Thứ 6, 15/11/2024, 17:53[GMT+7]

Cánh đồng 5 tấn và dấu ấn phong trào làm bèo hoa dâu

Thứ 6, 11/12/2020 | 08:27:28
12,284 lượt xem
“Muốn tăng năng suất, trước hết phải làm tốt thủy lợi, phải nhiều phân bón” - đây là một trong những lời huấn thị về sản xuất nông nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, nhân dân Thái Bình khi Người về thăm ngày 1/1/1967.

Nhờ chăm chỉ sản xuất phân xanh, phân bón, cải tạo đất theo lời Bác dạy, nông dân huyện Vũ Thư đã tạo ra những cánh đồng có năng suất cao.

Thực hiện lời dạy của Người, những năm miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất, nông dân huyện Vũ Thư đẩy mạnh phong trào làm bèo hoa dâu, tạo phân bón, cải tạo đồng ruộng - yếu tố quan trọng góp phần làm nên những cánh đồng đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha ở Thái Bình và toàn miền Bắc.

Bèo hoa dâu phủ kín đất lúa

Bà Trần Thị Tuyến, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vũ Thư, thành viên Đội khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong, xã Việt Hùng - một trong những người đầu tiên ươm và nhân rộng cây bèo hoa dâu ở đồng ruộng Vũ Thư (trước đây là Thư Trì) chia sẻ: Ngày ấy, phân bón nông nghiệp khan hiếm, trong khi chất đất trên đồng ruộng vô cùng chua, xấu, năng suất lúa và cây trồng rất thấp. Những năm 1964 - 1965, Đội khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ sản xuất giống bèo hoa dâu cho các hợp tác xã làm phân bón. Bà Tuyến và các thành viên của Đội khoa học kỹ thuật “cơm đùm cơm nắm” sang huyện ven biển của tỉnh Nam Định nhặt mấy ngày mới được 1 cân bèo hoa dâu. Mọi người nâng niu, chăm chút từng cây, nuôi vào chậu thau rồi nhân ra từng mét vuông đất. Từ 1 cân ban đầu, Đội đã phát triển được hàng trăm tấn bèo hoa dâu phục vụ xã viên HTX Tân Phong và bán cho các HTX trong và ngoài tỉnh làm phân bón cải tạo đồng ruộng.

Từ HTX Tân Phong, xã Việt Hùng, phong trào trồng bèo  hoa dâu phát triển mạnh ra toàn huyện Thư Trì. Ban đầu, bèo  hoa dâu chỉ được trồng vụ chiêm - xuân (ước tính, vụ chiêm xuân năm 1965 - 1966, huyện Thư Trì nhân được 12.736 mẫu bèo hoa dâu); nhưng sau đó, nông dân có kinh nghiệm, có thể trồng được cả mùa nóng và mùa rét. Có năm, gần 100% diện tích cấy lúa toàn huyện được phủ kín bèo hoa dâu. Nhiều diện tích cấy lúa cao sản được vùi bèo 2 lần. Nhiều HTX có đội chuyên làm phân bón, không chỉ đủ lượng phân bón cho địa phương mà còn dư bèo hoa dâu sản xuất phân bón bán cho các địa phương khác. Đối với đảng viên ở nông thôn, nhiệm vụ thả bèo hoa dâu còn được đưa vào tiêu chí đánh giá, bình xét cuối năm.

Bà Phạm Thị Điển, 84 tuổi, thôn La Uyên, xã Minh Quang (Vũ Thư) cho biết: Nhớ lại không khí thi đua sản xuất những năm miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất, tôi vô cùng xúc động. Nông dân thi đua nhau cày cấy, làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng. Phong trào thả bèo hoa dâu làm phân xanh bón lúa khi đó rất sôi nổi. Ở đâu có ruộng lúa, ở đó có bèo hoa dâu. Tưởng chừng bèo hoa dâu dễ sống nhưng để có ruộng bèo hoa dâu xanh tốt, năng suất cao, đòi hỏi nông dân chăm chút tỉ mỉ, nhất là tát nước vào ruộng. Tuy vất vả nhưng bù lại, có bèo, đất được bón phân, năng suất lúa khá lên, bà con càng phấn khởi và tích cực thả bèo.

