Trò chuyện với người anh hùng
Viện nghiên cứu của Tập đoàn ThaiBinh Seed đứng chân ở một xã thuộc huyện Đông Hưng, cách thành phố Thái Bình chừng 20km. Xe chạy bon bon trên con đường trải nhựa phẳng lì, người lạ đi qua khó có thể phân biệt đâu là quốc lộ, đâu là đường tỉnh, đường huyện. Hai bên đường là những thảm lúa đang kỳ trổ bông vào mẩy. Bất giác, tôi nhớ lại thời cha ông mình làm nông nghiệp. Cũng nước, phân, cần... đấy nhưng năng suất lúa thường là 70 - 80kg/một sào bắc bộ. Năm nào phong đăng hỏa cốc lắm mới được 90 - 100kg/sào là vui lắm rồi. Hiện nay năng suất lúa của Thái Bình trung bình từ 250 - 300kg/sào, nghĩa là gấp ba đến bốn lần trước đây. Có nhiều nguyên nhân nhưng phải chăng khâu giống đã được đặt đúng chỗ.
Xe tôi vào đến khuôn viên của Viện. Đúng như cựu chiến binh Trần Mạnh Báo nói, Viện nghiên cứu được sắp xếp, quy hoạch lại thành những khu vực theo công năng riêng biệt. Khu nghiên cứu, chọn tạo - trái tim của Viện là ngôi nhà 3 tầng được sơn màu xanh lá mạ - màu đặc trưng của Tập đoàn ThaiBinh Seed. Nhà lưới phục vụ việc gieo trồng thực nghiệm, nhà kho, sân phơi, khu vực chăn nuôi liền kề với vườn rau, ao cá để nâng cao đời sống người lao động. Rồi hàng rào, cổng dậu trông khang trang, sạch sẽ mang dáng dấp một Viện nghiên cứu của một doanh nghiệp khoa học - công nghệ với hàm lượng chất xám ngày càng được tích tụ.
Trời đã sang thu nhưng cái nắng còn gay gắt, đúng như ông cha thường nói: Nắng tháng tám rám trái bưởi. Mới 9 giờ mà nắng nóng như hơ lửa, tôi đi thẳng ra khu vật liệu nơi cựu chiến binh Trần Mạnh Báo và vài người đang lúi cúi trên mấy thửa ruộng. Từ xa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc một tập đoàn lớn với rất nhiều trí thức trẻ mang bộ đồ bảo hộ, chân đi ủng, đầu đội nón, khăn mặt vắt vai y chang một canh điền thực thụ. Nắm chặt tay tôi, sau câu chào hỏi, ông nói: Anh là một trong số ít người tôi mời vào khu vực này. Tôi bật cười và nói: Tôi có là việt gian, phản động gì đâu mà ông phải dè chừng. Không phải thế, nhưng đây là bí quyết trong quá trình nghiên cứu, chọn tạo ra một giống lúa mới. Nếu mọi người biết hết thì còn đâu là bản quyền - ông phân bua. À ra thế! Kinh tế thị trường cũng có những bí mật, khắt khe riêng cũng như phải bí mật khi vào trận đánh ngày trước vậy - tôi thầm nghĩ.
Mặt trời đã lên cao, nắng càng gay gắt. Thi thoảng có cơn gió nhẹ thổi qua chưa đủ mạnh để tạo nên làn sóng lúa trên cánh đồng nhưng cũng làm dịu mát đôi chút. Tôi và ông chậm bước trên các bờ vùng, bờ thửa dọc ngang được cứng hóa bằng bê tông trong khu vật liệu. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện nhưng chủ yếu là phương pháp lai ghép, chọn tạo giống lúa của các nước tiên tiến, nhất là các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Việt Nam ta thường ứng dụng những phương pháp nào? Cả nước có bao nhiêu cơ sở nghiên cứu lai tạo giống lúa? Cơ sở nghiên cứu của ThaiBinh Seed đang ở đâu trên bản đồ lai tạo giống lúa của Việt Nam, thế giới và vận dụng phương pháp lai tạo nào? Khi đã có sản phẩm thì gieo cấy chọn lọc thế nào? Quy trình chăm bón ra sao? Đưa sản phẩm đi khảo nghiệm sản xuất những đâu? Rồi làm báo cáo khoa học, nghiệm thu công nhận giống quốc gia, quảng bá tiếp thị sản phẩm... y như một ông thầy đang giảng bài cho “học sinh” vậy. Tôi nghe mà như “vịt nghe sấm”. Khổ nỗi “học sinh” như tôi có được học hành gì về nông