Một nhân cách hết mình vì quê hương
Cụ thủy tổ lập địa xây dựng làng Kênh Đồng, ấp Hà Nội, tổng Trực Nội xưa (làng Ký Con, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng nay) cũng không ngờ, dòng họ Đặng làng mình, trong một gia đình mà có tới hai đời kế tiếp (bố, con) cùng làm chủ tịch tỉnh.
Từ lâu tôi đã nghe người ta nói những điều tốt lành về chủ tịch Đặng Trịnh. Đến khi về làm việc ở Báo Thái Bình, được chứng kiến những việc làm, tôi càng khâm phục và ngưỡng mộ ông. Ngưỡng mộ một phẩm chất thể hiện qua công việc và cách ông hành xử với mọi người. Cao hơn là công sức, thành quả cả cuộc đời ông đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Tôi muốn viết chân dung một con người với hy vọng trân trọng cái đẹp trong tâm hồn ông để lưu lại cho hậu thế. Tôi đã gặp và được nghe nhiều người đã từng gần gũi bên ông. Qua mỗi câu chuyện họ kể lại, vừa là ký ức gợi nhớ vừa là sự khắc sâu trong tâm khảm mỗi người về một con người.
Ông Đặng Trịnh sinh ngày 1 tháng 10 năm 1928 ở làng Kênh Đồng, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng - một làng quê có truyền thống văn hiến và cách mạng. Gia đình ông cư trú tại thành phố Thái Bình.
Thời niên thiếu, được chứng kiến cảnh làng quê đắm chìm trong khổ đau, cơ cực do chế độ thực dân, phong kiến áp bức, từ đây đã hình thành trong tâm hồn anh thanh niên Đặng Trịnh tư tưởng giác ngộ cách mạng với khát vọng được góp phần tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Tháng 8 năm 1945, mới mười bảy tuổi ông đã tình nguyện tham gia hoạt động đoàn thanh niên cứu quốc. Hai năm 1946 - 1947, ông tham gia phong trào bình dân học vụ ở địa phương. Năm 1948, khi vừa tròn hai mươi tuổi, anh thanh niên Đặng Trịnh được kết nạp vào Đảng, trở thành người đảng viên cộng sản. Với sự năng nổ trong hoạt động, một năm sau ông được bầu làm chi ủy viên và sau đó được cử làm bí thư chi bộ Đảng xã Đông Xuân. Với những đóng góp tích cực, ông đã góp phần đưa phong trào cách mạng của địa phương không ngừng phát triển.
Ông Đặng Trọng Vy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Bình cho biết, bố ông Đặng Trọng Vy và bố ông Đặng Trịnh là hai anh em con chú, con bác. Bố ông Vy là cụ Đặng Trọng Thị, con ông bác. Bố ông Đặng Trịnh là cụ Đặng Trọng Ấn, con ông chú. Cụ Đặng Trọng Ấn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ sinh được ba người con trai và ba người con gái. Ông Đặng Trịnh là con cả. Ông Đặng Trọng Sùng, người con thứ hai tham gia quân đội hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai thứ ba là Đặng Trọng Đô, nguyên Trưởng ban Tổ chức cán bộ Ty Lương thực Thái Bình.
Ông Đặng Trọng Vy xúc động: Dòng họ Đặng của chúng tôi rất tự hào về gia đình ông Đặng Trịnh. Nói rộng ra, cả làng, cả xã tự hào về gia đình ông. Ông Đặng Trịnh là cán bộ lão thành cách mạng có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho xã hội. Ông là người yêu nước, yêu quê hương, chí tâm với Đảng, với cách mạng. Một người sống đức độ, khiêm nhường, giản dị và chân tình.
Ông Đặng Trọng Vy nói tiếp: Việc báo đáp các bậc tiền nhân tiên tổ ông rất quan tâm. Ông là người khởi phát việc xây dựng từ đường họ Đặng của chúng tôi tại làng Kênh Đồng, là nơi mỗi dịp lễ, tết con cháu hội tụ về dâng hương bái yết tiên tổ.
Năm 1952, ông Đặng Trịnh được Tỉnh ủy Thái Bình điều lên tham gia ban thị ủy thị xã, phụ trách phong trào cơ sở. Lên thị xã, ông đã gặp Vũ Ngọc Nhạ và Vũ Hữu Duật cùng là thị ủy viên, sau hai ông Nhạ, Duật vào Nam cùng hoạt động trong lưới tình báo H10 - A22. Ông Vũ Ngọc Nhạ người xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư trở thành cố vấn cho ba đời tổng thống Việt Nam cộng hòa. Ông Vũ Hữu Duật làm tới chức Phó Tổng thư ký thường trực đảng dân chủ, đảng của Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1991, khi viết bộ sách “Huyền thoại người Thái Bình” tập I tôi có dịp được gặp hai nhân vật huyền thoại này. Kể về kỷ niệm những năm tháng ở Thị ủy Thái Bình, ông Vũ Ngọc Nhạ cho biết: Nhờ có cơ duyên mà tôi và anh Đặng Trịnh cùng anh Vũ Hữu Duật gặp nhau và trở thành bộ ba rất thân thiết.
Ông Vũ Ngọc Nhạ hồi nhớ rồi kể: Cả ba chúng tôi khi đó đều là thị ủy viên còn rất trẻ. Anh Vũ Hữu Duật người xã Minh Châu, huyện Đông Hưng được tỉnh điều lên thị ủy cùng với tôi. Anh Đặng Trịnh cũng được điều lên trước chúng tôi mấy tháng. Anh Duật hiền lành, năng nổ, sống hồn nhiên. Anh Đặng Trịnh thông minh, làm việc tận tình, luôn cẩn trọng. Anh là người cư xử tế nhị và rất hào hiệp với bạn bè.
Ông Vũ Ngọc Nhạ kể tiếp: Tôi còn nhớ, hồi ấy vào khoảng cuối năm 1952, anh Trần Quốc Hương, thường gọi là Mười Hương, sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương được Trung ương cử về Thái Bình lấy tôi và anh Duật đi làm nhiệm vụ đặc biệt ở miền Nam. Anh dặn phải tuyệt đối giữ bí mật. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, người duy nhất tôi gặp là anh Đặng Trịnh. Vì anh và tôi thân nhau, không có chuyện gì không tâm sự, chia sẻ. Biết nhiệm vụ của tôi, anh im lặng, vẻ mặt hơi buồn. Mãi tới lúc chúng tôi sắp chia tay nhau, anh Đặng Trịnh mới nói, giọng anh run run xúc động: Mình biết vì nhiệm vụ, Nhạ đưa cả gia đình, vợ con vào trong ấy, để lại bố mẹ già đau yếu, người con nào chẳng lo lắng, băn khoăn. Nhưng Nhạ cứ yên tâm ra đi, ở quê còn có anh em, họ mạc và có cả bọn mình nữa. Đến ngày đất nước thống nhất, rồi anh em mình lại sẽ gặp nhau. Sau câu nói đó, anh Đặng Trịnh nhìn tôi rất lâu, hai hàng nước mắt rươm rướm, rồi anh lại nói: Mình biết rồi đây Nhạ sẽ phải dấn thân vào con đường đầy nguy hiểm. Trước cạm bẫy của quân thù, mình chúc Nhạ luôn may mắn vượt qua.
Ông Vũ Ngọc Nhạ nói với chúng tôi: Khi tôi vào làm cố vấn cho anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, người bên ta coi tôi là kẻ phản bội. Bố mẹ tôi ở quê bị đấu tố vì có con đi theo địch. Hồi đó tôi có nghĩ đến anh Đặng Trịnh. Vì chỉ có anh Trịnh và một số rất ít cán bộ cấp trên mới biết việc làm của tôi. Trong thâm tâm tôi mong anh Đặng Trịnh về cứu giúp bố mẹ tôi. Nhưng ngay sau đó tôi lại sợ anh Đặng Trịnh về quê cứu giúp vì như vậy sẽ lộ ra tôi là người của ta cài vào. Bọn địch sẽ giết chết cả nhà tôi. Quan trọng hơn là A22 bị lộ, cả lưới tình báo của chúng tôi trong phủ tổng thống Sài Gòn sẽ bị thủ tiêu. Làm việc trong phủ tổng thống tôi không có cách nào để báo cho anh Trịnh biết anh đừng can thiệp vào gia đình tôi.
