Chủ nhật, 10/11/2024, 05:36[GMT+7]

Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh

Thứ 6, 26/04/2024 | 13:47:11
4,814 lượt xem
Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, với tuổi đời gần 700 năm, 2 cây đại cổ tại chùa Phúc Sơn, làng Đồng Đại, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc gắn liền với đời sống và công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của người dân địa phương.

Hai cây đại tại chùa Phúc Sơn không chỉ cổ mà còn có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao.

Video: 250424-_2_cay_dai_co_-_Web.mp4?_t=1714105880

 

Tương truyền, chùa Phúc Sơn do bà Đỗ Thị Khương, hoàng hậu của vua Lý Nam Đế cho khởi dựng từ thế kỷ thứ VI, ban đầu quay về hướng Bắc. Đến thế kỷ thứ XIV, vua Trần Minh Tông cùng Đôn từ Hoàng Thái Phi về chùa cầu tự, đã đắc tự, sinh được hoàng tử Trần Kính, sau này trở thành vua Trần Duệ Tông (trị vì từ năm 1372 - 1377). Khi lên ngôi, vua Duệ Tông cho xây dựng lại ngôi chùa to đẹp hơn, cửa quay về hướng Nam. Trải qua thời Trần, Lê, Nguyễn, ngôi chùa vẫn nổi tiếng to đẹp, linh ứng. Năm 1685 chùa được đại trùng tu lần thứ nhất. Từ đó đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Lê, Nguyễn và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2002.

 Hai cây đại cổ tại chùa Phúc Sơn được công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2014.

Đặc biệt, gắn liền với ngôi chùa là truyền thuyết về 2 cây đại cổ thụ được trồng hai bên cửa chùa. Theo sử sách lưu truyền lại, vào thế kỷ XIV, vợ chồng ông Hoàng Văn Thạnh và bà Phạm Thị Hạnh là người Trung Quốc nhưng thường xuyên buôn bán, sinh sống tại Việt Nam, nghe tiếng chùa Phúc Sơn linh ứng, đã tìm đến chùa xin cầu tự, sau đó may mắn sinh được con trai. Năm Canh Thìn 1348, vợ chồng ông Thạnh đã mang 2 cây đại từ chùa Non Nước (Ninh Bình) về chùa Phúc Sơn trồng nhằm tri ân công đức với chùa.

Gần 700 năm qua, 2 cây đại đã chứng kiến bao buồn vui, thăng trầm của người dân địa phương, đặc biệt, truyền thống đấu tranh anh dũng của người dân Đồng Đại xưa. 

Ông Đỗ Mạnh Hải, 89 tuổi, thôn Đồng Đại 2, xã Đồng Thanh kể lại: “Trong kháng chiến chống Pháp, trên ngọn 2 cây đại có một cái chòi viễn tiêu và treo kẻng báo động của du kích, hàng ngày truyền thanh tin tức của làng, của xã và báo động để cho nhân dân biết. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Phúc Sơn và dưới 2 gốc đại cổ cũng là nơi các bô lão và dân làng đan lồ, chở thóc vào chiến trường hoặc nhận vũ khí ở chiến trường chuyển về các nơi có du kích”'.

80 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng, đảng viên Nguyễn Quang Viên, thôn Đồng Đại 1, xã Đồng Thanh nhắc lại chuyện xưa: Ngôi chùa Phúc Sơn và 2 cây đại là một trong những biểu tượng gắn liền với Chi bộ đầu tiên và Đảng bộ xã Đồng Thanh. Xưa kia, hầu hết các sự kiện quan trọng của cấp ủy, chính quyền xã Đồng Thanh đều diễn ra tại ngôi chùa này. 2 cây đại cổ được chứng kiến nhiều sự kiện cách mạng và nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng từ xa xưa. Mỗi lần ra chùa, ngắm đôi cây đại cổ của làng, tôi cảm thấy tâm mình rất bình an, thanh thản.

Chùa Phúc Sơn và hai cây đại cổ gắn liền với đời sống tinh thần của người dân.

Ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, 2 cây đại cổ ở chùa Phúc Sơn được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật bởi dáng thế đẹp, gốc xù xì độc đáo, tán lá có diện tích bao phủ hàng chục mét vuông mỗi cây, hoa nở rộ khi đến mùa. 2 cây đại cổ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận, vinh danh là cây di sản Việt Nam năm 2014.

Bà Phạm Thị Tuyến, thôn Đồng Đại 3, xã Đồng Thanh chia sẻ: Người dân Đồng Thanh chúng tôi rất tự hào về 2 cây đại cổ của quê hương. Dù đi đến nơi đâu, trong trái tim chúng tôi vẫn luôn lưu giữ hình ảnh 2 cây đại cổ của làng. Chúng tôi luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ 2 cây quý của làng.

Do ảnh hưởng của 1 trận bão, cách đây mấy năm, 1 trong 2 cây đại đã bị gãy 1 cành lớn, tuy nhiên bà con đã kịp thời bảo tồn, ươm trồng cành gãy đó trở thành 1 cây mới. 

Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh cho biết, với tuổi đời cao, việc bảo tồn, chăm sóc 2 cây đại cổ hiện gặp nhiều khó khăn. Địa phương đã thành lập Ban quản lý di tích, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, trong đó có việc quản lý, bảo vệ 2 cây di sản. Hàng tháng, dân làng, tín đồ, Phật tử thường xuyên dọn dẹp khuôn viên chùa, chăm sóc, tỉa bỏ lá già, kiểm tra sâu bệnh của 2 cây di sản. Hàng ngày, các già ở chùa quan tâm bảo vệ cây, nhắc nhở, phòng ngừa trẻ em trèo nghịch, bẻ cành, hái lá. Mặc dù 2 cây đại rất nhiều tuổi đời nhưng may mắn là 2 cây hầu như không bị sâu bệnh. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ, giữ gìn thật tốt 2 cây di sản của quê hương để con em, dân làng, các thế hệ mai sau được biết đến.

Gắn liền với đời sống tinh thần của người dân, 2 cây đại cổ mang linh hồn của làng quê Đồng Thanh, đồng thời là biểu tượng của sự trường tồn, sức sống mãnh liệt, tinh thần kiên trung, yêu nước của người dân nơi đây.

Quỳnh Lưu