, đạn và lựu đạn. Trưởng ban đốc chiến Nguyễn Ngọc Dũng và đồng chí Húc cùng lực lượng ta kiên cường chặn bước tiến quân thù. Cuối cùng, khẩu súng lục của anh cũng hết đạn, anh phải cùng đồng đội rút về căn cứ. Trên đường rút, anh và đồng chí Húc trúng đạn địch, hy sinh.

Sau cuộc tàn sát đẫm máu ngày 12/2/1950 và tiếp đó là những cuộc truy lùng, khủng bố gắt gao của địch, Chi bộ và mọi hoạt động kháng chiến của xã Hội Am dường như tê liệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy Vũ Tiên cử đồng chí Vũ Xuân Nhã(1), Chánh Văn phòng Huyện ủy về làm Bí thư Chi bộ xã. Trọng trách này là cuộc thử lửa đầu tiên kể từ sau khi ông được kết nạp Đảng ngày 20/6/1947 tại Chi bộ xã Hội Am. Với năng lực của một trí thức cùng ý chí, tinh thần trách nhiệm với quê hương, lại được các nghị quyết của đảng ủy cấp trên dẫn đường, ông đã từng bước khôi phục hoạt động của Chi bộ, khôi phục phong trào kháng chiến của xã Hội Am.

Sau khi về xã, đồng chí Vũ Xuân Nhã đã liên hệ với những cơ sở quần chúng tin cậy; ban ngày ông trú ẩn trong hầm, ban đêm đi chắp nối với các đồng chí: Nguyễn Xuân Hy, Đặng Văn Bình, Nguyễn Ngọc Uân, Bùi Văn Giáp... để khôi phục hoạt động của Chi bộ. Sau khi chắp nối được với tất cả các chi ủy viên, ông tổ chức nhiều cuộc họp Chi ủy để bàn kế hoạch khôi phục hoạt động của Chi bộ, khôi phục phong trào kháng chiến của xã. Những cuộc họp này thường được tổ chức ở các gia đình là cơ sở tin cậy của xóm Phú Thứ.

Từ các nghị quyết của Chi bộ, ông đã sắp xếp lại bộ máy chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang của xã. Lực lượng vũ trang được củng cố với 15 đồng chí vào đội du kích tập trung gồm những người có tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương. Từ đội du kích tập trung của xã làm nòng cốt, đội du kích các thôn cũng lần lượt được khôi phục, củng cố, bảo đảm sự liên lạc giữa xã lên huyện và chuyển tiếp giữa các khu A, B, C, D trong huyện được liên tục, an toàn.

Tháng 7/1950, lực lượng dân quân, du kích của xã được củng cố thêm một bước. Các đơn vị dân quân, du kích cơ sở cũng được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, hoạt động đa dạng và linh hoạt ngay trong lòng địch. Việc khôi phục, củng cố hoạt động của Chi bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng lúc này đã đặt nền móng vững chắc cho những chiến thắng vẻ vang của quân và dân xã Hội Am trong công cuộc kháng chiến chống Pháp sau đó như dùng nội công lấy bốt Tống Văn, bắt sống hai trung đội địch mà không tốn một viên đạn, bức hàng bốt Cầu Cọi, bắt sống hơn 100 tên, thu toàn bộ vũ khí (tháng 2/1952); phối hợp với bộ đội của tỉnh chặn đánh địch rút chạy khỏi Thái Bình trên đường 223 thuộc địa phận của xã, đánh tan hơn một tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, giải phóng quê hương (ngày 30/6/1954)... Với những chiến công ấy, năm 2002 xã Vũ Hội (xã Hội Am trước đây) được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau khi khôi phục được Chi bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng của xã Hội Am, khoảng cuối năm 1950, cấp trên điều đồng chí Vũ Xuân Nhã lên làm Thị ủy viên thị xã Thái Bình, trực tiếp phụ trách xã Trần Lãm, nơi địch đã đặt được bộ máy ngụy quân, ngụy quyền cai trị... Hoạt động ở địa bàn mới ông gặp khó khăn hơn nhiều so với khi ở địa bàn xã Hội Am. Song những kinh nghiệm lãnh đạo khôi phục phong trào kháng chiến chống Pháp ở Hội Am trước đó đã giúp ông rất nhiều. Nhờ đó, ông đã cùng các đồng chí trong chi bộ vận động, tổ chức thành công cuộc phá căng Bo, nơi địch giam giữ hàng nghìn người kháng chiến sau những cuộc càn quét chúng bắt được đem về. Bằng những biện pháp tài tình, mưu trí, bám đất, bám dân, biến hậu phương địch thành tiền tuyến, kết hợp giữa dân vận, địch vận khéo léo, ông đã tạo ra một thế trận nhân dân, áp đảo kẻ thù, giải phóng được tất cả những người bị giam giữ ở căng Bo. Chiến công này đã trở thành bài học điển hình về công tác dân vận, địch vận cho kháng chiến ở vùng tạm chiếm và ông được cử đi báo cáo tại hội nghị tổng kết chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ năm 1952.

Tại hội nghị này, ông được gặp Bác Hồ, được Bác khen ngợi, trò chuyện, thử thách; rồi Bác chọn ông vào hoạt động phía bên kia, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với Mỹ - ngụy sau này mà Người đã tiên đoán. Từ đây, ông bước vào một trận chiến đấu mới, đơn độc, thầm lặng, cam go, đầy nguy hiểm của người chiến sĩ tình báo, hoạt động ngay trong sào huyệt địch với biết bao nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi ông phải luôn mưu trí, dũng cảm, đầy bản lĩnh mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vũ Duy Yên
Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình


(1) Tên khai sinh của đồng chí Vũ Ngọc Nhạ. Những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê, mọi người vẫn gọi ông là Vũ Xuân Nhã. Chỉ sau năm 1955, khi vào Nam hoạt động trong lòng địch mọi người mới gọi ông là Vũ Ngọc Nhạ.