Trong bộ sách “Huyền thoại người Thái Bình” do Nhà xuất bản Văn học in lần thứ nhất, chúng tôi có phỏng vấn ông Đặng Trịnh về việc người của ta xử sự với gia đình ông Vũ Ngọc Nhạ ở quê Vũ Hội. Ông Đặng Trịnh trả lời: Khi đó tôi cũng cân nhắc, suy nghĩ như anh Nhạ. Nếu mình làm không cẩn trọng rất nguy hiểm cho anh và sẽ đổ bể cả lưới tình báo của ta do anh Nhạ chỉ huy. Nhưng cũng không thể không có sự can thiệp khéo léo để người của ta “nương tay” với bố mẹ anh. Phải nói không có sự nghiệt ngã nào so được với các chiến sĩ của ta hoạt động trong lòng địch. Họ phải chịu hy sinh nhiều lắm.
Ông Đặng Trịnh nói tiếp: Công việc anh Vũ Ngọc Nhạ làm đầy gian khổ và mạo hiểm. Chính tôi cũng không ngờ anh đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Làm nhiệm vụ trong lòng địch mà hoàn thành một cách ngoạn mục như anh quả là việc làm không dễ mấy ai làm được. Chúng tôi - những người bạn, người đồng chí thật tự hào về anh.
Nhớ lại lần gặp Vũ Ngọc Nhạ sau ngày đất nước thống nhất, ông Đặng Trịnh cho biết: Vào khoảng tháng 4/1976, quân đội tổ chức đón cả nhà anh Vũ Ngọc Nhạ về thăm quê hương sau 25 năm gia đình anh “di cư” vào Nam. Hồi đó tôi là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình trong đoàn cán bộ của tỉnh được cử về làng Cọi Khê, xã Vũ Hội cùng đón tiếp gia đình anh Nhạ. Đoàn xe về tới đầu làng, anh Nhạ cùng vợ con bước xuống, dân làng nhìn thấy cứ ngớ ra. Họ không hiểu vì sao ông Nhạ, một kẻ phản bội, cả làng, cả xã một thời nguyền rủa lại được quân đội và chính quyền tỉnh, huyện trọng vọng đón tiếp.
Lúc ấy tôi và anh Nhạ ôm chầm lấy nhau. Hai mắt anh đẫm lệ. Tôi cũng không cầm được lệ rơi. Tôi gọi: Nhạ ơi! Cuộc đời của bạn kỳ diệu quá, anh hùng quá. Nhạ nhìn tôi rất lâu. Tôi nói: Người ta bảo Nhạ phản bội, Nhạ đi theo địch. Ngày đầu tôi nghi nghi. Có thể do hoàn cảnh đã làm con người ta thay đổi. Nhưng nghĩ lại tôi vẫn tin Nhạ không phải là người như thế.
Ông Đặng Trịnh kể tiếp: Những lần gặp sau này, tôi và Vũ Ngọc Nhạ có dịp tâm sự nhiều hơn. Chúng tôi ôn lại cái thời bộ ba: tôi, Nhạ và Duật cùng là thị ủy viên, chuyện những ngày Nhạ và Duật ở trong phủ tổng thống Sài Gòn những năm 1955 - 1963 thời Ngô Đình Diệm căng thẳng như thế nào. Nói về chuyện bố mẹ Nhạ ở quê Vũ Hội bị đấu tố, Nhạ bảo: Đặng Trịnh thật khôn khéo. Hồi đó nếu như Trịnh cố chứng minh là biết chuyện cấp trên giao nhiệm vụ cho Nhạ vào Nam hoạt động để “gỡ tội” cho bố mình thì làm sao có ngày hôm nay Trịnh ơi. Bạn xử sự một cách rất tế nhị, vừa giảm nhẹ tội cho bố mình vừa bảo đảm tuyệt đối bí mật.
Ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự tiếp: Mình được người thân tín cho biết, hồi đó Trịnh cho người tin cậy bí mật về “dàn xếp” chuyện của bố mẹ mình, nếu không có sự can thiệp bố mẹ mình khó có thể tránh được cái án tử tội. Xin cảm ơn Trịnh nhiều.
Trong tình bạn giữa hai con người Vũ Ngọc Nhạ và Đặng Trịnh để lại trong lòng nhau những kỷ niệm tri ân, tri kỷ như thế thật đáng quý biết bao.
Từ năm 1952 đến năm 1968, cuộc đời ông Đặng Trịnh gắn liền với sự phát triển đi lên của thị xã Thái Bình. Từ một thị ủy viên phụ trách cơ sở được cấp trên tín nhiệm phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Nhưng có lẽ trong cuộc đời phấn đấu ông không ngờ được Đảng và nhân dân tin tưởng trao trọng trách năm lần làm chủ tịch và bí thư thị ủy thị xã Thái Bình (năm nhiệm kỳ). Đó là những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra khốc liệt. Vừa chỉ đạo sản xuất phát triển kinh tế vừa chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đồng thời lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân thị xã dồn sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh giặc. Lịch sử đã ghi nhận những chiến công to lớn của Đảng bộ, nhân dân thị xã Thái Bình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có đóng góp xứng đáng của ông Đặng Trịnh. Với trách nhiệm là chủ tịch ủy ban hành chính thị xã và sau đó là bí thư thị ủy, ông Đặng Trịnh đã để lại những dấu ấn đáng nhớ về một chặng đường phát triển đi lên của thị xã, làm nền tảng vững chắc cho thành phố Thái Bình phát triển hôm nay.
Anh Vũ Hồng Thái, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thái Bình là người có gần 30 năm gắn bó xây dựng thành phố. Anh Thái được gần gũi ông Đặng Trịnh, được cảm nhận từ ông và được nghe nhiều người nói về tài, đức của ông, một trong những lãnh đạo chủ chốt của thị xã. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về ông Đặng Trịnh, anh nói: Tôi không dám nhận xét mà chỉ biết nói những gì ngưỡng mộ ông. Một con người có cái tâm, cái tầm thật đáng nể. Khi làm lãnh đạo thị xã, ông luôn quan tâm đến mọi người, nhất là người lao động. Ông động viên người tốt, việc tốt trong phong trào “Ba ngọn cờ hồng” phong trào hợp tác xã thủ công nghiệp. Ông là người có công đưa phong trào sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thị xã Thái Bình không ngừng phát triển. Về sản xuất nông nghiệp, ông rất sâu sát. Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm tôi được đi cùng ông tham gia chống bão lụt trong một đêm mưa. Ông xắn quần lội sát mép nước dòng sông Trà Lý, khi đó nước đang dâng cao, tay cầm chiếc đèn pin lia lia trên mặt nước. Đột nhiên quay sang tôi ông nói: Anh Thái ơi, gỗ và rác còn trôi nhiều thế này là lũ còn to đấy, không được chủ quan nhé. Qua câu nói thấy ông đầy kinh nghiệm và sâu sát quá. Nhiều đêm ông thao thức không ngủ vì lo việc chống lũ.
Anh Vũ Hồng Thái kể tiếp: Khi làm chủ tịch rồi làm bí thư thị ủy, ông Đặng Trịnh rất quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Những thành công của thị xã góp phần cùng cả tỉnh trở thành tỉnh một thời dẫn đầu phong trào đường, trường, trạm. Ông sống khiêm nhường, giản dị, luôn gần gũi mọi người. Có những việc cấp dưới thực hiện chưa tốt, ông không nặng lời mà thường dùng chuyện ngụ ngôn để giáo dục, người nghe thấm thía, tin yêu. Đối với đời tư, ông Đặng Trịnh sống mẫu mực, tình cảm, trách nhiệm với gia đình, với họ tộc. Khi về hưu, hàng ngày ông đeo cặp sách đưa cháu tới trường rồi đón cháu về. Một việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa tình người.
Chúng tôi gặp anh Trần Chính, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình. Anh Trần Chính có gần 10 năm công tác thời kỳ ông Đặng Trịnh làm chủ tịch rồi làm bí thư thị ủy. Anh Chính là một cán bộ có năng lực, tài hoa, lại có khiếu văn chương. Ông Đặng Trịnh, người lãnh đạo có tầm văn hóa nên ông rất quý Trần Chính. Những năm được làm việc cùng ông Đặng Trịnh, anh bảo anh có rất nhiều kỷ niệm với ông, cho đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên. Trần Chính kể lại cho chúng tôi nghe, giọng anh xúc động như thể câu chuyện vừa mới xảy ra: Hiếm có một nhà lãnh đạo tài, đức trọn vẹn như ông Đặng Trịnh mà bản thân tôi được chứng kiến. Một con người vừa thông minh vừa tình nghĩa. Đặc biệt ở ông là đức hy sinh và sự chân thành, giản dị. Có chuyện kể ra, có thể bây giờ người ta không tin. Trần Chính hồi nhớ rồi nói: Vào những năm 1965 - 1966 đang có chiến tranh phá hoại, thị ủy phải sơ tán về thôn Thắng Cựu, xã Phú Xuân. Hồi đó tôi làm phó phòng nông nghiệp thị xã. Một hôm xuống Thắng Cựu làm việc, tôi ghé vào thăm ông Đặng Trịnh, khi đó ông là bí thư thị ủy. Ông hỏi tôi: Ông Chính xuống đây có việc gì vậy. Ông Đặng Trịnh thường gọi tôi là ông (ông trẻ). Tôi trả lời: Em đi báo cáo, xong việc vào thăm anh.
Ông Đặng Trịnh bảo tôi: Uống nước đi, lát nữa ông lai tôi về thị xã nhé.
Tôi ngạc nhiên: Lai bí thư bằng xe đạp ư?
Ông Trịnh nói: Tôi cần đi kiểm tra công tác phòng không, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị xung quanh thị xã. Đi xe đạp cho tiện.
Thế là hôm ấy tôi được cầm lái chiếc xe đạp hai dóng chở bí thư Đặng Trịnh đi công tác. Chiếc xe đạp không có chỗ để chân nên ông ngồi sau, hai tay vịn vào lưng tôi, hai chân dang ra. Vào tới đầu thị xã, đường xóc, chiếc dép rơi xuống đường, ông bảo dừng xe rồi nhảy xuống nhặt dép. Tôi chở ông đi một vòng qua tỉnh đội, qua xã Tiền Phong, lên đê Trà Lý, xuống hầm An Tập, sang đường Hoàng Hoa Thám, tới khu bưu điện, đi ngược đường Hai Bà Trưng, qua đường Kỳ Bá kiểm tra hệ thống giao thông hào và một số đơn vị phòng không trực chiến. Khi đến nơi ông nhảy xuống xe, vào luôn vị trí kiểm tra và nhắc nhở mọi người. Sau gần ba giờ đồng hồ đạp xe chở bí thư đi thực địa, rồi tôi lại chở ông về Thắng Cựu. Lúc xuống xe ông Đặng Trịnh nói: Xe của ông Chính chắc chắn lắm.
Tôi bảo: Đây là chiếc xe đạp Thống Nhất anh duyệt cho em mua cuối năm ngoái đó. Hôm nay chiếc xe được chở anh, thật là ý nghĩa.
Ông Trịnh vẻ mặt rất vui nói: Hôm nào có công việc ông lại chở mình đi nhé.
Một hôm tôi đèo bí thư Đặng Trịnh qua cầu Bo, sang Hoàng Diệu kiểm tra công tác giao thông, thủy lợi. Đứng trên một cây cầu gỗ bắc qua con sông ở cuối xã, ngắm dòng sông thơ mộng, nhìn ông mái tóc đã điểm sương, tự nhiên cảm hứng, tôi đọc bài thơ tôi viết về cây cầu cho ông nghe. Trong đó có câu:
Quá xuân bạc nửa mái đầu
Ngậm ngùi nhặt nắng bên cầu chênh vênh.
Bí thư cười rồi khen: Bài thơ hay đấy. Nhưng nhịp cầu chênh vênh trong thơ ông, tôi sợ cây cầu nó sắp sập đấy.
Tôi và ông cùng cười. Khen đấy nhưng ông phê bình thơ tôi cũng rất hóm hỉnh.
Trần Chính kể tiếp: Nhiều người ghi nhận bí thư Đặng Trịnh là người thông thái, hóm hỉnh, pha chút hài hước nhưng rất sâu sát. Tôi còn nhớ một lần ông đi dự giao ban đầu bờ rút kinh nghiệm kết quả sản xuất vụ đông “thất thu” ở một hợp tác xã ven thị. Cơ sở báo cáo với bí thư cách làm là học tập từ một đơn vị bạn. Ông Đặng Trịnh phê bình, nhắc nhở bằng một câu nói rất văn hoa mà sâu sắc:
Đừng thấy ai ai ta cũng ai ai
Ai ấy ấy mà ta cũng ấy ấy.
Ý của ông là: Đừng thấy người ta làm cái gì mình cũng bắt chước làm theo. Phải biết chủ động chọn lọc. Đất nào cây ấy, kinh nghiệm người xưa đã dạy rồi. Không thể theo người ta mà bỏ qua kinh nghiệm.
Gần hai mươi năm tâm huyết, gắn bó tuổi trẻ với thị xã là gần hai mươi năm tích tụ kinh nghiệm cho bước đi sau này. Lên tỉnh ông tiếp tục sự nghiệp, góp công, góp sức xây dựng quê hương Thái Bình. Sau khi thôi giữ chức bí thư thị ủy, ông Đặng Trịnh lên tỉnh, công tác tại Ty Kiến trúc Thái Bình. Đến năm 1972, ông được phân công sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Từ năm 1974 đến năm 1977, ông Đặng Trịnh làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Với những trọng trách được Đảng và nhân dân tín nhiệm, ông luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không phụ người có công với dân với nước, sau bốn năm đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch tỉnh, năm 1978 ông Đặng Trịnh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Được giữ cương vị đứng đầu chính quyền một tỉnh, có thể nhiều người rất vui nhưng với chủ tịch Đặng Trịnh nỗi trăn trở khi đó đè nặng lên tâm thế ông. Làm chủ tịch tỉnh trong hoàn cảnh đất nước vừa giải phóng qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiềm năng kinh tế còn rất nhiều khó khăn; cơ sở vật chất một tỉnh nông nghiệp còn lạc hậu lại càng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, là người có trách nhiệm trước dân, trước Đảng, làm sao ông không suy tư, nghĩ ngợi, cả sự lo lắng nữa. Nhiều người kể, ngày đó ông dồn toàn tâm, toàn ý vào công việc. Làm với cường độ cao, nhà ở ngay thị xã mà có khi cả tuần ông mới ghé qua nhà. Tất cả vì sự phát triển đi lên của tỉnh, vì cuộc sống của người dân. Trong những năm tháng này, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh có nhiều giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, đưa nền kinh tế của Thái Bình từng bước đi lên. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Thái Bình trở thành một tỉnh có năng suất dẫn đầu miền Bắc. Với sự lãnh đạo tài hoa, sáng suốt và hiệu quả cùng với sự tận tâm, chân thành, chủ tịch Đặng Trịnh ngày càng được Đảng tin, dân mến. Hết nhiệm kỳ chủ tịch 1978 - 1982, ông Đặng Trịnh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ thứ hai (1982 - 1986). Ở thời gian này, ông đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh góp phần đưa Thái Bình đi lên đạt nhiều thành quả mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…
Ngày đó làm phóng viên Báo Thái Bình, tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với chủ tịch tỉnh,được dự các cuộc họp và giao ban do chủ tịch Đặng Trịnh điều hành. Ngưỡng mộ ông nên tôi thường chăm chú lắng nghe và quan sát thần thái của ông. Một gương mặt thông minh, phúc hậu, luôn ngời sáng. Giọng ông ấm áp, khúc triết, đôi khi có chút hài hước, hóm hỉnh. Ông thường lấy chuyện ngụ ngôn, lấy tích chuyện xưa để nói sự việc hôm nay, vừa dí dỏm vừa có tính “chỉ bảo” khéo léo, người nghe thấm thía mà làm theo. Ông sống rất tình cảm với mọi người. Với cánh văn chương, báo chí chúng tôi, ông rất yêu mến, nể trọng.
