Chủ nhật, 24/11/2024, 01:47[GMT+7]

Doanh nhân Nguyễn Lan Anh: Mong muốn giữ hồn quê

Thứ 6, 10/03/2023 | 10:42:54
14,389 lượt xem
Trồng bảo tồn những cây đặc sản, đưa cả nhà thủy đình biểu diễn rối nước và chiếng chèo về trang trại, ước mơ biến những thửa ruộng, cánh đồng của nông dân thành điểm du lịch trải nghiệm, du lịch tĩnh dưỡng... là những gì mà doanh nhân Nguyễn Lan Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Thái Bình, chủ trang trại sinh thái Đà Giang (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) đang dốc sức theo đuổi chỉ với một mong muốn cháy bỏng là giữ lấy hồn quê.

Làm nông nghiệp sạch

15 năm làm hướng dẫn viên du lịch cũng là từng đó thời gian chị Lan Anh đau đáu nghĩ về quê hương. Chị chia sẻ: Phần lớn khách hàng của tôi là người miền Nam và du khách nước ngoài. Mỗi lần đưa khách đi tham quan vùng đất Tây Nguyên, miền Đông, Tây Nam Bộ và một số nước như Nhật Bản, Singapore... thấy cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, người dân có cuộc sống sung túc, hạnh phúc nhờ phát triển du lịch tôi càng trăn trở suy nghĩ phải làm gì để đời sống của bà con quê mình cũng được nâng lên từ du lịch. Tham khảo rất nhiều mô hình ở trong và ngoài nước, năm 2019 tôi quyết định về quê thành lập doanh nghiệp, mở trang trại sinh thái.

Ngoài diện tích đất ruộng thuê, mượn của nông dân trong thôn Đà Giang, chị Lan Anh liên kết với bà con có ruộng cùng thực hiện mô hình cấy lúa theo tiêu chuẩn quy trình lúa hữu cơ - organic. Với tổng diện tích hơn 10ha, chị quy hoạch từng vùng cấy các giống lúa đặc sản. Quá trình cấy và chăm sóc lúa không sử dụng thuốc diệt cỏ, sử dụng phân bón vi sinh và phòng, trừ sâu bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học kết hợp phát triển môi trường thiên địch để diệt trừ sâu bệnh. 

Chị Lan Anh chia sẻ: Mục tiêu của mô hình này ngoài sản xuất gạo ngon, sạch cho người tiêu dùng, chúng tôi hướng đến tạo môi trường trong lành cho bà con nông dân trong quá trình thâm canh và bảo đảm an toàn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm làm nông nghiệp. 

Bà Nguyễn Thị Phương, một nông dân tâm huyết với mô hình sản xuất của chị Lan Anh và tích cực đi vận động, gom ruộng mở rộng diện tích cấy lúa hữu cơ cho biết: Từ khi tham gia mô hình cấy lúa hữu cơ tôi mới hiểu được thời gian qua bà con lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong thâm canh lúa đã đầu độc đồng đất và hại cho sức khỏe chính bản thân mình. Việc thâm canh lúa hữu cơ tuy khó và vất vả nhưng thực sự cho giá trị kinh tế cao và bền vững.

Trang trại sinh thái Đà Giang cũng là nơi triển khai trồng các loại cây hoa, dược liệu như sả, hoa cúc, bạc hà, hồng các loại… vừa tạo cảnh quan vừa làm nguyên liệu chế biến trà và tinh dầu thảo dược. Các sản phẩm như gạo, trà, tinh dầu mang thương hiệu Dazafarm của chị Lan Anh hiện được rất nhiều trường học, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt mua dài hạn và khách du lịch đón nhận như một món quà đặc trưng vùng miền.

Những sản phẩm nông nghiệp sạch của trang trại sinh thái Đà Giang được du khách đón nhận như một món quà đặc sản vùng miền.

Bảo tồn cây đặc sản

Trang trại sinh thái Đà Giang rộng hơn 3ha, phần lớn diện tích được quy hoạch trồng mít dai vàng - một giống mít thơm ngon nức tiếng, đặc sản của địa phương. Hiện cả trang trại có hơn 5.000 cây mít trưởng thành, trong đó hơn 10% số cây đã bắt đầu cho thu hoạch. 

Chị Lan Anh cho biết: Mặc dù được nhân giống từ cây mít cổ của địa phương nhưng chúng tôi vẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng quả từ đó loại bỏ cây bị biến chủng, chỉ giữ lại những cây cho quả ngon nhất để bảo tồn giống mít quý của ông cha.

Đầu tư nhiều công sức, tiền bạc và thời gian cho việc trồng mít nhưng khi cho thu hoạch chị Lan Anh chưa nghĩ ngay đến việc bán để thu hồi vốn. Thu hoạch được bao nhiêu, chị đem biếu, tặng khách đến tham quan trang trại, bạn bè ở trong và ngoài tỉnh. 

Chị Lan Anh chia sẻ: Mít dai vàng có vị ngọt mát, thơm, múi mít có màu vàng tươi và ăn dai giòn là đặc sản của Đông Hưng nhưng ít người biết đến. Chính vì vậy, chúng tôi biếu, tặng mọi người ở trong và ngoài tỉnh ăn thử để họ biết đến loài mít “tiến vua” của địa phương góp phần quảng bá thương hiệu, tạo thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho cây mít cũng như tạo ra cơ hội làm giàu cho bà con nông dân trong thời gian tới.

Xã Nguyên Xá nổi tiếng với nghề làm bánh cáy mà một trong những nguyên liệu làm nên loại bánh này chính là gạo nếp quýt, hay còn gọi là nếp cái hoa vàng được gieo cấy tại địa phương. Với mô hình sản xuất lúa organic, chị Lan Anh cũng đưa giống lúa nếp đặc sản này vào thâm canh. Sản phẩm gạo nếp quýt được đóng gói với nhiều quy cách, có nhãn mác bắt mắt, cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ hấp dẫn người tiêu dùng.

Chắp cánh cho nghệ thuật truyền thống

Đến thăm trang trại sinh thái Đà Giang, ấn tượng nhất chính là nhà thủy đình được đặt giữa hồ, ngay lối đi vào trang trại. Thủy đình xây dựng kiểu kiến trúc cổ với hệ thống kèo, cột, 8 mái, bờ nóc, đầu đao theo nguyên mẫu nhà thủy đình của phường rối nước Nguyên Xá. Đây vừa là nơi biểu diễn múa rối nước của các nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá vừa là nơi trình diễn hát chèo của chiếu chèo Phong Châu phục vụ du khách đến tham quan trang trại.

Chia sẻ về ý tưởng tái dựng công trình và tổ chức biểu diễn các loại hình văn hóa truyền thống của quê mình, chị Lan Anh bộc bạch: Là hướng dẫn viên du lịch nên tôi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, tôi thấy rằng văn hóa truyền thống của quê hương mình rất đặc sắc, rất hấp dẫn nhưng chưa được khai thác, lan tỏa rộng để mọi người biết và thưởng thức. Trăn trở về điều này, tôi quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng, phối hợp với các nghệ nhân, nghệ sĩ của địa phương tổ chức trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của quê hương phục vụ du khách. Tuy mới hoạt động được gần 2 năm nhưng đã có nhiều đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, thưởng thức, hiểu và đánh giá rất cao loại hình nghệ thuật dân gian của địa phương.

Ông Vũ Ngọc Khanh, Phó Trưởng phường rối nước xã Nguyên Xá cho biết: Chúng tôi rất vui khi liên kết, hợp tác với Công ty Du lịch Việt Thái Bình tổ chức biểu diễn rối nước ở trang trại sinh thái Đà Giang phục vụ khách du lịch. Các nghệ nhân rối nước có điều kiện biểu diễn nhiều hơn ngay tại quê hương, thu nhập cũng khá nên yên tâm, phấn khởi gắn bó với nghề và truyền dạy cho con, cháu để gìn giữ nghề của ông cha.

Cây cối sum suê, bốn mùa hoa trái, trang trại sinh thái Đà Giang đang trở thành nơi để các loại chim muông tìm về trú ngụ, tạo ra hệ sinh thái đa dạng, hấp dẫn du khách đến tham quan. Hiện nay trang trại không những thu hút du khách trong nước và nước ngoài mà còn hấp dẫn cả học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh đến trải nghiệm làm nông nghiệp, tìm hiểu nguồn gốc một số loại hình nghệ thuật truyền thống, huấn luyện một số môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bơi.

Khắc Duẩn