Thứ 6, 15/11/2024, 13:03[GMT+7]

Nỗ lực vì những người cùng cảnh ngộ

Thứ 2, 16/08/2021 | 09:23:05
2,650 lượt xem
Căn phòng rộng chừng 20m2 vừa là nơi để chiếc xe ba bánh vừa là nơi làm nghề may, cũng là phòng khách của chị Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh. Tiếp chúng tôi trong không gian ấy, chị Bình cho biết, mình là một người may mắn bởi có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân và có thể cống hiến để giúp đỡ nhiều nạn nhân chất độc da cam khác.

Là nạn nhân chất độc da cam nhưng chị Nguyễn Thanh Bình đã trực tiếp đào tạo nghề may cho hơn 200 lao động nông thôn, người khuyết tật.

Công việc thường ngày của chị Bình là làm nghề may. Giữa những xấp vải đủ sắc màu, cuộc sống có lẽ cũng thêm phần thú vị bởi nhìn vào những bộ quần áo chỉn chu từng đường kim mũi chỉ do chị làm ra, đâu ai biết đó là sản phẩm từ đôi bàn tay của một phụ nữ có cơ thể không được lành lặn do di chứng của chất độc da cam. 

Chị Bình cho biết: Bị di chứng chất độc da cam từ bố, học hết THPT, tự thấy việc học tập, đi lại, sinh hoạt nhiều khó khăn do đôi chân không lành lặn, tôi quyết định không học lên nữa. Cuộc sống khi ấy đã có những lúc chán chường, mệt mỏi, tự ti... Nhưng chính những lúc nản lòng nhất, có bố mẹ ở bên, tôi nghĩ: Mình là người khuyết tật, phải có một tay nghề vững thì mới bảo đảm được cuộc sống, mới mong thay đổi được số phận, không là gánh nặng của gia đình, nhất là khi bố mẹ già cả, ốm đau. Vì vậy, tôi theo học nghề may với mong ước có thể hòa nhập cộng đồng, giúp ích cho những người cùng cảnh ngộ. Bền bỉ học nghề, sau hơn một năm tôi đã có tay nghề giỏi, sau đó tự mở cửa hàng và phát triển nghề may cho tới nay.

Hơn 20 năm qua, chị Bình đã trực tiếp đào tạo nghề may cho hơn 200 lao động nông thôn, người khuyết tật. Càng đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người, chị càng được chứng kiến nhiều nỗi đau do chất độc da cam gây ra. Với mong muốn có thể giúp đỡ nhiều hơn những người cùng cảnh ngộ với mình, chị Bình quyết định tham gia Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh rồi Hội Người khuyết tật tỉnh. Không có phụ cấp, điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn nhưng 5 năm qua, với vai trò Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, chị cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Hội đã nỗ lực phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn, giao lưu, chia sẻ, qua đó tạo động lực để người khuyết tật phấn đấu từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Nhiều năm gắn bó với công tác hội, theo chị Bình, đa phần người khuyết tật đều gặp khó khăn về tìm kiếm việc làm. Nếu như với nhiều người khỏe mạnh, tìm được công việc yêu thích đã là việc không đơn giản thì đối với người khuyết tật khó khăn ấy càng nhân lên gấp nhiều lần. Góp phần giải quyết vấn đề này, Hội Người khuyết tật tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Thông qua các hoạt động của đề án đã thu hút, tập hợp phụ nữ khuyết tật trên địa bàn tỉnh có khả năng tự lực và có nhu cầu, mong muốn khởi nghiệp được giao lưu, học hỏi, đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hàng chục người khuyết tật đã được đào tạo trở thành kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt hoặc được đào tạo làm việc online chuyên về công nghệ thông tin - lập trình - giải pháp marketing. Đến nay, trong những hội viên được đào tạo, nhiều người đã từng bước có thu nhập ổn định, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2016 đến nay, thông qua sự kết nối với các tổ chức phi chính phủ, nhiều lượt hội viên đã được tiếp cận với nguồn vốn vay không lãi suất. Số tiền tuy không lớn nhưng là nguồn động viên giúp họ nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tú Anh

  • Từ khóa