Những cán bộ làm việc cùng thời chủ tịch Đặng Trịnh hầu hết đều lưu giữ những ấn tượng tốt đẹp về ông. Tôi gặp anh Đào Trọng Thuần, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình. Anh Trọng Thuần có thời gian khá dài làm thư ký ủy ban tỉnh, làm giám đốc sở thủy lợi thời kỳ ông Đặng Trịnh đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch tỉnh rồi chủ tịch tỉnh. Đào Trọng Thuần tâm sự: Thế hệ chúng tôi rất kính trọng ông, một vị chủ tịch để lại nhiều dấu ấn khó quên. Tuy công việc bận mải song ông vẫn tranh thủ đọc sách kinh tế, chính trị, đọc cả sách văn chương, tiểu thuyết. Ông là người có tầm văn hóa cao, hiểu biết rộng, kiến thức đông, tây, kim, cổ đều uyên thâm. Chúng tôi học hỏi được nhiều điều ở ông, nên cánh thư ký ủy ban ai cũng trưởng thành.
Đào Trọng Thuần nói tiếp: Là một tỉnh nông nghiệp, ông Đặng Trịnh rất quan tâm tới công tác thủy lợi. Mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh vào loại bậc nhất cả nước thời đó. Những công trình thủy lợi lớn ở Thái Bình nhắc tới nhiều người vẫn nhớ như Trà Linh, cống Lân 2, các trạm bơm lớn như Cự Lâm, Lão Khê, Đại Nẫm, Tịnh Xuyên, Đồng Cống. Rồi các công trình điện khí hóa nông thôn ra đời sau đó đều gắn liền với công sức và sự chỉ đạo của chủ tịch Đặng Trịnh. Tôi còn nhớ một hôm đứng bên cánh đồng lúa mênh mông của huyện Đông Hưng. Lúa đang vào mẩy trĩu bông, vàng ươm. Hai tay chủ tịch Đặng Trịnh nâng bông lúa lên, đôi mắt ông vui lắm, mặt rạng ngời, ông đọc liền hai câu thơ:
Anh đi lúa chửa chia vè
Anh về lúa đã đỏ hoe cánh đồng.
Chúng tôi biết tâm trạng ông khi ấy rạo rực vì công sức của bao người nay đã có thành quả. Phải nói thời ông làm chủ tịch, năng suất lúa của Thái Bình liên tục vượt lên các đỉnh cao. Sản xuất vụ đông với diện tích vào loại lớn nhất và hiệu quả kinh tế cũng được xếp vào loại nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Nói về cuộc sống đời tư của chủ tịch Đặng Trịnh, anh Đào Trọng Thuần tâm sự: Hiếm có vị chủ tịch sống thanh liêm, nhân ái như vậy. Suốt cả cuộc đời cống hiến, khi về hưu vẫn sống trong mấy gian nhà ngói cũ. Tôi đề nghị mua hộ ông mấy tạ sắt tận dụng để làm lại căn nhà cho chắc chắn. Nói mãi ông mới nghe và chỉ đủ tiền mua vật liệu làm một gian nhà trong số bốn gian để chống bão gió.
Ông Nguyễn Văn Hạng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tâm sự: Anh Đặng Trịnh là người lãnh đạo, một nhân cách hiếm có. Tôi thực sự khâm phục và kính trọng anh. Không chỉ có tài trong chỉ đạo, có tâm trong cư xử, anh còn là một con người có tầm văn hóa, hiểu biết rộng. Thời chúng tôi, anh Đặng Trịnh làm được nhiều việc lớn cho Thái Bình nhưng anh lại rất khiêm tốn. Anh coi công việc anh làm được là công của mọi người, đức tính ấy làm nhiều người nể phục…
Từ một cán bộ cơ sở đi lên trở thành vị chủ tịch tỉnh có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng, với những cống hiến to lớn trong suốt cuộc đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, ông Đặng Trịnh được Đảng và Nhà nước ghi công, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó có phần thưởng lớn nhất đối với ông là phần thưởng của Đảng bộ, nhân dân Thái Bình dành cho ông. Đó là niềm tin yêu, sự trân trọng những thành quả mà ông đã dâng hiến cho mảnh đất và con người Thái Bình.
Bút ký của MINH CHUYÊN
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai