Sẵn sàng chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Xu thế tất yếu của chi trả không dùng tiền mặt
Trong xã hội ngày nay, việc chi trả và thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu thế tất yếu vì việc sử dụng tiền mặt nảy sinh nhiều bất cập. Theo bà Nguyễn Thị Mừng, Trưởng phòng Dịch vụ Marketing, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Thái Bình: Việc chi trả và thanh toán không dùng tiền mặt mang lại các lợi ích như tăng độ an toàn, tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Chuyển tiền nhanh chóng, chính xác số tiền cần thanh toán. Không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân. Bên cạnh đó, việc chi trả và thanh toán không dùng tiền mặt còn đem lại nhiều lợi ích đối với xã hội và việc phát triển kinh tế đất nước như giảm chi phí in ấn tiền, chi phí vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền...
Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt trợ cấp ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội không làm phát sinh thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nhóm đối tượng này. Khi chi trả không dùng tiền mặt thì tiền được chuyển đến người nhận rất nhanh. Thông qua ngân hàng, cứ đến đúng ngày quy định là tiền có trong tài khoản. Chi trả qua hình thức này rất minh bạch và rõ ràng vì mọi giao dịch đều được kiểm soát chặt chẽ. Điều này rất quan trọng khi đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thường xuyên biến động, nhất là số người cao tuổi, người khuyết tật, ốm đau, bệnh trọng, thay đổi nơi ở tạm trú; nếu không minh bạch rất dễ gây thất thoát tiền của nhà nước.
Là đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng, bà Vũ Thị Hà ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Kiến Xương chia sẻ: Cứ trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 15 hàng tháng là tôi lại lên hội trường UBND thị trấn để lĩnh tiền trợ cấp. Mỗi lần như vậy phải gác lại công việc, trong khi nhiều lúc chờ đợi rất lâu mới lấy được tiền, vừa mệt mỏi vừa mất thời gian. Hơn nữa hiện nay có nhiều loại chi phí hàng ngày phải thanh toán không dùng tiền mặt như tiền điện, tiền nước nên tôi nghĩ nếu được chi trả qua tài khoản ngân hàng thì sẽ rất thuận lợi cho người dân bởi tiền có sẵn trong tài khoản, tôi cũng chỉ việc ngồi nhà là có thể thanh toán các dịch vụ.
Cùng chung quan điểm với bà Hà, ông Vũ Khắc Chính ở tổ dân phố Giang Đông, thị trấn Kiến Xương cho biết: Tôi đang hưởng mức trợ cấp 720.000 đồng/tháng. Tôi thấy nếu việc chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng thì sẽ rất thuận tiện vì lắm lúc đi lĩnh tiền về nhưng cũng chưa dùng tới, nếu để trong thẻ ATM thì an toàn, lại phát sinh lãi. Đặc biệt, với những người tuổi cao và sức khỏe yếu như tôi thì rất ngại việc phải đi lại nhiều.
Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng để lĩnh trợ cấp hàng tháng.
Chuẩn bị các điều kiện cho việc chi trả
Tỉnh Thái Bình hiện có gần 60.000 lượt người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và hơn 112.400 người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Bà Nguyễn Thị Hải Hồng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg, ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030; Công văn số 3157/UBND-KGVX, ngày 12/9/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt áp dụng đối với đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Sở đã tích cực phối hợp với ngành bưu điện và ngân hàng thực hiện rà soát thông tin và mở tài khoản cho người hưởng. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đối tượng và thân nhân đối tượng về việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
Là đơn vị được lựa chọn để chi trả trợ cấp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình và Agribank Chi nhánh Bắc Thái Bình đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc chi trả.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết: Thời gian qua, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tại các kỳ chi trả hàng tháng, chúng tôi phân công nhân viên trực tiếp về các điểm chi trả để tuyên truyền, giải thích đến người dân; đồng thời, hỗ trợ và thực hiện thao tác mở tài khoản ngay nếu người dân có nhu cầu. Tính đến thời điểm này, Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã mở được khoảng 400 tài khoản cho người hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 cây ATM thuộc hệ thống Agribank, đây là điều kiện thuận lợi để người dân đang hưởng chính sách có thể dễ dàng nhận trợ cấp hàng tháng mà không cần phải đến các điểm chi trả.
Tăng cường tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn
Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt thuận tiện cho người thụ hưởng, cơ quan nhà nước và phục vụ công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, tỷ lệ người đăng ký sử dụng dịch vụ còn hạn chế. Nguyên nhân là do hầu hết người hưởng chính sách an sinh xã hội là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội nên hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin. Một số người có tâm lý không muốn ủy quyền, ủy thác cho người khác nhận hộ trợ cấp qua tài khoản. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đối tượng thụ hưởng dịch vụ không dùng tiền mặt tại các địa phương còn hạn chế. Kỹ năng thao tác trên điện thoại thông minh khiến người thụ hưởng ngại sử dụng dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Hải Hồng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để bảo đảm kế hoạch, thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt tới đối tượng thụ hưởng, người dân sinh sống trên địa bàn, tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả thực hiện. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành ngân hàng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, giao phòng chuyên môn phối hợp hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp xã khẩn trương hoàn thành việc rà soát thông tin đối tượng, đăng ký hình thức nhận trợ cấp, bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế. Đồng thời, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm đối tượng hưởng chế độ đúng, đủ, kịp thời.
Đỗ Hồng Gia
Tin cùng chuyên mục
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 17.10.2024 | 15:31 PM
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 12.10.2024 | 17:40 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số, quản lý số và quản trị số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp 17.08.2024 | 21:55 PM
- Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số 19.07.2024 | 16:06 PM
- Thành phố: Tập huấn triển khai Bộ tiêu chí danh hiệu “Công dân học tập” 17.05.2024 | 15:01 PM
- Tập huấn về thu thập dữ liệu Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 15.05.2024 | 17:35 PM
- Tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 15.04.2024 | 15:56 PM
- Nhiều thuận lợi khi khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp 10.04.2024 | 16:59 PM
- Hội thảo trao đổi kinh nghiệm, giải pháp về chuyển đổi số cho các bệnh viện 28.03.2024 | 18:33 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật