Cả một đời “trọn nghĩa, vẹn tình” với bệnh nhân phong
Về làng phong Văn Môn, xã Vũ Vân (Vũ Thư) những ngày cuối hạ, nét xanh tươi của cây cối trong làng làm dịu đi cái nắng oi, ngột ngạt. 120 năm qua, ngôi làng “biệt dị” trầm lặng, nép mình bên dòng sông Hồng ấy vẫn tồn tại, là nơi “neo” những mảnh đời bất hạnh. Và ở đó, có những người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành để rồi lại trở về gắn bó, trọn tình với những bệnh nhân phong. Chị Lê Thị May, Điều dưỡng trưởng khoa, Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng, Bệnh viện Da liễu Thái Bình là một người như thế.
“Làng phong Văn Môn - Nơi tôi sinh ra ”
Ai sinh ra chẳng có quê hương, có nơi “chôn nhau, cắt rốn” để mà tự hào nhưng với chị Lê Thị May thì lại khác, chị sinh ra ở làng phong Văn Môn giữa những năm tháng diễn ra chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Bố mẹ chị đều là bệnh nhân phong, gặp nhau và tình yêu nảy nở ở chính nơi này. Được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, được chứng kiến nỗi bất hạnh, nỗi đau đớn của người bệnh nên ước mơ lớn nhất của chị May là được học một nghề gì đó để quay trở về “trả ơn” người thân và những bệnh nhân phong đã cưu mang, chăm sóc mình.
Chị May nhớ lại: Năm 1983, tôi là một trong 4 chị em là con em bệnh nhân phong được tạo điều kiện cho đi học y sĩ tại Trường Y sĩ Thái Bình (nay là Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình). Thời gian này, ít bạn bè trong lớp biết đến “quê hương” của chúng tôi bởi nếu nói là mình sinh ra ở làng phong thì không biết còn ai chơi với mình không. Vậy là suốt những năm tháng học ở trường, chúng tôi phải “giấu” đi thân phận của mình. Đến năm 1986, tôi ra trường và trở về làng phong Văn Môn công tác. Như vậy là ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Chẳng có hạnh phúc nào bằng khi tôi được trở về làm việc tại chính nơi mình gắn bó cả tuổi thơ.
Hai mẹ con bệnh nhân phong tại làng phong Văn Môn được chị May chăm sóc hàng ngày.
Hơn 34 năm làm nghề, hơn nửa đời người gắn bó với làng phong Văn Môn, với chị May, làng phong là đại gia đình, mỗi bệnh nhân là một người thân yêu trong gia đình. Như bố mẹ chị, nhiều bệnh nhân phong vào đây khi tuổi đời còn rất trẻ, làng phong như một xã hội thu nhỏ, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Có khoảng thời gian dài, bệnh nhân phong bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh, kỳ thị khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn, lầm lũi khi lúc ốm đau không có người thân bên cạnh chăm sóc, lúc vui buồn không có bè bạn sẻ chia. Có những người không nhớ nổi đường về quê hương bản quán, có những người cả một đời sống ở làng phong không có người thân đến thăm. Họ cứ thế sống chậm, lặng lẽ và yên nghỉ nơi mảnh đất này. Chị May và những y bác sĩ ở làng phong là những người đã mang lại cho người bệnh cảm giác được chở che, được quan tâm.
“Khi bố mẹ tôi còn sống đến khi từ giã cuộc đời, tôi vẫn coi những bệnh nhân phong xung quanh mình là những người bố, người mẹ, anh, chị, em trong nhà. Tôi luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ để họ vượt qua mặc cảm, sống hòa đồng, vui vẻ trong quãng đời còn lại. Với tôi, làng phong Văn Môn là cái tên đặc biệt, là “quê hương” của tôi mà cả đời tôi không bao giờ quên được. Đó cũng là nơi cho tôi những cảm xúc vui, buồn, là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.”, chị May tâm sự.
Làm tất cả vì bệnh nhân phong
Làng phong Văn Môn trước đây cũng đông đúc lắm, nơi quần cư của hàng nghìn người cùng chung một hoàn cảnh, số phận tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Giờ đây, ngôi làng có tuổi đời hơn một thế kỷ ấy trầm lắng, yên bình đến lạ. Ẩn khuất sau những hàng cây cổ thụ là những dãy nhà hai tầng tách biệt - nơi dành riêng cho những bệnh nhân phong tàn tật sinh sống. Phòng làm việc của chị May và đồng nghiệp cũng chỉ cách phòng ở của bệnh nhân một bức tường.
Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng, Bệnh viện Da liễu Thái Bình hiện còn 121 bệnh nhân có độ tuổi từ trên 80 đến trên 100 tuổi. Chủ yếu là các cụ bị cụt tứ chi, khiếm thính, khiếm thị, tâm thần… Mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải phụ thuộc vào các điều dưỡng và hộ lý. Do tuổi cao, sức yếu, nhiều cụ mất trí nhớ nên các cụ hay cáu giận, có khi còn chửi bới cả người phục vụ mình nhưng các chị đều nín nhịn, nhiều khi phải “chiều” theo ý các cụ. Công việc chăm sóc các cụ có khó khăn, vất vả là thế nhưng với trách nhiệm của người làm ngành Y và hơn hết là cái tình, cái nghĩa với bệnh nhân như cha mẹ mình nên ai cũng đều cố gắng, san sẻ, hỗ trợ công việc cho nhau.
Dù là Trưởng khoa nhưng hàng ngày, sau giờ giao ban với lãnh đạo Bệnh viện, chị May đều bố trí, sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian hỗ trợ công việc cho cán bộ, nhân viên trong Khoa các công việc thường nhật. Từ việc cắt tóc, gội đầu, thay quần áo, chăn màn, vệ sinh vết thương đến bón cơm cho các cụ, chị đều xông xáo và nhiệt tình. Trong Khoa không có khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa người bệnh và cán bộ. Tất cả đều hòa đồng, vui vẻ, gắn bó với nhau như người một nhà.
Chị Lê Thị May kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân phong tàn tật.
Thấu hiểu hoàn cảnh và nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của bệnh nhân phong, ngoài thời gian dành cho công việc, chị May thường xuyên gần gũi, trò chuyện cũng như động viên bệnh nhân của mình, nhất là khi bệnh nhân đau ốm. Chẳng phải thế mà khi chị có việc đi công tác vài ngày, các cụ ở làng phong lại hỏi, lại nhắc đến chị như nhớ đứa con ở xa chưa về.
Bà Trần Thị La, 88 tuổi, bệnh nhân nội trú điều trị tại Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng tâm sự: Chị May không nề hà một công việc gì, bất kể lúc nào chúng tôi đau sốt, chị ấy trực tiếp cõng hoặc cho xe đưa chúng tôi lên viện. Mỗi tuần 3 lần chị trực tiếp lên từng phòng để thăm khám huyết áp và nhắc nhở chúng tôi uống thuốc đúng giờ…
Cùng với công tác điều dưỡng, chị Lê Thị May cũng luôn quan tâm, tổ chức tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, cung cấp cho người bệnh các suất săn bảo đảm chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bệnh cạnh chế độ theo tiêu chuẩn quy định, chị và đồng nghiệp còn tận dụng diện tích đất, ao quanh bếp, quanh nhà tăng gia trồng rau, thả cá để bổ sung thêm thực phẩm sạch, dinh dưỡng vào khẩu phần ăn cho bệnh nhân. Nhờ vậy, trong những năm qua, Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân đều hài lòng, tin tưởng vào sự chăm sóc, điều trị, không phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ đối với người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế.
Từ việc cắt tóc, gội đầu, thay quần áo, chăn màn, vệ sinh vết thương đến bón cơm cho các cụ, chị May đều xông xáo và nhiệt tình.Chị May thường xuyên gần gũi, trò chuyện với các bệnh nhân phong điều trị nội trú tại Bệnh viện Da liễu Thái Bình.
Chị May “Dân vận khéo”
Cùng với lòng nhiệt huyết trong nhiệm vụ chuyên môn, chị Lê Thị May cùng với Ban lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Thái Bình kết nối, kêu gọi các nguồn từ thiện của các tổ chức, cá nhân dành cho các bệnh nhân phong đang sống và điều trị tại đây. Khi căn bệnh phong không còn là nỗi ám ảnh, đáng sợ thì cũng không còn sự xa lánh, kỳ thị của người đời nữa. Những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân và các đoàn từ thiện trong nước và quốc tế đã đến thăm, tổ chức các hoạt động tặng quà cho các bệnh nhân phong. Những tình cảm đó đã giúp bệnh nhân phong vơi bớt đi nỗi mặc cảm bệnh tật để sống vui, sống khỏe quãng đời còn lại.
Nơi làm việc của chị May giản dị nằm tiếp giáp với dãy nhà bệnh nhân phong tàn tật ở.
Chị Lê Thị May cho biết: Nhiều năm trở lại đây, vào các dịp lễ tết, nhiều đoàn từ thiện ở các nơi về đây tổ chức trao quà cho các bệnh nhân phong như gạo, nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, xe lăn… Hiện nay có đoàn vẫn duy trì hoạt động nấu cháo từ thiện để phục vụ bữa sáng cho bệnh nhân phong. Các đoàn, cá nhân đến tổ chức hoạt động từ thiện đều được Bệnh viện đón tiếp chu đáo, để lại dấu ấn tốt đẹp.
“Đồng chí Lê Thị May là cán bộ có thâm niên công tác, có năng lực quản lý và điều hành, tổ chức thực hiện tốt công việc theo chức trách; đồng thời là đảng viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với đó, đồng chí thường xuyên tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện tổ chức thực hiện tốt các quy định, quy trình về lĩnh vực điều dưỡng. Nhiều năm liền, đồng chí Lê Thị May được Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu Thái Bình khen thưởng. Đặc biệt, năm 2020, đồng chí May được UBND tỉnh tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020”- Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình. |
Từ ngày đầu về lại làng phong với vai trò là người chăm sóc bệnh nhân đến nay đã gần 35 năm chị May “trọn nghĩa, vẹn tình” với bệnh nhân phong. Với chị đó là một điều hạnh phúc bởi việc gì đem lại niềm vui, xoa dịu nỗi đau của người bệnh thì chị hết sức làm bằng cái tâm của mình. Có nhiều điều dưỡng, hộ lý khi mới về đây nhận công tác đều có cảm xúc hụt hẫng nhưng rồi được chị May động viên, khích lệ và “cầm tay chỉ việc” thì càng trân trọng công việc của mình và muốn gắn bó lâu dài với làng phong.
23 năm công tác cùng với chị May, điều dưỡng viên Lê Thị Hương, Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng chia sẻ: Ở Khoa có 2 điều dưỡng và 12 hộ lý nhưng dưới sự chỉ đạo của chị May, công việc đều được thực hiện nền nếp. Chị May như người chị cả đã dìu dắt, giúp đỡ chúng tôi trong công việc và là người truyền cảm hứng cho chúng tôi thêm yêu, gắn bó với bệnh nhân phong.
Với những bệnh nhân phong tàn tật mù lòa ở làng phong Văn Môn, chị May còn ví như “đôi mắt”, “bàn tay” để trong bóng tối, họ cảm nhận được cuộc sống này có những sắc màu hạnh phúc xung quanh”.
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai