Thứ 4, 13/11/2024, 06:42[GMT+7]

Phát huy giá trị tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 5, 05/10/2023 | 09:09:58
2,127 lượt xem
Ngày 4/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm.

Quang cảnh hội thảo.

Khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, 70 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang bước vào giai đoạn cuối đầy cam go, quyết liệt, để tăng cường hơn nữa sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó góp phần đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, với bút danh Đ.X, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 50 bài, đăng trong chuyên mục Thường thức chính trị, Báo Cứu quốc từ số 2253, ngày 16/1/1953 đến số 2430, ngày 23/9/1953.

Năm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) tập hợp, xuất bản thành cuốn sách lấy tên là “Thường thức chính trị”.

Đây là cuốn sách giới thiệu những tri thức cơ bản, phổ thông về chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, rất phù hợp với tâm lý, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam thời điểm bấy giờ.

Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề chủ yếu trong tác phẩm “Thường thức chính trị” như: Sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; những định hướng đúng đắn, sáng tạo về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; những nguyên lý về vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là khi trở thành đảng cầm quyền; giá trị của tác phẩm với công cuộc đổi mới hiện nay.

Các tham luận tại Hội thảo thống nhất khẳng định 70 năm đã qua nhưng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm vẫn mang giá trị to lớn và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc, đặc biệt là với công cuộc đổi mới hiện nay. Những quan điểm đúng đắn, sáng tạo trong tác phẩm về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ; về bước đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh... đã được kiểm nghiệm, minh chứng và khẳng định trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là bằng thành tựu của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua.

Việc nghiên cứu tác phẩm sẽ cung cấp phương thức truyền bá, lan tỏa chủ nghĩa Mác-Lênin; đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời cũng mang lại những cơ sở lý luận cho việc bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày