Chủ nhật, 10/11/2024, 10:07[GMT+7]

Những người đi vỡ đất

Thứ 5, 28/12/2023 | 21:24:52
10,470 lượt xem
Trong giai đoạn 1976 - 1980, với ý chí quyết tâm “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “Tổ quốc đẹp giàu, đâu cũng là quê hương”, Thái Bình có hàng nghìn thanh niên tình nguyện gia nhập các đội thanh niên xung phong (TNXP) tiền trạm xây dựng kinh tế mới tại các tỉnh phía Nam. Với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của tuổi trẻ, họ đã có những đóng góp quan trọng, góp phần tạo ra cơ sở vật chất ban đầu để các tỉnh phía Nam hoàn thành nhiệm vụ đón nhận hàng chục vạn nhân dân Thái Bình vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh đất nước.

Cày cải tiến Thái Bình đến Đăk Lăk năm 1976. Ảnh Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh cung cấp.

Ông Đặng Văn Bộ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ lúc đó là phân bổ lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước, gắn kinh tế với quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tháng 3/1976, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ban hành đề án về chuyển dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở một số tỉnh phía Nam với mục tiêu: Trong khoảng 5 - 10 năm đưa được từ 20 - 30 vạn người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Để tạo điều kiện ban đầu cho người dân vào làm ăn, sinh sống mau chóng ổn định đời sống thì phải đưa lực lượng lao động vào trước (tiền trạm) để chuẩn bị cơ sở vật chất. 

Theo thống kê, từ năm 1976 - 1980, tỉnh Thái Bình có hơn 22.000 người được đưa vào 6 tỉnh: Ðắk Lắk, Lâm Ðồng, Gia Lai - Kon Tum, Sông Bé, Kiên Giang, Thuận Hải làm tiền trạm kinh tế. Lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới là những thanh niên tình nguyện đầy tâm huyết, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh. Đây là lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, mở đường giao thông, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các vùng kinh tế mới như: khai hoang mở rộng diện tích, trồng rừng, làm thủy lợi, làm đường, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống.

Theo các quyết định của UBND tỉnh cử người đi trong thời kỳ 1976 - 1980 thì lực lượng này là lực lượng lao động tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới. Song trên thực tế, họ thực hiện công việc có nhiều điểm tương đồng với nhiệm vụ của lực lượng TNXP theo Chỉ thị số 460-TTg, ngày 23/9/1978 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ông Trần Trọng Xuyên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Vũ Thư, TNXP Tổng đội II - Đăk Lăk cho biết: Huyện Vũ Thư có gần 3.000 TNXP tiền trạm xây dựng kinh tế mới tại các tỉnh phía Nam. Thời kỳ này, tỉnh Đắk Lắk mới giải phóng, tình hình an ninh, chính trị rất phức tạp. Bọn phản động Fulro hoạt động mạnh, chúng thường xuyên tấn công vũ trang cán bộ và nhân dân, phá hoại thành quả cách mạng. Vì vậy, lực lượng TNXP vừa sản xuất vừa phối hợp với các lực lượng địa phương chiến đấu, truy quét phản động Fulro. Nhiều anh chị em bị thương, một số đã anh dũng hy sinh. Sau 3 năm, lực lượng TNXP huyện Vũ Thư đã khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích lúa nước hai vụ, lúa nương, trồng rau màu với diện tích hàng nghìn héc-ta; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, mương cấp 1, 2, 3 dẫn nước từ hồ đập Ea Súp về các cánh đồng; đắp hơn 1.000km đường giao thông, xây dựng khoảng 2.000 căn nhà, đào hơn 500 giếng nước, làm hơn 1.000 lán trại, nhà kho, sân phơi, hội trường để chuyển giao cho huyện Ea Súp đón nhân dân các tỉnh miền Bắc vào xây dựng kinh tế mới. 

Cũng theo ông Xuyên, hiện nay huyện Vũ Thư có khoảng 2.000 hộ gia đình đang sinh sống và lập nghiệp tại Đắk Lắk, trong đó có nhiều gia đình TNXP tiền trạm kinh tế mới. Họ tiếp tục tô đẹp thêm cho công sức, thành thích những ngày tiền trạm và truyền thống TNXP.

Ông Trần Văn Rân, nguyên Đại đội phó phụ trách hậu cần, Đại đội 2, Đội 4, Tổng đội 3 TNXP Kiên Giang nhớ lại: Bản thân tôi là cán bộ đoàn thanh niên, được UBND huyện Tiền Hải điều động vào vùng kinh tế mới Kiên Giang. Khi ấy đơn vị tôi đóng quân dọc bờ kênh Tám Ngàn thuộc các huyện: Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên (Kiên Giang). Nơi đây là vùng chua mặn, mọc đầy lau sậy. Mùa mưa cả vùng là biển nước mênh mông, mùa khô thì nước ở các kênh rạch toàn là nước chua phèn không thể dùng được. Bên cạnh đó, bọn phản động tìm cách chia rẽ, chống phá. Cơ sở vật chất không có, thời tiết không thuận lợi nhưng với ý chí, nghị lực, chúng tôi đã vượt qua khó khăn khai hoang hàng nghìn héc-ta, đào hàng trăm ki-lô-mét kênh dẫn nước, đào đắp tôn cao hàng nghìn nền nhà để đón nhân dân đến lập nghiệp.

Lãnh đạo các cấp hội cựu thanh niên xung phong thăm mô hình của cựu TNXP - tiền trạm xây dựng kinh tế mới xã Hùng Dũng (Hưng Hà).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phần lớn lao động tiền trạm đã trở về Thái Bình, một bộ phận ở lại các tỉnh phía Nam sinh cơ, lập nghiệp. 

Theo ông Đặng Văn Bộ: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 12.700 hội viên cựu TNXP - tiền trạm xây dựng kinh tế mới. Các cựu TNXP đang tích cực thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào cựu TNXP làm kinh tế giỏi và vì nghĩa tình đồng đội; tham gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đến nay, hầu hết cựu TNXP - tiền trạm xây dựng kinh tế mới được hưởng trợ cấp một lần. 

Hội Cựu thanh niên xung tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tặng quà tri ân các cựu TNXP - tiền trạm xây dựng kinh tế mới.

Tuy nhiên, các cựu TNXP đều tuổi cao, sức yếu, đa số kinh tế khó khăn nên rất mong muốn được hưởng bảo hiểm y tế 100% như các đối tượng người có công khác; được trao tặng kỷ niệm chương TNXP để ghi nhận quá trình cống hiến của lực lượng này.

Xuân Phương