Chủ nhật, 10/11/2024, 05:48[GMT+7]

Lãi suất tiết kiệm có thể đã chạm đáy

Thứ 3, 30/04/2024 | 06:35:48
2,743 lượt xem
VNDirect cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy xong khó có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian ngắn.

Trong báo cáo phát đi, VNDirect cho biết tính đến ngày 28/3/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống 4,63%/năm, giảm thêm 0,07 điểm % so với cuối tháng 2 và khoảng 0,31 điểm % so với cuối năm 2023. 

VNDirect đánh giá tốc độ giảm lãi suất huy động chậm lại trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 3/2024 do tỷ giá tăng và áp lực lạm phát quay trở lại. Mặt khác, nhu cầu tín dụng còn yếu nên chưa gây áp lực lên nền lãi suất huy động và cho vay. Tính đến ngày 31/3/2024, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng nhẹ so với đầu năm theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước. 

"Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy nhưng sẽ chưa tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất là trong quý tới, do kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải", VNDirect dự báo.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) trong những phiên giao dịch gần đây khi nhu cầu tín dụng hồi phục trong tháng 3 nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt thanh khoản cục bộ trong hệ thống ngân hàng. Cùng với đó là duy trì lãi suất liên ngân hàng ở vùng hợp lý, tránh tăng nóng; đảm bảo mục tiêu hỗ trợ tỷ giá và tránh gây nhiều áp lực làm tăng lãi suất huy động, cho vay. 

Về lãi suất cho vay, theo VNDirect, các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa giảm thêm (dù không lớn) nhờ đã tiết giảm chi phí vốn sau đợt giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024.

Cập nhật biểu lãi suất ngân hàng ngày 19/4 cho thấy lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn tiếp tục có xu hướng tăng. Theo đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày hôm nay với mức tăng phổ biến từ 0,2 - 0,3%/năm tùy kỳ hạn.

Cụ thể, VPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 1 - 5 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn 1 tháng lên niêm yết ở mức 2,7%/năm, trong khi ở kỳ hạn 2 - 5 tháng là 3%/năm; tăng từ 0,2 - 0,3%/năm so với trước đó.

Lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn còn lại được VPBank giữ nguyên ở mức 4,2%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng; 4,8%/năm cho kỳ hạn từ 12 - 18 tháng và 5,2%/năm cho kỳ hạn từ 24 - 36 tháng.

Ngoài ra, VPBank còn cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và cộng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên…

Xu hướng tăng lãi suất thậm chí còn diễn ra ở cả ngân hàng lớn thuộc nhóm Big 4. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, với mức tăng từ 0,2 - 0,4%/năm.

Liên quan đến những biến động lãi suất, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc tăng lãi suất tiết kiệm sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… đang có tín hiệu phục hồi và thu hút dòng tiền trở lại, việc tăng lãi suất để tăng khả năng cạnh tranh về vốn cũng được các ngân hàng lưu tâm.

Tuy nhiên, mặt bằng chung của lãi suất huy động có thể không tăng quá nhiều trong vài tháng tới. Bởi lẽ, chủ trương lãi suất cho vay ở mức thấp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng sẽ cần tính toán lãi suất ở mức hợp lý.

Theo vtv.vn