Thứ 4, 13/11/2024, 05:24[GMT+7]

Cọi Khê "Lọc nước lấy cái..."

Thứ 6, 30/06/2023 | 15:18:51
5,655 lượt xem
Cọi Khê là một làng cổ, dân gian vẫn quen gọi là làng Cọi, nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Cọi là xã Hội Khê, lớn vào hàng nhất nhì trong huyện Vũ Tiên (cũ). Theo tài liệu lưu trữ, dân số của làng Cọi vào năm 1927 đã có tới 5.538 người. Từ xa xưa, Cọi Khê đã được dân tứ trấn biết tới là một làng đa nghề, năng động, tinh khôn. Trong số hàng chục nghề cổ truyền ở Cọi Khê thì làm bún và hoạn lợn là hai nghề “hái ra tiền”. Sự tinh khôn của người Cọi Khê về hai nghề này từng được ví von một cách trào lộng “lọc nước lấy cái, hoạn dái lấy tiền”.

Mô hình trồng cam của nông dân xã Vũ Hội (Vũ Thư).

Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu thì làng Cọi Khê vốn có nhiều ngành nghề thủ công được hình thành khá sớm và thịnh đạt như: nghề mộc, ươm tơ kéo kén, dệt lụa, dệt vải, đan lát, làm bún, bánh, miến dong; hoạn lợn; đúc đồng, làm hàng mã… Người làng Cọi từng tự hào là các loại thợ thủ công ở ngoài làng, may ra chỉ có thợ bưng trống hoặc đóng cối xay mới có thể kiếm cơm ở làng này.

Ngoài thâm canh lúa nước, các triền đất bãi bồi màu mỡ ven sông Lạc Đạo (sông Tìm), sông Kiến Giang (sông Cọi) đã được người dân làng Cọi tận dụng trồng dâu, trồng bông, trồng đay, dong riềng... để chế tác đồ ăn, thức mặc. Phía Nam làng Cọi liền kề với làng Bộ La dệt lụa nổi tiếng. Do các quan hệ giao thoa về hôn nhân, huyết thống và phường hội với làng Bộ La nên nghề dệt ở làng Cọi Khê cũng được mở mang. Hội Lơ làng Cọi khi xưa có nhiều trò chơi, trò diễn đặc sắc ghi lại dấu ấn của nghề tằm tơ và nghề dệt. Trong hội có trò thi dệt vải bên hồ nước và trò tung kén, mang đậm sắc thái của một hội trình nghề. Để chuẩn bị cho cuộc thi, một cái sàn nhỏ đặt vừa chiếc khung cửi được dựng trên mặt hồ. Cuộc thi bắt đầu khi nghe tiếng loa đồng của ban tổ chức ra lệnh. Nếu thoi dệt không rơi xuống ao, trong thời gian dệt xong 10 tấc vải. Dệt nhanh, vải mịn bóng, không có sợi lỗi là những tiêu chuẩn cần để thắng cuộc. Ngoài trò thi dệt vải còn có trò tung kén. Kén giống y kén tằm, làm bằng những đoạn hom sắn tàu, hom dâu hoặc xoan, dài chừng 10 - 15cm, mô phỏng sinh thực khí của phái mạnh. Khi tung kén, dân trong làng, trong vùng đi xem hội tranh nhau “cướp” kén đem về cắm ra ruộng, cài lên mái nhà để trấn trạch, dắt vào né kén, nong tằm với hy vọng và niềm tin là mùa lúa, vụ tằm năm đó sẽ hanh thông.

Nghề mộc ở làng Cọi xưa thường gắn liền với nghề xây dựng nhà cửa. Một số hiệp thợ mộc, thợ nề, thợ trình tường trong làng thường kết chạ với nhau để làm nhà và xây dựng các công trình kiến trúc trong làng, trong vùng. Có hiệp thợ mộc chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng. Thuở trước, nổi tiếng nhất là các hiệp thợ mộc, thợ trình tường của các thôn Hưng Nhượng, Phú Thứ, Trung Lập. Toàn bộ các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, từ đường, gác chuông, cổng làng, trường học… của làng Cọi đều do bàn tay tài hoa của những người thợ trong làng xây dựng nên. Gia phả họ Vũ (thôn Trung Lập) hiện vẫn còn ghi danh cụ Phó Ngũ trong họ vốn là hội trưởng hội thợ mộc của làng và là thợ cả của làng.

Cũng như nhiều làng khác ở Thái Bình, với người nông dân làng Cọi xưa, vào những ngày nông nhàn, nhà nào cũng có việc làm, để tự sản xuất ra vật dụng trong gia đình như đan lát, bện chổi, xe thừng, đan võng… nhà nào làm thừa dùng thì mang ra chợ làng để bán. Một số gia đình chuyên tập trung hơn vào việc khai thác nguồn nguyên liệu của địa phương và sở trường gia truyền để sản xuất những mặt hàng tinh xảo như nghề hàng mã. Họ Trần ở thôn Đức Lân với nhiều thế hệ truyền nhau làm nghề này. Trong thời Pháp thuộc có cụ Trần Quỳnh, còn gọi là cụ Hoa man, được dân khắp các làng trong tỉnh Thái Bình biết tiếng, từng vào tận kinh đô Huế và lên Thăng Long thi tài làm đồ mã và đã giành nhiều giải Hoa man.

Nghề rèn sắt, nghề đúc kim loại (đồng, nhôm, gang) sớm hình thành ở làng Cọi, từ cổ xưa đã được cả vùng biết tiếng. Đây là một loại nghề đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, xuất hiện đầu tiên ở khu vực thôn Hiếu Thiện. Nổi tiếng nhất là các thế hệ làm nghề đúc đồng, nhôm, gang của họ Bùi, họ Đỗ ở thôn Hiếu Thiện. Thuở xưa, làng Cọi từng có nhóm người đã sang tận Trung Quốc để làm nghề hàn đồng (hàn xoong, nồi). Dân làng Cọi xưa vẫn tự hào là “Ba dãy phố khách không bằng bị rách hàng đồng”. Vào tháng hai hàng năm, dân Hiếu Thiện thường tổ chức giỗ tổ nghề gọi là Tế thánh hàn đồng.

Nghề đúc kim loại có một thời bị cấm ngăn. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều cơ sở đúc nhôm ở làng Cọi lại duy trì. Khi đồ gia dụng của Trung Quốc chưa tràn sang nhiều thì các mặt hàng đồ nhôm như ấm đun nước, xoong nhôm, chảo rán của làng Cọi tiêu thụ mạnh ở khắp các vùng quê. Những thập niên gần đây, tuy sức cạnh tranh có khó khăn nhưng nhiều hộ gia đình ở làng Cọi vẫn trở nên giàu có nhờ nghề đúc nhôm, nhiều hộ gia đình có người mang hàng nhôm từ làng Cọi vào tận những bản ấp hẻo lánh ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, phía Nam để bán hoặc đổi hàng hóa. Tính năng động, tinh khôn của làng Cọi đa nghề là thế. Trong thời bao cấp, nguyên liệu để đúc kim loại khan hiếm. Ở thôn Hiếu Thiện có ông Đỗ Văn Kha chuyên đi gom xỉ nhôm từ các bãi thải tại các cơ sở đúc nhôm đưa về vườn nhà mình luyện lại lấy nhôm mới. Kỹ xảo này ông Kha âm thầm làm một mình trong nhiều năm, vợ con, anh em ruột thịt chẳng ai được rõ. Thế mới biết, sự bí truyền trong nghề của người dân làng Cọi thật khôn lường.

Từ truyền thống đến hiện tại, người nông dân cấy lúa, trồng màu thường phải nuôi lợn để lấy phân bón ruộng. Theo thói quen, có nhà nuôi lợn giống, có nhà nuôi lợn thịt, có nhà nuôi lợn nái. Dân gian xưa đã tổng kết “Giàu lợn nái, lụn bại gà con”. Thông thường những gia đình có kinh tế tạm đủ ăn mới có thể nuôi được lợn nái. Theo kinh nghiệm, khi lợn con sinh được từ 20 - 25 ngày thì chọn những con đực để hoạn. Khi lợn mẹ sinh sản thất thường hoặc nuôi con không tốt thì phải thiến để vỗ béo rồi bán cho người giết mổ. Do đó, hoạn lợn là một trong những nghề dân gian truyền nhau từ đời này qua đời khác. Nghề hoạn lợn ở làng Cọi tuy không hẳn là một nghề phổ biến nhưng thợ hoạn lợn làng này đã được nhiều làng quanh vùng biết đến bởi họ có những “mẹo” riêng như hoạn lợn con không cần khâu hoặc thiến lợn sề chỉ cần chích nhỏ ở phía gần mông một cách khá chuẩn xác, hoạn lợn dái trong…

Các sản phẩm bún, bánh, rượu gạo, miến dong, miến gạo (bánh đa) xưa nay đã gắn liền với địa danh làng Cọi. Khắp các làng thuộc khu vực Vũ Tiên, Kiến Xương và thị xã Thái Bình đều biết đến bún Cọi nổi tiếng. Các khu vực làm bún phổ biến nhất ở làng là thôn Bình An, Năng Tĩnh và Phú Thứ, trở thành nghề gia truyền của nhiều hộ gia đình. Mâm cỗ trong hội làng truyền thống xưa cũng như mâm cỗ giỗ trong các gia đình, dòng họ ở làng này thường không thể thiếu bát canh miến được chế biến từ chính những loại miến do dân làng sản xuất ra.

Bún Cọi là một trong những món ăn khá nổi danh ở Thái Bình. Với người làng Cọi thì đây là nghề “lọc nước lấy cái” cha truyền con nối. Bún Cọi được mang đi bán khắp các chợ gần chợ xa. Nhiều người làng Cọi sinh ra và trưởng thành nhờ nghề làm bún, khi đã vào tuổi bảy mươi, tám mươi vẫn chưa hết duyên với nghề bún. Cho dù ở hoàn cảnh nào thì người dân làng Cọi vẫn say mê nghề này vì “bún lãi ba, bánh đa lãi bảy”. Cũng vì bún vừa là món ăn thông dụng vừa là một thứ quà quê mà chẳng có thứ quà nào lại có thể ăn mọi chỗ, mọi nơi, vào nhiều thời điểm sáng, trưa, chiều tối, vừa cao sang vừa dân dã, thích hợp khẩu vị nhiều người như món bún. Chẳng có thứ quà nào từ bún có thể chế ra nhiều món đến thế: bún chả, bún nem, bún thang, bún ốc, bún riêu cua, bún ngan, bún vịt, bún măng, bún sườn, bún cá, bún bò giò heo, bún mắm tôm… Những năm gần đây, làng Cọi có nhiều gia đình làm nghề bún, trong đó có những cơ sở sản xuất mang thương hiệu bún ngon nổi tiếng. Theo số liệu điền dã, bình quân mỗi ngày các cơ sở sản xuất bún trong làng sử dụng khoảng trên 2 tấn gạo chế biến bún, một năm số gạo sử dụng làm bún ở làng Cọi lên tới 600 - 700 tấn. Tận dụng phụ phẩm thừa từ làm bún, làm đậu, nấu rượu, những năm trước, chăn nuôi ở làng này khá phát triển.

Ngoài những nghề thủ công nói trên, làng Cọi còn một số nghề khác như nghề may; nghề làm gạch, ngói, nung vôi, thợ nhuộm; thợ rèn... Nghề đồng nát tuy không phải là một nghề thủ công truyền thống nhưng cung cấp nguyên liệu cho nhiều nghề thủ công, được coi là một nghề phụ có sức thu hút khá nhiều lao động ở làng Cọi vào những ngày nông nhàn.

Vốn văn hóa làng Cọi không chỉ có kho tàng kinh nghiệm thâm canh lúa nước mà còn cả một kho tàng về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Và, có lẽ đáng quý hơn cả là kho tàng kinh nghiệm, những bí quyết, bí truyền về kỹ nghệ xây dựng, làm mộc, rèn đúc kim loại, đan lát, làm bún, bánh... cùng với tính năng động tìm đến những nghề mới thích ứng với từng thời kỳ, thời điểm lịch sử.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)