Thứ 6, 15/11/2024, 13:48[GMT+7]

Chị Thúy làm kinh tế giỏi

Thứ 6, 18/06/2021 | 08:48:58
3,263 lượt xem
Làm nông nghiệp nhưng không vất vả, chi phí ít mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao do tích cực đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất - đó là cách làm giàu mà chị Lưu Thị Thúy, thôn Tân Lập, xã Liên Hoa (Đông Hưng) thực hiện nhiều năm qua.

Chị Lưu Thị Thúy, xã Liên Hoa (Đông Hưng) chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Trước tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác ngày càng nhiều, chị Thúy tiếc “bờ xôi ruộng mật” nên bàn với chồng mượn lại ruộng của bà con để cấy lúa hàng hóa. Ban đầu, vợ chồng chị chỉ mượn 2 mẫu nhưng sau một số vụ gieo cấy thấy hiệu quả đã mạnh dạn mượn thêm ruộng để mở rộng diện tích. Làm nông nghiệp chủ yếu lấy công làm lãi mà nhà chỉ có hai vợ chồng, tận dụng cơ chế hỗ trợ của tỉnh anh chị vay mượn thêm mua máy cày đa năng, máy cấy về vừa làm ruộng của nhà vừa làm dịch vụ cho bà con trong và ngoài xã mỗi vụ khoảng trên 50 mẫu. Đất không phụ công người, vụ nào cũng cho năng suất cao. Nhờ tích tụ cấy lúa chất lượng cao, vợ chồng chị Thúy tích lũy mua bổ sung được nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy gieo mạ khay, máy cấy mạ khay, máy bón phân cho lúa, máy bơm nước... nhằm giảm nhân công, giảm chi phí sản xuất và khiến việc đồng áng không còn vất vả như trước. Số tiền anh chị đầu tư mua máy móc lên tới 500 triệu đồng. Có máy móc hỗ trợ nên cứ hộ nào không cấy là anh chị lại mượn ruộng để làm. Hiện gia đình chị Thúy đang cấy 5 mẫu ruộng, chủ yếu là giống lúa BC15, Bắc thơm. Để thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng anh chị đã dồn đổi thành các mảnh ruộng lớn, mảnh lớn nhất 2,2 mẫu. Trong quá trình sản xuất, vợ chồng chị Thúy còn tự mày mò nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại máy nông nghiệp rất hữu ích như: máy phun thuốc sâu tự động, máy gieo mạ khay, máy xúc thóc, máy xay đất... 

Chị Thúy cho biết: Để giải phóng cho đôi vai, giảm nhân công, không ảnh hưởng đến sức khỏe, vợ chồng tôi đã tự chế ra giàn máy phun thuốc sâu cơ động với cần phun nhiều vòi vươn xa 10m, thuốc đựng trong bình to đặt trên xe lôi, 1 lần đi phun được 3 sào, trong khi phun bằng bình đeo vai 1 sào phải đi 2 lối mới xong. Vợ chồng tôi cũng chế tạo thành công máy làm đất để gieo mạ khay nên không phải vào tận Thanh Hóa mua đất như trước, mỗi vụ tiết kiệm được gần 20 triệu đồng. Vợ chồng tôi còn mày mò làm ra máy gieo mạ khay nhanh, đều và rất hiệu quả. Với máy gieo mạ khay bình quân 5 người gieo 1 tạ mộng mạ/tiếng, còn gieo bằng tay 6 người chỉ gieo được 40kg mộng mạ/ngày. Không dừng lại ở đó, việc xúc hơn chục tấn thóc vào bao sau phơi cũng đã đơn giản, nhanh gọn nhờ chiếc máy xúc thóc tự chế. Khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì việc cấy nhiều ruộng không còn vất vả, đáng ngại nữa mà dễ dàng và hiệu quả hơn. 

Vụ xuân 2021 thêm 1 vụ bội thu của gia đình anh chị Thúy với năng suất đạt 2,2 - 2,5 tạ/sào. Tổng thu nhập từ cấy lúa và làm dịch vụ phục vụ sản xuất cho bà con của gia đình chị Thúy đạt trên 300 triệu đồng/năm. Nếu vẫn giữ kiểu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún như trước chị Thúy dù chịu thương, chịu khó, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng khó có nguồn thu lớn như vậy.

Bên cạnh đó, chị Thúy còn tận dụng thóc cấy được làm thức ăn nuôi 3 con lợn nái, 20 con lợn thịt. Từ đầu năm đến nay, giá lợn cao, anh chị xuất bán lợn thịt và lợn giống thu lãi được 100 triệu đồng. 

Chị Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Hoa khẳng định: Chị Lưu Thị Thúy không chỉ là hội viên làm kinh tế giỏi bằng việc tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phát triển chăn nuôi hiệu quả mà còn tích cực tham gia các phong trào do các cấp hội phát động, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của xã.

Vẫn biết, làm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với hiệu quả kinh tế từ mô hình tích tụ ruộng đất cấy lúa của gia đình chị Thúy sẽ tạo tiền đề cho nhiều nông dân bứt phá khỏi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mạnh dạn tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất quy mô lớn để làm giàu cho gia đình. Đó cũng là động lực để người nông dân gắn bó với đồng ruộng, hạn chế tình trạng ruộng bỏ hoang.

Thu Hiền 

  • Từ khóa