Thứ 7, 23/11/2024, 17:57[GMT+7]

Hương ước xưa ở Thái Bình

Thứ 2, 15/07/2024 | 09:07:49
17,924 lượt xem
Hương ước là lệ làng thành văn của mỗi làng xã, thường có các tên gọi khác nhau như: hương ước, tục lệ, khoán ước, hương lệ, giáp lệ, phường lệ... Các bản hương ước thành văn viết bằng chữ Hán, chữ Nôm từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX của các làng thường gọi là tục lệ để phân biệt với hương ước viết bằng chữ quốc ngữ biên soạn từ năm 1921 đến những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thường gọi là hương ước cải lương vì biên soạn theo chủ trương cải lương hương chính của chính phủ bảo hộ.

Trang bìa hương ước làng Kỳ Nhai, tổng Phúc Khê, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình năm 1936.

Những bản hương ước có niên đại sớm nhất của các làng xã ở Việt Nam ra đời vào thời gian nào chưa rõ, chỉ biết là vào thời Hồng Đức (1460 - 1497) vua Lê Thánh Tông đã từng ra chỉ dụ về việc biên soạn và thi hành hương ước. Cho đến nay, phần lớn các bản hương ước chữ Hán, chữ Nôm của các làng xã ở Thái Bình đã sưu tầm được qua các thời kỳ còn đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam và hiện chưa được dịch để giới thiệu rộng rãi. 

Đầu thế kỷ XX, để khắc phục tình trạng đối lập giữa làng xã với nhà nước nửa phong kiến, nửa thực dân, một cuộc “cải lương hương chính” được tiến hành cùng với hướng dẫn của chính phủ bảo hộ về biên soạn hương ước. Tuy nội dung quy định, số lượng chương, điều trong hương ước cải lương của mỗi làng có khác nhau nhưng về cơ bản đều được biên soạn theo quan niệm: “Có nước phải có làng, mà nhiều làng họp lại thành nước. Nước phải có luật lệ, làng phải có hương ước, đó là lẽ đương nhiên... Hương ước là chi lưu của quốc luật, là phong tục của nhân dân, thời gian thay đổi, dân trí mở mang, cổ kim đông tây bất cứ tục lệ nào cũng phải tuỳ thời canh cải để phù hợp với trình độ hiện thời...”. 

Về bố cục và những vấn đề được quy định trong các bản hương ước cải lương thường có các nội dung sau: - Những quy ước về ranh giới, lãnh thổ của làng. 

- Những quy ước liên quan đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. - Cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng xã. 

- Việc bảo đảm nghĩa vụ với Nhà nước. 

- Về văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng. 

- Những hình thức xét xử của lệ làng. 

- Việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung và bảo quản, duy trì hương ước. 

Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, số các làng xã của tỉnh Thái Bình là 810 làng. Từ năm 1920 đến năm 1944, lúc co lại là 802 làng, lúc dãn ra là 820 làng nhưng chỉ có 443 làng còn hương ước lưu trữ ở Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam. 

Về niên đại biên soạn, những bản hương ước viết bằng chữ quốc ngữ sớm là vào những năm 1921 - 1924, muộn vào những năm 1942 - 1943, còn chủ yếu được soạn vào các năm 1935 - 1936 theo chỉ đạo tập trung của nhà nước bảo hộ Pháp. 

Qua số hương ước của các làng xã thì thấy mỗi phủ huyện chỉ đạo việc biên soạn hương ước một cách khác nhau. Trong cùng một huyện thì các làng xã cũng có cơ cấu về số chương, số điều chi tiết khác nhau, thứ tự những vấn đề được quy định cũng được sắp xếp theo trật tự khác nhau. 

Số chương điều trong các hương ước tùy thuộc vào những nội dung cụ thể được đề cập tới mà nhiều ít khác nhau. Hương ước làng Phương Cúc (Thái Thụy) có tới 175 điều nhưng chỉ có 12 chương. Hương ước của làng Tô Đàm (Quỳnh Phụ) có 102 điều nhưng thành 30 chương. Hương ước làng Kỳ Nhai (Thái Thụy) chỉ có 12 điều quy định. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, số bản hương ước có dưới 20 điều quy định chiếm khoảng 8 - 10%, số hương ước có từ 50 điều quy định trở lên chiếm xấp xỉ 30%, còn lại là từ 20 - 50 điều quy định. 

