Thứ 6, 15/11/2024, 01:45[GMT+7]

Nguyễn Thúc Khiêm: Tác gia chèo kiệt xuất, chí sĩ yêu nước kiên trung

Thứ 2, 11/11/2024 | 08:03:03
2,947 lượt xem
Nguyễn Thúc Khiêm (1878 - 1941), tự Ngọc Liễn, biệt danh Hoàng Sơn, quê làng Hoàng Nông, nay thuộc xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, là con trai Nguyễn Đình Tốn (Bang Tốn). Đỗ Tú tài khoa Nhâm Tý (1912), nên thường gọi Tú Khiêm. Từng tham gia phong trào Việt Nam quang phục hội. Sự nghiệp không thành, ông chuyển sang làm nghệ thuật. Do có nhiều hoạt động cổ súy lòng yêu nước, chống ngoại xâm nên ông bị thực dân Pháp bắt, đày lên nhà ngục Sơn La và đã tuẫn tiết trong nhà ngục vào năm 1943.

Hai trong số các tác phẩm của Nguyễn Thúc Khiêm. Ảnh tư liệu

Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, Nguyễn Thúc Khiêm hợp tác với Nguyễn Đình Nghị (quê Hưng Yên) chấn hưng nghệ thuật chèo. Ông được đánh giá là một trong hai tác gia chèo lớn nhất xuất hiện vào đầu thế kỷ XX. Trong số hơn 40 tác phẩm của ông được xuất bản, đáng chú ý là các vở chèo: “Cái kiến mà kiện củ khoai”, “Chuột sa chĩnh gạo”, “Nuôi bạn thay chồng”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Kiều Vân ký thác”, “Trát nặng lời thề”, “Nghĩa bộc báo chủ”... Ông còn viết cả truyện thơ: “Quả phụ ngâm”, “Sự tích Mạc Đĩnh Chi”, “Tam hợp uyên ương”, “Chuyện đồng tiền Vạn Lịch”, “Trạng Khiếu”, “Trạng Lợn” và nhiều ca khúc khác.

Khoảng ba thập niên đầu thế kỷ XX, ở Hà Nội có hai rạp hát lớn, đó là rạp Sán Nhiên Đài (nay là số 50 Đào Duy Từ) và rạp Quảng Lạc (nay là số 8 Tạ Hiện). Hai rạp này đã chiêu tập được nhiều đào kép nổi tiếng từ 3 miền Bắc, Trung, Nam về biểu diễn, nhưng vào những năm 1920 - 1925, thị hiếu của khán giả sân khấu thủ đô đã bị tác động bởi văn minh phương Tây và luồng văn hóa mới “gió Âu mưa Á”. Các tích chèo cổ mang tính kinh điển như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên... với những nghệ nhân tài danh sắm vai vẫn không còn cuốn hút được người xem. Các tích tuồng cổ như Sơn Hậu, Lã Bố, Điêu Thuyền, Triệt Giang phù A Đẩu... cũng không còn hấp dẫn. Trước tình trạng đó, sự xuất hiện của Nguyễn Thúc Khiêm và Nguyễn Đình Nghị như một sự cứu cánh. Hai ông đã trở thành người cộng tác đắc lực và tạo nên xu hướng đổi mới của các rạp hát ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX.

Là người am tường về chèo cổ, nhưng biết rất rõ thị hiếu của khán giả thị thành tại thời điểm đó là thích sân khấu phải sôi động, vui nhộn, gây cười nên Nguyễn Thúc Khiêm đã cải biên các tích chèo, tích tuồng cổ thành vở diễn mới. Vẫn là tích cũ nhưng ông đã đưa vào các làn điệu của nghệ thuật khác cho vui trò, sáng tạo ra một loại chèo mới là chèo cải lương. Với những thành công trong việc thu hút khán giả thị thành đến với rạp hát bằng chèo cải lương, Nguyễn Thúc Khiêm là người đi tiên phong đưa chèo từ dân gian đến với sân khấu chuyên nghiệp.

Nguyễn Thúc Khiêm không chỉ là một soạn giả sân khấu với các loại hình chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch thơ mà ông còn là một nhà phê bình sân khấu với nhiều bài viết sắc sảo. Khi cộng tác với hai rạp hát lớn ở Hà Nội ông không chỉ là tác giả, đạo diễn mà còn trực tiếp đóng vai, nhắc vở.

Tại rạp Sán Nhiên Đài, những vở diễn rất ăn khách của Nguyễn Thúc Khiêm như “Oan bề Thị Kính”, “Nỗi lòng khôn tỏ”, “Châu Long toàn bích”, “Chuột sa chĩnh gạo”, “Cái kiến mà kiện củ khoai”... đã là một hiện tượng lạ của sân khấu Hà Thành vào những năm đang trầm lắng.

Tại rạp Quảng Lạc, Nguyễn Thúc Khiêm không chỉ là soạn giả cho rạp mà còn là một diễn viên tuồng thực thụ với vai chúa Nguyễn trong vở “Nguyễn chúa phò Hoàng”. Cũng tại rạp Quảng Lạc, ông còn vào vai ông Tú ngâm thơ và hát đối đáp trong vở tuồng “Già trẻ cùng chung một mối tình”...

Sinh ra trong gia đình yêu nước, mang nặng mối thù nhà nợ nước, Nguyễn Thúc Khiêm sớm tìm đến các hoạt động nhằm chống lại chính phủ bảo hộ. Ông là một trong những người đi tiên phong tham gia phong trào “Chấn hưng dân trí” ở Hà Nội. Bằng sở trường và tài năng của mình về sáng tác theo khuynh hướng đổi mới, các tác phẩm của ông đã tác động trực tiếp khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc. Các vở chèo cải lương, như “Cái kiến mà kiện củ khoai”, “Chuột sa chĩnh gạo”... của ông làm cho khán giả hà thành thích thú bởi những câu hát rất thâm thúy và hợp thời và có tác dụng cổ vũ dân chúng chống lại chính phủ bảo hộ. Đương nhiên, những hoạt động của ông không qua mắt được bọn mật thám Pháp, chúng đã cử người theo dõi và ông đã bị truy lùng gắt gao.

Năm 1931, ngay sau khi công diễn vở chèo “Kêu giời rằng oan”, Nguyễn Thúc Khiêm và Nguyễn Đình Nghị đều bị bắt. Sau đó nhờ sự can thiệp của một số quan chức ở Hà Nội và sự gom tiền lo lót của các chủ rạp, hai ông được thả ra nhưng chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân. Để giám sát ông, chính quyền bảo hộ đã cử một tên mật thám người Việt theo dõi, bám sát Nguyễn Thúc Khiêm. Tên mật thám này đã hai lần dùng thuốc độc để đầu độc ông và gia đình nhưng cả hai lần đều không thành công.

Mặc dù hai lần bị mật thám Pháp ngầm cho người ám hại nhưng không làm lay chuyển được ý chí và nhiệt huyết yêu nước, chống xâm lăng của Nguyễn Thúc Khiêm. Ông vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động trong phong trào “Chấn hưng văn hóa” và sáng tác kịch bản sân khấu, vẫn lên sân khấu biểu diễn. Chính quyền bảo hộ bèn ra lệnh ngăn cấm Nguyễn Thúc Khiêm sáng tác, trục xuất khỏi Hà Nội về quê và chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân vì: “Lão trùm chèo Lý Nghị (tức Nguyễn Đình Nghị), lão soạn giả Nguyễn Thúc Khiêm nghe cộng sản xúi giục viết những vở chèo hô hào chống chính phủ bảo hộ”.