Cùng với phong trào thả bèo hoa dâu trên đồng ruộng, huyện Thư Trì phát động khẩu hiệu “núi bùn, biển bèo dâu, rừng điền thanh”, tức là lấy bùn sông, bùn ao bổ sung cho lượng phân bón trên đồng ruộng và nhân rộng bèo hoa dâu, trồng cây điền thanh làm phân xanh. Cùng với bèo hoa dâu, các HTX Tân Phong (Việt Hùng), Hiệp Hòa, Hòa Bình trồng thêm cây muồng, điền thanh làm phân xanh cải tạo đồng ruộng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp HTX Tân Phong đạt năng suất lúa 7,7 tấn/ha, dẫn đầu tỉnh và toàn miền Bắc năm 1966, được Bác Hồ gửi thư khen và về thăm, động viên ngày 1/1/1967. Phong trào thả bèo hoa dâu làm phân bón được duy trì nhiều năm trên đồng ruộng Vũ Thư, đưa năng suất lúa tăng cao so với trước. Tiêu biểu năm 1967, cả hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì (Vũ Thư hiện nay) có năng suất cao hơn bình quân chung của tỉnh và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen về thành tích hai năm liền đạt 5 tấn/ha. Năm 1973, năng suất lúa chung của tỉnh bị giảm nhưng Vũ Thư vẫn là 1 trong 5 huyện đạt trên 6 tấn/ha, HTX Tân Phong đạt trên 10 tấn/ha.

Cần khôi phục phong trào làm phân xanh cho đồng ruộng

Hiện nay, do tác động của nhiều yếu tố, sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại hóa, hầu hết nông dân không chú trọng việc bón phân xanh, phân chuồng cải tạo đất mà lạm dụng các loại phân bón vô cơ, sản xuất sẵn để bón cho cây trồng.

Cánh đồng thôn Mỹ Lộc 1, HTX Tân Phong, xã Việt Hùn vốn là cái nôi của phong trào thả bèo hoa dâu, trồng điền thanh làm phân xanh bón ruộng nhưng giờ đây không có bóng dáng cây điền thanh, ruộng bèo hoa dâu nào. 

Lão nông Phạm Quang Hưu, thôn Mỹ Lộc chia sẻ: Trước kia nhà nhà thả bèo hoa dâu, ủ cây xanh, nuôi lợn ủ phân chuồng để làm phân bón nhưng những năm gần đây ít người quan tâm đến việc bón phân xanh, phân chuồng cho đồng ruộng. Nguyên nhân do số hộ chăn nuôi giảm, không có bèo hoa dâu, cây xanh, phân gia súc, gia cầm làm nguyên liệu sản xuất phân xanh, phân chuồng. Mặt khác, các loại phân bón vô cơ đóng bao sẵn tiện lợi hơn nên được nông dân ưa chuộng.

Một số hộ sản xuất nông nghiệp vẫn chú trọng sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng nhưng thay vì sản xuất bèo hoa dâu như trước kia, bà con tận dụng nguồn rơm, rạ, thân cây sau thu hoạch để ủ làm phân bón. Nhiều hộ trồng cây ăn trái, cây cảnh, cây rau màu cho giá trị kinh tế cao ở Hồng Lý, Bách Thuận, Tân Lập, Tự Tân, Trung An, Hồng Phong vẫn quan tâm ngâm ủ phân chuồng hoai mục hoặc đầu tư ngâm ủ hạt đậu tương làm phân bón giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng và bảo vệ đất. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít, còn lại hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Vũ Thư có tư tưởng chủ quan, bỏ qua vai trò của phân xanh, phân chuồng, lạm dụng phân bón vô cơ, gây hệ quả xấu cho đồng ruộng.

Phong trào thả bèo hoa dâu, làm phân xanh, phân chuồng cải tạo đất nông nghiệp tuy đã trôi qua hơn nửa thế kỷ nhưng hiệu quả của phong trào là một dấu ấn khó phai trong lòng các thế hệ nông dân Vũ Thư nói riêng và Thái Bình nói chung về một thời gian khó. Những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của phân bón, đặc biệt là phân xanh, phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp đến nay càng được minh chứng rõ nét. Tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho nông dân Thái Bình không chỉ ở những điều lớn lao mà ở ngay những lời răn dạy ân cần về cách làm phân bón, việc chăn nuôi, chăm lo đời sống cho phụ nữ, có tổ giữ trẻ cho phụ nữ có con mọn... Những lời dạy của Bác mãi là kim chỉ nam cho lớp lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân, nông dân Thái Bình học tập, làm theo.

Quỳnh Lưu

Pham Gia Minh - 3 năm trước

Bài báo rất hay và ý nghĩa. Thế giới đang có xu hướng phổ biến rộng việc sử dụng bèo hoa dâu với mọi quy mô và được các nhà hoạt động môi trường ủng hộ mạnh mẽ. Việt nam ta cũng nên khôi phục việc này trên một tầm cao mới phù hợp với thời đai 4.0

Tải thêm