Hương ước cải lương được biên soạn theo chỉ đạo của nhà nước bảo hộ Pháp, nhưng nội dung quy định trong mỗi làng thường khác nhau theo phương châm: “Hương ước chỉ biên chép các phong tục riêng và ấn định những điều tiểu tiết trong làng. Còn việc chính trị nhất nhất phải tuân theo nghị định và pháp luật hiện hành của chính phủ”. Từ phương châm này cũng đủ để lý giải tại sao hương ước cùng song song tồn tại với luật pháp của nhà nước và cũng góp phần để giải tỏa những băn khoăn tại sao hiện nay đã có hiến pháp, pháp luật của nhà nước lại vẫn cần thiết duy trì hương ước trong các thôn làng. 

Chương thuế khóa mỗi làng quy định cách thu thuế của làng mình để làm nghĩa vụ với nhà nước. Ngoài những điều quy định về trách nhiệm của người dân phải nộp thuế còn có những điều quy định chống phụ thu lạm bổ của các chức sắc, tuần đinh làm nhiệm thu thuế. 

Chương tạp dịch phần lớn các làng quy định đinh tráng trong làng từ 18 đến 49 tuổi phải lo công việc tạp dịch của làng. Những người học hành đỗ đạt và chức sắc được miễn tạp dịch. 

Chương tuần phòng, hương ước các làng thường quy định các vấn đề cụ thể về trách nhiệm của phó lý, trương tuần và những người tham gia tuần phòng, chế độ thưởng phạt. Phần nhiều quy định công tuần phòng bằng việc thu lúa sương, khi xảy ra mất tài sản các công dân thì tuần phu và trương tuần phải đền. Phải khi có trộm cướp, ai bắt được thì được thưởng tiền và vị thứ, mức thưởng đối với dân bao giờ cũng cao hơn, có khi gấp đôi, gấp ba so với chức sắc và trương tuần. 

Chương trợ cứu, phần nhiều hương ước quy định tương đối giống nhau về cách phòng cứu hỏa hoạn, lụt lội và bắt trộm cắp. 

Chương của công làng xã và quân cấp công điền ghi những bất động sản công cộng của làng như đình, chùa, đền, miếu, đồ tế khí và ruộng công. Nhiều hương ước quy định khá chi tiết cho việc phân chia ruộng công bảo đảm tính dân chủ trong làng xã. Nhiều hương ước còn quy định việc bảo vệ đường sá, giếng làng như cấm được buộc trâu bò và trồng cây trong vườn để thò lò cành lá ra ngoài đường. Cấm dịch dậu lấn đường. Ruộng ở chân đường không được vạc xuống làm hỏng đường... 

Chương đình đám tiết lệ mỗi hương ước quy định một cách khác nhau theo tập tục riêng của từng làng. Chương khao vọng cũng mỗi làng có kiểu quy định riêng khao vọng khi đỗ đạt khi nhận chức, khi lên lão, khi đẻ con trai, khi nhận phẩm hàm... 

Chương phong tục riêng thường gói gọn cả tục lên lão, phạt vạ khi con gái hoang thai, việc tang tế... Hầu hết hương ước của các làng xưa đều dành một chương hoặc một điều mang tên “Sự học” để quy định về việc cha mẹ có con 7 hoặc 8 tuổi phải cho đi học. Có bản hương ước quy định: nếu những con nhà nghèo quá không có bút giấy thì làng sẽ tìm một khoản tiền gì để cấp bút giấy cho những đứa trẻ ấy. 

Tóm lại, về nội dung quy định trong hương ước thuở trước mỗi làng mỗi vẻ, tổng hợp chung có tới hàng trăm vấn đề khác nhau được các làng quy định. Dù phần chương mục khác nhau nhưng có thể dễ tìm thấy ở mục nào cũng có điểm cần kế thừa bởi tính tích cực của nó. Ví dụ công khai việc bầu cử, việc chi tiêu, quy định về việc học, việc tang ma, cưới xin, việc khuyến nông, bảo vệ sản xuất, giữ gìn trật tự an ninh... theo nguyên lý: “Có nước phải có làng, nhiều làng mới thành nước, nước có luật lệ, thời chính trị mới hay, làng có khoán ước, thì phong tục mới tốt, đất lề quê thói, lệnh vua phép làng, nhẽ thường xưa bao giờ cũng vậy... chọn những điều hay, trừ những thói dở, châm chước cho hợp thời làm thành hương ước”. 

Việc kế thừa và phát huy giá trị của hương ước xưa, không chỉ là việc gạn đục khơi trong để kế thừa những hình thức quy định mang yếu tố tích cực mà còn là và chính là kế thừa và phát huy cách quy định, cách duy trì hương ước để khơi dậy và nhân lên tính tự chủ, tự quản trong mỗi cộng đồng làng xã và tránh được bệnh hình thức soạn hương ước để lấy lệ, hương ước thôn này na ná với thôn kia mà chẳng mấy ai hào hứng quan tâm.

NGUYỄN THANH
(Vũ Quý, Kiến Xương)