nghiệp đâu. Mang tiếng là con nhà nông, sau 40 năm đi bộ đội, hơn chục năm tham gia công tác cựu chiến binh, đã bước vào ngưỡng “thất thập” rồi nên không hiểu cũng không có gì là lạ. Mà cái thời còn ở nhà phụ giúp bố mẹ cày bừa, tát nước, bón phân, kỹ thuật đơn giản hơn, đâu có phức tạp như bây giờ. Không biết ông có để ý đến sự ngây ngô của tôi lúc này không nhưng ông kể say sưa, nhiệt tình, có lúc còn cao giọng hỏi lại như đang tranh luận với một nhà nông học vậy. Khi nhớ ra người đang đứng đối thoại với mình đích thị là “dân cày đường nhựa”, ông cười thông cảm. Đáp lại niềm say mê của ông, tôi nói vừa như là câu hỏi, vừa như một lời cảm thán: Thế ra, để làm ra một giống mới cũng gian nan phức tạp quá nhỉ? Giọng ông trầm và chắc: Phải nói là vô cùng vất vả. Nói anh đừng cho là đại ngôn. Nếu không có sự say sưa, đam mê, vì cuộc sống của người nông dân, vì một nền nông nghiệp phát triển hiện đại thì không thể làm được. Đã đi làm kinh tế, ai cũng muốn quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận cao. Bây giờ nhiều người khởi nghiệp, làm giàu bằng làm tài chính ngân hàng, xây dựng, bất động sản... Còn để làm ra được một giống lúa mới, có ưu thế về năng suất, chất lượng và sự chống chịu với sâu bệnh, thời tiết có nhanh cũng phải mất từ 3 - 5 năm, đã có những giống chúng tôi phải làm tới 12 năm mới ra sản phẩm. Có sản phẩm rồi còn phải dày công tiếp cận thị trường, quảng bá, hướng dẫn bà con nông dân gieo cấy đúng vụ, chăm bón đúng kỳ, rồi còn sâu bệnh, nắng mưa, bão gió. Không cẩn thận năng suất lúa thấp hoặc mất mùa lại đổ cho tại giống. Mà có rồi đấy. Đôi lần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số cơ quan khoa học nông nghiệp phải lên tiếng giải thích. Có địa phương, chúng tôi phải hỗ trợ mấy chục tấn giống để chia sẻ với người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng, vất vả là vậy nhưng lại mất mùa vì thiếu kiến thức. Rồi lại hướng dẫn nói rõ nguyên nhân vì sao lúa trổ bông nhưng không vào mẩy cứ chỏng cờ, bạc trắng. Dày công tuyên truyền, giải thích, rồi bà con cũng hiểu ra, khó khăn, vất vả lắm mới có được thành quả như bây giờ. Vậy hiện nay ông có bao nhiêu loại giống bản quyền và thị phần thế nào? Tôi hỏi. Ông trả lời ngay: 24 - 25 loại, còn thị trường thì nhiều ít khác nhau nhưng tập hợp các loại giống của ThaiBinh Seed đều có ở tất cả các tỉnh trong cả nước.
Đã gần trưa, cuộc trò chuyện với ông vẫn chưa có dấu hiệu tiết giảm về cường độ. Ông đưa tôi sang khu vực liền kề nhưng ngăn cách bởi hàng rào lưới B40 chắc chắn và phải “ra khóa, vào đóng”. Ông bảo đây là khu vực cấy các giống lúa đã được chọn tạo chuyển sang khảo nghiệm và trình diễn để khách đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và tham quan nên không phải hạn chế người vào thăm. Khu vực này cũng chia thành các ô nhưng mỗi ô có diện tích rộng hơn khu vật liệu. Nhìn những khóm lúa hình chiếc nơm đặt ngược với những bông lúa dày hạt đang vào mẩy và bộ lá “đanh như lá tỏi”, như những cây chông chĩa thẳng lên trời hứa hẹn năng suất cao đủ thấy mồ hôi, công sức của tập thể, cán bộ, kỹ sư của Viện phải lao tâm khổ tứ nhường nào mới có một sản phẩm giống được công nhận và đưa vào sản xuất đại trà. Vẫn trò chuyện nhưng ông cũng chăm chú săm soi những khóm lúa có dấu hiệu bất thường ở cổ bông, ở các nhánh và độ dày của hạt rồi gọi nhân viên kỹ thuật đến trao đổi, dặn dò rất cẩn thận.
