Chọn quê hương để khởi nghiệp
Đó là những bạn trẻ 8X, 9X bao năm rời xa làng quê đến các thành phố lớn để học tập, tìm kiếm việc làm và gắn bó nhiều năm sau đó với cuộc sống nơi chốn đô thị phồn hoa. Với họ, những năm tháng tuổi trẻ này thật đáng quý, vì họ đã kịp học hỏi được kiến thức, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng trong đời sống lao động và sản xuất. Từ đó, họ có cái nhìn tổng thể hơn về đời sống đô thị lẫn nông thôn, để rồi dần xác định được thế mạnh của địa phương nơi mình sinh ra và quyết tâm mang những điều học được để về áp dụng ngay tại quê nhà.
Đam mê ánh xà cừ từ tủ khảm, sập gụ đã dẫn lối để chàng trai Trần Đức Thuận, thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) qua các nghề từ đi tàu biển, bán gas tới nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Anh Thuận cho biết: Quê hương đã nuôi dưỡng ước mơ, giúp tôi trưởng thành. Tôi mang ơn làng xóm. Tôi tự hỏi tại sao mình không trở về quê làm gì đó để có thu nhập ổn định hơn, mà vẫn thỏa mãn được niềm đam mê của mình. Vậy nên, tôi học và mang nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc về quê để phát triển. Trải qua những khó khăn như về vốn, kinh nghiệm, anh Thuận đã tạo được niềm tin của người thân, bạn bè về nghề nuôi trai lấy ngọc. Sau 2 năm khởi nghiệp, anh Thuận cùng anh trai của mình đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng vào mô hình nuôi trai lấy ngọc. Đã có hàng chục nghìn cá thể trai được cấy nhân, mỗi cá thể được cấy từ 2 - 4 nhân, tỷ lệ cấy sống đạt 98%, doanh thu ước tính đạt khoảng 6 tỷ đồng.
Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, anh Thuận còn tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Anh dự định xây dựng khu vực ao nuôi của mình thành khu du lịch sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm, vỏ trai có thể dùng làm đồ mỹ nghệ, thịt trai làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người yêu và có quyết tâm gắn bó với nghề nuôi trai lấy ngọc.
Đó còn là câu chuyện của anh Đoàn Trọng Nghĩa, xóm 9, xã Bình Minh (Kiến Xương), chàng trai thuộc thế hệ 9X đã mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định, thu nhập khá cao tại một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội và quyết định về quê đào ao thả cá. Anh Nghĩa cho biết: Xác định đã trở thành nông dân, tôi nhất định phải sống được trên quê hương mình, mang những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho công việc của nhà nông. Dẫu còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng với niềm tin và sức trẻ tôi nghĩ mình có thể làm được. Hiện anh Nghĩa có 7 ao nuôi cá với tổng diện tích khoảng 2ha. Trong đó, 5 ao để nuôi cá thương phẩm với các giống cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá rô phi và kết hợp nuôi thêm giống cá Koi của Nhật; 2 ao còn lại dùng để nuôi cá giống phục vụ hoạt động sản xuất của gia đình. Coi trọng giá trị sạch của con cá, anh tự quản lý và sản xuất nguyên liệu thức ăn cho cá bằng việc đầu tư 1 máy chế biến thức ăn cho cá. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh thu về từ 300 - 400 triệu đồng.
Một ví dụ tương tự của xu hướng khởi nghiệp trên quê hương là anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy). Với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm sữa giàu dinh dưỡng và không có hóa chất phụ gia, trên diện tích 450m2, anh Nghĩa đã xây dựng thành công mô hình nuôi dê lấy sữa. Mỗi con dê trong trang trại đều được gắn thẻ tai để quản lý, chăm sóc. Dê được nuôi theo hướng hữu cơ, thức ăn tinh từ bột ngô, cám gạo, khoáng, dầu đậu tương, cỏ Mỹ... hoàn toàn không có cám công nghiệp. Hai sản phẩm chính mà trang trại của anh Nghĩa cung cấp là sữa dê tươi thanh trùng và sữa chua dê. Mô hình nuôi dê lấy sữa giúp anh Nghĩa thu nhập hơn 900 triệu đồng mỗi năm.
Anh Nghĩa cho biết: Để có được thành công như hôm nay, một phần là tự thân, một phần là sự giúp đỡ, đồng hành của gia đình, chính quyền và đoàn thanh niên. Tôi tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2018 và đạt giải nhì, được vào vòng chung kết tham gia cuộc thi cấp quốc gia năm 2018. Từ đây, tôi có nhiều cơ hội giao lưu, học tập nhiều kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp, tham gia các chương trình đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tổ chức đoàn, giúp tôi càng thêm quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
Đó còn là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ hiện nay với bao tâm tư trở về quê nhà gắn bó với công việc nhà nông như: trồng rau sạch, lúa sạch, làm vườn với nhiều loại rau, củ, cây trái với giá trị kinh tế cao. Hay tham gia vào các chuỗi phân phối nông sản, sản xuất, kinh doanh tất cả các mặt hàng phục vụ đời sống...
Trở về quê nghĩa là từ bỏ cuộc sống ổn định và bắt đầu dấn thân lập nghiệp, cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn khởi nghiệp, lời dèm pha của dư luận, sự thiếu niềm tin từ gia đình, tốn nhiều thời gian hơn để xây dựng mô hình và các mối quan hệ, đối tác. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ chùn bước. Trong mọi gian khó, điều làm nên sức mạnh tự thân của người trẻ là họ luôn mang trong mình ý thức trưởng thành từ gian khó, họ sinh ra từ làng thì cần phải làm gì đó giúp ích cho làng quê mình càng trở nên tốt đẹp hơn. Chặng đường khởi nghiệp ấy, lực lượng đoàn viên, thanh niên nông thôn luôn có sự đồng hành, trợ lực từ tổ chức đoàn, từ các cấp, các ngành và cộng đồng để thêm vững vàng, tin cậy.
Sau nhiều năm làm việc ở các thành phố và nước ngoài, tôi chọn con đường về quê lập nghiệp bằng việc xây dựng mô hình trồng và chế biến các nông dược hữu cơ. Theo tôi, áp lực cuộc sống nơi nào cũng có, để có thể sống tốt thì ở quê hay ở phố đều đòi hỏi những năng lực nhất định. Nếu từ bỏ một nơi đến một nơi khác bởi sự trốn tránh, không chuẩn bị tâm thế cho nơi mình sắp đến, sự thất bại có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Việc mình cần làm lúc này không phải là từ bỏ mà là cập nhật bản thân, gia tăng năng lực và làm mới chính mình để mình có thể đáp ứng yêu cầu công việc, cuộc sống hiện tại. Và khi đáp ứng được rồi, hạnh phúc sẽ đến với các bạn. Chị Bùi Thị Duyên, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2020) |
Xuân Phương
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường