Thứ 6, 20/09/2024, 04:25[GMT+7]

Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại bền vững

Thứ 2, 12/08/2024 | 21:07:24
14,844 lượt xem
Những năm gần đây các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, cải tạo những vùng đất, mặt nước trước đây có giá trị sản xuất thấp trở thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả. Đồng thời, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ.

Hệ thống chuồng trại nuôi lợn của gia đình ông Trần Đức Thiệm, xã Điệp Nông (Hưng Hà) được giám sát từ xa bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Làm giàu nhờ phát triển trang trại

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có nhiều trang trại chăn nuôi gà phát triển với quy mô khác nhau, trong đó trang trại chăn nuôi gà của Phạm Anh Tuấn, xã Quỳnh Hoàng là mô hình có nhiều điểm riêng biệt so với các trang trại chăn nuôi gà khác trên địa bàn. Đó là anh Tuấn đã tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật nuôi gà trên cát để áp dụng trong chăn nuôi của gia đình. 

Anh Tuấn cho biết: Năm 2014, tôi đầu tư xây dựng khu chăn nuôi với 6 chuồng nuôi, tổng diện tích 4.000m2 tại vùng chuyển đổi quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã. Để bảo đảm chăn nuôi hiệu quả, ít dịch bệnh tôi đã tập trung chú trọng nuôi gà trên cát và nguồn thức ăn hữu cơ, đặc biệt vào giai đoạn từ 45 ngày đến xuất bán, nên giúp tăng hệ miễn dịch cho gà. Hệ thống máng ăn, máng uống được thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của gà nên dụng cụ luôn sạch sẽ, kích thích gà ham ăn, mau lớn, hạn chế nguồn bệnh trên gà, tạo môi trường tốt cho hệ đường ruột phát triển khỏe mạnh. Hiện tôi duy trì nuôi 8.000 con gà thịt/lứa. Nuôi gối lứa trên các chuồng nuôi khác nhau nên mỗi tháng xuất bán ra thị trường khoảng 3.000 con gà, trọng lượng từ 2 - 2,5kg, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

Thiệm trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã Điệp Nông (Hưng Hà) nhờ vào phát triển chăn nuôi lợn. Từ hộ chăn nuôi nhỏ, anh Thiệm đã mở rộng diện tích chuồng trại trên 3ha và nuôi khoảng 5.000 con lợn thịt, trên 500 con lợn nái. 

Anh Thiệm chia sẻ: Chăn nuôi lợn quy mô trang trại, việc kiểm soát chất lượng con giống, nhất là an toàn dịch bệnh được bảo đảm hơn chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, đàn lợn được tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, người chăn nuôi ra, vào trang trại được khử trùng, tránh lây lan dịch bệnh. Do áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên đàn lợn nuôi ở trang trại phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Mỗi năm trang trại của tôi cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn lợn thịt, cho thu nhập 4 - 5 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. 

Thành công từ trang trại của gia đình anh Thiệm tiếp tục khẳng định hiệu quả bền vững của mô hình chăn nuôi được đầu tư hiện đại, theo hướng an toàn sinh học.

Phát triển kinh tế trang trại bền vững

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có 2.390 trang trại, trong đó quy mô nhỏ 1.871 trang trại, quy mô vừa 466 trang trại; quy mô lớn có 53 trang trại. 

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó mở ra hướng làm giàu cho người nông dân. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại còn có một số khó khăn như: Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Đa phần các trang trại thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lớn. Để bảo đảm phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại. Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, điện, hệ thống xử lý môi trường... các vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động để phát triển các mô hình kinh tế trang trại hợp lý. Tiếp tục đúc rút kinh nghiệm thực tế, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cho kinh tế trang trại phát triển. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho trang trại. Các cơ quan quản lý nhà nước tích cực hỗ trợ nông dân, các tổ chức đại diện cho nông dân phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đến nay đã có nhiều sản phẩm chăn nuôi theo mô hình trang trại được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: trứng vịt biển và vịt thịt biển Đông Xuyên của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên đạt 4 sao; trứng gà ri Thái Bình của cơ sở sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết đạt 3 sao; trứng gà của HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình đạt 3 sao; tằm thương phẩm của HTX Vũ Hồng đạt 3 sao; trứng gà Tuấn Hưng của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và sản xuất An Thái Dương đạt 1 sao. Việc công nhận sản phẩm chăn nuôi đạt OCOP giúp nâng tầm giá trị của các con vật nuôi đặc sản của các hộ nông dân, đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Chăn nuôi gà trên cát của hộ nông dân huyện Quỳnh Phụ góp phần giảm dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để kinh tế trang trại phát triển theo hướng bền vững, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên ngành của các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các trang trại, các hộ nông dân để giúp người dân biết cách lựa chọn, sử dụng con giống tốt, phát triển đàn vật nuôi quy mô lớn. Tích cực mở các lớp tập huấn, hội thảo, làm tốt công tác khuyến nông, phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức quản lý tốt chất thải và nguồn thải nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông thôn, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và sức khỏe cho cả cộng đồng.

Mạnh Thắng