Những con đường dùng 0 đồng ngân sách ở Điện Biên
Lần lượt đếm từng con đường số 1, 2… rồi đến 10 đã êm thuận, ông Bí thư xã Trần Hiến Giang không khỏi tự hào khoe “Tất cả đều không tốn một đồng từ ngân sách Nhà nước”.
Đường lầy “khoác áo” bê tông
Bà con bản Che Phai 1 đồng lòng tham gia làm đường nhân ái số 10 lên điểm trường mầm non. Ảnh: Nguyễn Dũng
Con đường nhân ái số 10 dẫn lên điểm trường mầm non bản Che Phai 1, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) được khánh thành vào đúng ngày khai giảng năm học mới. Con đường bê tông rộng 3,6m được hoàn thành với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng, phục vụ đi lại thường xuyên cho hơn 50 học sinh và 4 giáo viên điểm trường.
Hòa trong niềm phấn khởi của hàng trăm phụ huynh, học sinh, giáo viên ở đây, ông Lò Văn Toán, Trưởng bản Che Phai 1 chia sẻ cũng không giấu được sự xúc động. Ông Toán kể, đây là đoạn đường rẽ từ Quốc lộ 279 lên điểm trường. Mặc dù chỉ dài gần 40m, song nhiều năm qua vì chưa được đầu tư đồng bộ nên gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.
“Hiện trạng cũ nền đất gồ ghề rất khó đi. Nhất là vào mùa mưa, trơn trượt, lầy lội, bọn trẻ khổ lắm. Tôi từng nhiều lần chứng kiến học sinh, giáo viên và cả phụ huynh trượt ngã hoặc lấm lem bùn đất khi đến lớp. Giờ được bê tông sạch đẹp, rộng rãi thế này mừng lắm”, ông Toán bộc bạch.
Tại bản Tà Cơn, “con đường nhân ái” số 5 được hô “biến” từ lối mòn ngoằn ngoèo, dốc ngược chỉ rộng chừng 0,5 – 1m, quanh năm đi bộ. Sống gần hết đời người tại đây, ông Bạc Cầm Pánh (84 tuổi) là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa của sự đổi thay này.
Ông Pánh tâm sự: “Cả đời tôi chỉ biết chổng mông lên trời lội bùn trên con đường mòn này từ nhà này sang nhà kia, rồi đi làm nương. Chỉ dám mơ một ngày đường được cải tạo thuận lợi hơn một chút và rộng hơn để xe máy có thể đi được. Thế mà giờ đây có hẳn đường bê tông to đẹp vào tận cổng nhà, xúc động lắm!”.
Còn theo ông Lò Văn Thiêm, Trưởng bản Ta Cơn thì ngay sau khi đường hoàn thành, bà con trong bản đã góp tiền, làm 30 mâm liên hoan tưng bừng. Rồi kể từ khi có đường đẹp, nhiều hộ dân chuyển xuống ở gần đường, làm nhà mới, khiến bản làng trở nên đẹp đẽ hơn. Ô tô chở hàng cũng vào được tận cuối bản để thu mua nông sản và buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cho bà con.
Chia sẻ về cái tên đầy ý nghĩa, ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh cho hay, do đường thực hiện hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hóa, không sử dụng ngân sách. “Bất cứ ai có tấm lòng thì chung tay đóng góp. Từ công sức, tiền của, nguyên, vật liệu… nên chúng tôi gọi đây là đường nhân ái”.
Cũng theo ông Giang, phong trào này được triển khai từ năm 2019, trên cơ sở xã lên phương án thiết kế, tính toán giúp. Nhân dân là lực lượng trực tiếp thi công, tự giải ngân, có trách nhiệm với chính tuyến đường mình đi. Cán bộ xã hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát thi công, quán xuyến nhân lực để công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Nối vòng tay lớn
Mỗi người dân không chỉ tham gia làm mà còn trực tiếp giám sát quá trình thi công, hoàn thiện tuyến đường.
Sau khi những con đường đầu tiên được hoàn thành, từ lợi ích thấy rõ, phong trào làm đường nội bản tại Chiềng Sinh diễn ra ngày càng sôi nổi. Tiêu biểu nhất là bản Ta Cơn, với 7 “con đường nhân ái” được hoàn thành. Theo Trưởng bản Thiêm chia sẻ, thì con đường đầu tiên được làm mới ở bản là nhờ sự kết nối của ông Nguyễn Khang Dũng, cán bộ xã (ngày đó làm Bí thư Chi bộ bản).
“Ông Dũng đã nhờ các mối quan hệ quen biết để xin kinh phí mua nguyên vật liệu làm đường. Sau đó vận động người dân hiến đất và bỏ công sức thực hiện. Ban đầu, một số hộ dân còn lo ngại vì thấy vất vả. Đa phần đường leo lên, tụt xuống nhiều nên phải hạ độ cao, giảm quanh co, nhiều đoạn gánh, vác từng bao xi măng, cát, sỏi lên”, ông Thiêm kể.
Thế rồi, những cán bộ, đảng viên đầu tiên gương mẫu đứng ra trực tiếp làm. Ông Bạc Cầm Pánh nằm trong số những người tiên phong, tích cực làm theo. Nhìn cụ ông lưng còng vác cuốc lao động hăng say, thanh niên trong bản không thể đứng nhìn. Họ kéo nhau “xắn tay” vào việc.
“Làm đường vất vả lắm, gần như là làm mới hoàn toàn từ việc cào nền đường, tạo mặt bằng… đến trộn, đổ bê tông. Vừa làm, vừa tự giám sát nhau. Cứ xin, nhờ máy móc hỗ trợ được khâu nào thì tốt khâu đó. Còn lại chúng tôi trực tiếp thực hiện. Khối lượng lớn, việc của chung nên tôi huy động hết con cháu, ai rảnh là tham gia làm cùng”, ông Pánh nói.
Những con đường êm thuận, láng mịn đầu tiên được khởi công đã tạo hiệu ứng mạnh với bà con trong xã. Phong trào làm đường nhân ái cũng từ đó mà lan tỏa ra khắp các bản, như: Dửn, Kép, Che Phai 1... Nhiều tuyến, kinh phí làm đường lên tới gần 100 triệu đồng và gần 1.000 ngày công lao động.
Sau 3 năm, phong trào đã triển khai, làm mới được 10 tuyến đường nhân ái và đang hoàn thiện đường số 11. Qua đó, nâng số đường nội bản được bê tông hóa lên 80%. Theo Bí thư Đảng ủy xã, thì điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn mới.
Đáng mừng hơn cả, là qua đây, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của nhân dân trong cụm, trong bản, trong xã ngày càng được thắt chặt. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được xóa bỏ, thay thế vào đó là sự chủ động, ý chí vươn lên trong mỗi người dân.
“Bên cạnh nguồn vốn được cấp hàng năm, tới đây, chúng tôi sẽ khuyến khích và phát huy tốt hơn nữa các hoạt động xã hội hóa và huy động sức dân để khoác áo mới cho những con đường. Làm sao phấn đấu đến năm 2024 cơ bản hoàn thành bê tông hóa tất cả các tuyến đường nội bản”, ông Giang cho hay.
Theo giaoducthoidai.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật