Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới gắn với bản sắc

Thứ 6, 24/02/2023 | 10:57:36
561 lượt xem
Sau hơn 12 năm triển khai trên phạm vi cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả to lớn, toàn diện. Tuy vậy, để Chương trình này thực sự đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc của mỗi vùng miền là vấn đề đang được đặt ra đối với các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội.

Người dân xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) giữ gìn, phát triển nghề làm miến truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhiều vùng quê khởi sắc

Báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trung ương cho biết, hiện cả nước có 6.001/8.211 xã (chiếm 73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 958 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ - đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6%). Cùng với đó là 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Hà Nội là một trong những địa phương đạt kết quả cao về xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, từ năm 2021, thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã. Đến hết năm 2022, thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chưa kể, Hà Nội đã, đang thẩm định, dự kiến sẽ có thêm 50 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận đạt chuẩn trong năm 2022.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng chênh lệch lớn. Như khu vực Đồng bằng sông Hồng có 100%, Đông Nam Bộ có 92,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi đó, khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 47,5%, Tây Nguyên đạt 57,8%. Hiện tại vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%. Đáng lưu ý, đến nay còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh vẫn “trắng xã nông thôn mới". Trong đó, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã.

Bên cạnh đó, chất lượng và việc duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh, trật tự xã hội... Ở một số địa phương, không ít công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên...

Cần tiếp tục phát triển theo chiều sâu

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trung ương, năm 2023, cả nước phấn đấu có 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022); có 7-8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Chỉ đạo từ cấp Trung ương tới địa phương trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị…

Bộ NN&PTNT cũng sẽ thực hiện hiệu quả các nội dung thành phần, nhất là những chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Đối với các địa phương, khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục đưa nông thôn phát triển theo chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Mỗi địa phương sẽ có cách thức riêng để kể câu chuyện riêng, tránh rập khuôn, mặc “đồng phục”. “Nông thôn mới chính là sức sống mới của cộng đồng và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là hồi sinh sức sống của cộng đồng. Mô hình làng hạnh phúc, làng thông minh là gợi ý rất hay để các địa phương thực hiện”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Với Thủ đô Hà Nội, năm 2023, thành phố phấn đấu có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố cũng phấn đấu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nông thôn mới Hà Nội phát triển gắn với bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô văn hiến trong quá trình đô thị hóa. Hà Nội sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư để hoàn thành các mục tiêu đề ra; đồng thời huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận của các cộng đồng dân cư trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo hanoimoi.com.vn