Trên đường về, tôi ngập ngừng: Có điều này, tôi muốn hỏi nhưng ông phải thật sự thông cảm và không được tự ái. Ông cắt ngang: Sao anh phải rào đón như vậy, tôi sẵn sàng nghe tất cả những gì người ta nói về mình, có như vậy mới biết được mình là ai. Tôi mạnh dạn: Chả là... khi ông cho in hình ảnh mình trên bao bì các sản phẩm của ThaiBinh Seed có một số người phản đối, chẳng hiểu ý ông thế nào? Ông sôi nổi hẳn lên: Khi tôi cho in hình của mình lên bao bì các sản phẩm, nhiều người không ủng hộ, có người phản đối gay gắt. Lãnh đạo cấp trên có, bạn bè có, ngay cả vợ con tôi cũng khuyên không nên làm vậy vì họ sợ rằng hình ảnh của tôi dễ bị người ta xúc phạm. Tôi lại nghĩ khác và đây là việc tôi đã cân nhắc từ lâu. Nếu cái bao bì đó sau khi sử dụng mà bà con nông dân lại dùng nó để chở phân bón ra đồng chăm sóc cho chính cây lúa mà họ đã mua giống của ThaiBinh Seed thì tốt chứ sao! Vì sản phẩm của mình đã được người nông dân tin tưởng, đón nhận. Đó là dấu hiệu để bà con nhận biết về sản phẩm và cũng là khẳng định trách nhiệm của ThaiBinh Seed đối với sản phẩm do mình sản xuất. Có lẽ đây là những suy nghĩ, là những nét tính cách góp phần làm nên thương hiệu Trần Mạnh Báo và thương hiệu ThaiBinh Seed.
Cũng đã thấm mệt, tôi và ông ngồi nghỉ trên bộ ghế đá granito cạnh bờ ao dưới tán cây lộc vừng râm mát. Ông trầm ngâm hướng mắt về phía xa, nơi có tiếng chuông nhà thờ vang vọng và dòng người đi ra sau buổi lễ. Nhìn cơ ngơi của Viện, ngẫm lại những điều ông kể: Từ một công ty giống cây trồng với những con người, nếp nghĩ và lề lối làm việc của thời bao cấp, sau 21 năm làm Giám đốc, ông cùng cộng sự chèo chống, gây dựng nên một ThaiBinh Seed bây giờ trụ sở là tòa nhà 15 tầng hiện đại tọa lạc trên khu đất vàng của thành phố Thái Bình, 12 chi nhánh và công ty con được phân bổ đều trên toàn quốc. Tập đoàn có nhà máy chế biến hạt giống với hai dây chuyền hiện đại theo công nghệ châu Âu, một nhà máy sấy công nghệ Nhật Bản, một nhà máy chế biến gạo. Viện nghiên cứu với đầy đủ các thiết bị và phòng nuôi cấy sinh học phân tử, phòng nuôi cấy mô. Mỗi năm sản xuất, cung ứng ra thị trường trên 25.000 tấn giống cây trồng các loại.
Mừng vì uy tín của ông và của ThaiBinh Seed đối với các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và người nông dân. Vui vì lòng vị tha và đường ăn, nết ở của ông đối với người lao động. Nhưng quy luật của tạo hóa vốn không có ngoại lệ, mà ông năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi. Thấy tôi băn khoăn muốn tìm hiểu về chiến lược đào tạo lớp người kế cận chèo lái con tàu ThaiBinh Seed tiếp tục vượt trùng khơi, băng ra biển lớn, ông cảm ơn tôi đã luôn dõi theo mỗi bước phát triển của ThaiBinh Seed và bộc bạch: Đó là điều tôi suy nghĩ, trăn trở và âm thầm chuẩn bị từ nhiều năm nay. Vì vậy, trong gần 350 lao động đang làm việc tại ThaiBinh Seed, trên 52% có trình độ đại học, trong đó 10% có trình độ cao học. Từ cán bộ cấp phó phòng đến lãnh đạo công ty đều đã có bằng thạc sĩ và đang học thạc sĩ do ngân sách công ty hỗ trợ. Các cháu bây giờ thông minh, sáng tạo lắm, phần lớn dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu, chấp nhận và vượt qua mọi khó khăn, thử thách để khẳng định mình và hướng tới sự phát triển bền vững. Biết vậy, tôi vẫn khẳng định rằng, ý chí và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, sự thăng trầm, từng trải qua nhiều khúc quanh của cuộc đời và kinh nghiệm xử thế trong ông, các cháu còn phải rèn dũa, đào tạo lâu mới có được. Ông gật đầu thừa nhận.
Chia tay ông sau một “tour du lịch” trải nghiệm, dù chẳng câu được con cá nào nhưng lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả vì cuộc trò chuyện thật ý nghĩa. Qua đây tôi học được ở ông nhiều điều và cũng nói với ông những điều mà lâu nay tôi nung nấu. Tôi rất trân trọng câu nói của ông trước khi chia tay: Hãy ứng xử với nhau và luôn coi nhau là người bạn tốt.
Tháng 11/2021
Đại tá Nguyễn Văn Hán
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024