Năm 1940, Nguyễn Thúc Khiêm về Thái Bình hoạt động. Tại quê hương, Nguyễn Thúc Khiêm đã tổ chức diễn tuồng và tiếp tục sáng tác những vở chèo với nội dung đả kích bọn tay sai bán nước, khích lệ tinh thần chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời với việc sáng tác và tổ chức biểu diễn, ông đã đến nhiều nơi tuyên truyền, cổ vũ các hoạt động chống Pháp bằng các hình thức khác nhau và lại bị bắt lần thứ hai. Thực dân Pháp khép ông vào tội “chống chính phủ bảo hộ”, kết án tù chung thân, đưa ông lên giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi đày lên nhà tù Sơn La. Hai người con của Tú Khiêm theo cha chống Pháp cũng bị thực dân Pháp bắt giam. Người con đầu là Nguyễn Bạch Nhất, người con thứ ba là Nguyễn Bạch Tam, cả ba bố con đều bị khép tội “chống chính phủ bảo hộ” và là tù chính trị bị đày lên Sơn La. Bạch Nhất, Bạch Tam đã được tuyên truyền giác ngộ, được kết nạp vào Đảng cộng sản ngay trong ngục tù Sơn La. Nguyễn Thúc Khiêm bị giam chung với những tù nhân mang “số đỏ”, là ký hiệu người tù mang hai án chung thân. Trong ngục tối, Nguyễn Thúc Khiêm vẫn hát chèo, ngâm thơ khích lệ các tù nhân hãy giữ vững ý chí.

Năm 1943, Nguyễn Thúc Khiêm tuẫn tiết tại nhà tù Sơn La. Trong tác phẩm “Chí sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Thúc Khiêm” (Nhà xuất bản Văn hóa - 1996), tác giả Lê Thanh Hiền đã ghi lại hồi tưởng của Phạm Học Hải (1903 - 1996): “Khi được điều về tòa án Hà Nội làm thẩm phán rồi chánh án, phải tiếp xúc với nhiều mối quan hệ công việc, có giao lưu quen biết ông cử nhân Nguyễn Can Mộng, người quê tỉnh Thái Bình, làm ở phòng báo chí phủ Thống sứ Bắc kỳ. Một hôm ông cử đến nhà riêng gặp tôi vẻ thận trọng, ngỏ ý nhờ tôi xin ân xá cho người em con chú tên là Nguyễn Thúc Khiêm bị giam cầm tại ngục Sơn La đã 5 năm, nay tuổi cao sức yếu, nghe tin bệnh tật hiểm nghèo, khó có thể kéo dài năm tháng nơi khổ ải rừng thiêng nước độc. Tôi đột ngột nhận tin ông tú Khiêm mà không hiểu nguyên cớ vì sao. Trước đây, ở Hà Nội chúng tôi thân tình với nhau, chưa từng nghe ông tú Khiêm nói có người anh con bác có học vấn đỗ đạt làm việc ăn ý với chính phủ bảo hộ, kể cũng kỳ. Hẳn ông cử thấy tôi băn khoăn nên ông cứ đắn đo nói tiếp: “Phụ mẫu chúng tôi đều đã qua đời, tôi là trưởng tộc nhưng chú ấy hiềm vì tôi cộng sự với tây, dứt tình anh em, không đi lại nữa. Nay nhờ ông phán lo giúp cho qua việc hệ trọng này mà nối lại tình huynh đệ chúng tôi”. Ông cử là bậc học giả giỏi văn sách một thời, ngỏ lời nhờ cậy cứu sinh mệnh người em thoát nơi tù ngục, mà người ấy với tôi trước đã thân tình, lẽ nào tôi không nhận giúp. Thật họa vô đơn chí, tờ trình của giám ngục Sơn La phúc đáp về phủ sứ chuyển sang tòa án, tôi cầm đọc có đoạn: “Gọi phạm nhân Nguyễn Thúc Khiêm lên bắt viết cam đoan rằng: Được ân xá về bản quán sống xin cải tà phục thiện, không lập bè đảng hội kín chống chính phủ bảo hộ. Y không viết đã bẻ bút xé giấy quẳng xuống mặt bàn rồi đứng bật dậy, bước giật lùi đập mạnh gáy vào tường đá ở phía sau tự chết”.

Năm 2006, Nguyễn Thúc Khiêm được Nhà nước truy tặng liệt sĩ và đến tháng 8/2016, được Nhà nước công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945. Hai người con của ông là Bạch Nhất và Bạch Tam ở tù đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia kháng chiến chống Pháp.

Thanh Nguyên
Vũ Quý, Kiến Xương